Liên quan tới kế hoạch bán vốn nhà nước tại Công ty cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk), sáng nay (21/11), Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) tổ chức buổi roadshow giới thiệu cơ hội đầu tư mua cổ phần của SCIC tại Vinamilk.
Trả lời trong phần hỏi đáp, ông Nguyễn Đức Chi - Chủ tịch Hội đồng thành viên, Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) cho biết, đến thời điểm này SCIC vẫn chưa tiếp nhận được bất cứ thông tin chính thức ngỏ ý đầu tư mua cổ phần Vinamilk mà SCIC thoái vốn nào từ phía nhà đầu tư.
Về thông tin F&N ngỏ ý muốn mua cổ phần Nhà nước tại Vinamilk, đại diện SCIC cũng cho biết chưa nhận được thông tin từ cổ đông lớn này của Vinamilk. F&N thuộc sở hữu của tỷ phú Thái Lan Charoen Sirivadhanabhakdi, hiện đang là cổ đông nước ngoài lớn nhất sở hữu 10,95% cổ phần của Vinamilk.
Được biết, trước đó, truyền thông trong và ngoài nước đều đồng loạt đưa tin, tỷ phú giàu nhất Thái Lan Charoen Sirivadhanabhakdi thông qua công ty con Fraser&Neave (F&N) tại Singapore đang tìm cách thâu tóm các công ty đồ uống trong khu vực nhằm gia tăng vị thế của mình tại khu vực Đông Nam Á.
Theo ông Lee Meng Tat, Giám đốc điều hành mảng đồ uống không cồn của F&N, Công ty CP Sữa Việt Nam (Vinamilk) là một “mục tiêu tiềm năng”. Vinamilk được đánh giá là “một ví dụ điển hình cho thấy F&N đang muốn hướng tới, bao gồm: một công ty có thị phần lớn, thương hiệu mạnh và một mạng lưới bán lẻ rộng khắp”.
“Nếu Vinamilk nới room rộng hơn cho nhà đầu tư nước ngoài và đem lại nhiều lợi ích về tài chính, chúng tôi sẽ theo dõi sát sao cổ phiếu của Vinamilk”, Giám đốc mảng đồ uống không cồn tại F&N cho biết.
Vào hồi tháng 11 năm ngoái, cũng từng rộ lên thông tin về việc F&N gửi thư chào mua 45% cổ phần của SCIC tại Vinamilk với giá 4 tỷ USD. Thông tin này được đưa ra sau khi Chính phủ quyết định thoái toàn bộ vốn Nhà nước khỏi 10 doanh nghiệp lớn, trong đó có Vinamilk - vốn được mệnh danh là “con gà đẻ trứng vàng” với mức cổ tức vài nghìn tỷ đồng mang lại mỗi năm.
Hiện F&N thông qua công ty con là F&N Dairy Investment đang là cổ đông lớn nhất của Vinamilk với tỷ lệ sở hữu gần 11%. Phân tích tại thời điểm đó, giới chuyên gia cho biết, nếu mua thêm 45% cổ phần của Vinamilk, F&N sẽ nâng tỷ lệ sở hữu lên 56%, “thừa” để nắm quyền chi phí doanh nghiệp dẫn đầu ngành sữa của Việt Nam.
Mặc dù, ngay sau đó, F&N đưa ra phủ nhận nhưng giới tài chính vẫn không thể phủ nhận một điều rằng, Vinamilk có sức hút rất lớn với nhà đầu tư nước ngoài.
Theo kế hoạch công bố tại buổi roadshow, SCIC sẽ bán ra 9% vốn điều lệ của Vinamilk, tương đương tổng khối lượng cổ phần chào bán đợt này hơn 130 triệu cổ phiếu. Thời gian diễn ra phiên giao dịch và ký hợp đồng là ngày 2/12/2016. Giao dịch dự kiến hoàn tất vào giữa tháng 12.
SCIC hiện vẫn chưa công bố giá khởi điểm, tuy nhiên, giá đặt mua của nhà đầu tư sẽ không được thấp hơn giá khởi điểm và mức giá sàn mà SCIC đưa ra của ngày chào bán.
Theo quy chế bán vốn tại SCIC, đối với doanh nghiệp niêm yết thì việc bán vốn được thực hiện theo phương thức giao dịch khớp lệnh, thỏa thuận qua sở giao dịch chứng khoán hoặc giao dịch thỏa thuận, chuyển nhượng qua VSD. Phương thức lựa chọn nhà đầu tư để thực hiện giao dịch là tổ chức chào bán cạnh tranh nếu có 2 nhà đầu tư đăng ký mua và thỏa thuận trực tiếp nếu có 1 nhà đầu tư đăng ký mua.
Thông tin tại buổi roadshow này cũng cho biết, SCIC không có kế hoạch chỉ bán nhà đầu tư chiến lược của Vinamilk thông qua đợt đấu giá này.
“Cơ hội bình đẳng cho mọi nhà đầu tư tham gia. Ai yêu quý Vinamilk đều có thể đăng ký tham gia mua cổ phần”, lãnh đại SCIC nói.
Về kế hoạch bán tiếp 36% cổ phần còn lại của SCIC tại Vinamilk, ông Chi cho biết, sau đợt chào bán 9% ban đầu, căn cứ vào tình hình, SCIC sẽ trình phương án lên Chính phủ để có kế hoạch cụ thể.
Theo Phương Dung (Dân Trí)