Thị trường bánh trung thu chính thức bước vào thời điểm sôi động nhất. Các doanh nghiệp, cơ quan, thậm chí là các hộ gia đình bắt đầu mua bánh trung thu để biếu tặng.
Hàng trăm thương hiệu bánh trung thu đổ bộ các siêu thị, trung tâm thương mại, đồng thời đua nhau ra vỉa hè, phủ sóng khắp các “chợ mạng” lớn nhỏ. Giá bánh nướng, bánh dẻo dao động từ 15.000 đồng/bánh đến 250.000 đồng/bánh tuỳ loại.
Đáng chú ý, bánh trung thu bán online lại ồ ạt giảm giá trước thời điểm Rằm tháng 8 cả tháng.
Chị Phùng Thị Hải ở Tân Mai (Hoàng Mai, Hà Nội) tính toán, dịp 2/9 sẽ mua vài bánh hộp trung thu để ăn và đem đi tặng, thế nên hôm nay chị lên mạng tìm và đặt hàng online. Kết quả khiến chị khá bất ngờ vì la liệt bánh trung thu giảm giá trên các sàn thương mại điện tử, trong đó có cả thương hiệu lớn.
“Những năm trước, phải sau Rằm tháng 8 bánh trung thu mới giảm giá khủng. Sớm nhất cũng phải đợi đến chiều tối hôm Rằm mới thấy treo biển khuyến mãi. Nhưng nay mới Rằm tháng 7 Âm lịch, bánh trung thu đã giảm giá mạnh”, chị nói.
Hiện trên Tiki, Shopee hay Lazada, chỉ cần gõ từ khoá “bánh trung thu”, ngay lập tức cho ra hàng ngàn kết quả với đủ loại bánh nướng, bánh dẻo của các thương hiệu. Mức giảm giá phổ biến từ 5% đến 50%, tuỳ loại.
Đơn cử, trên Lazada, dù được quảng cáo là quà tặng trung thu cao cấp, chất lượng hảo hạng xuất xứ Trung Quốc, hạn sử dụng 90 ngày bảo quản ở nhiệt độ thường nhưng một hộp 12 bánh giảm giá 32%, từ 155.000 đồng xuống còn 105.000 đồng.
Giá một số bánh trung thu nhân đậu xanh, trà xanh, thập cẩm trứng muối,... cũng được giảm từ 25-44%, còn 14.000-42.000 đồng/bánh tuỳ loại.
Tương tự, trên Shopee, một thương hiệu bánh được quảng cáo là nổi tiếng ở Bến Tre có 20 vị nhân bánh khác nhau thì có đến 15 vị đang chạy chương trình giảm giá từ 8-40% cho loại bánh có trọng lượng 200 gram/bánh. Riêng hộp giấy đựng bánh giảm giá tới 50%.
Trái ngược với bánh trung thu online, kênh bán hàng trực tiếp lại giữ giá ổn định. Thậm chí, các nhà sản xuất bánh trung thu cho biết, năm nay do giá nguyên liệu tăng khá mạnh nên giá bánh cũng được điều chỉnh tăng thêm 5-10% so với cùng kỳ năm ngoái.
Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng tăng sản lượng bánh trung thu để cung ứng ra thị trường kịp thời. Theo đó, Tập đoàn KIDO dự kiến tăng 50% sản lượng bánh trung thu so với năm 2022, từ 300 tấn lên 450 tấn; thương hiệu Đại Phát tăng sản lượng và dự kiến cung ứng ra thị trường 3,3 triệu bánh trung thu các loại.
Bibica năm nay cũng tăng sản lượng 20% so với năm ngoái, dự kiến tung ra thị trường khoảng 600 tấn bánh. Còn tại ABC Bakery, đơn vị này đã làm trên 2 triệu bánh theo đơn đặt hàng từ trước, tăng 200.000 chiếc so với cùng kỳ năm ngoái.
Trước quy mô thị trường bánh trung thu tăng mạnh, mới đây Tổng cục Quản lý thị trường đã chỉ đạo cục quản lý thị trường các tỉnh, thành phố tập trung kiểm tra các cơ sở sản xuất bánh trung thu về nguyên liệu sản xuất bánh; việc sử dụng phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm, chất lượng sản phẩm... để đảm bảo quyền lợi của người tiêu dùng.
Đồng thời, trong dịp Tết Trung thu, tập trung kiểm tra xác cơ sở kinh doanh, các đại lý, cửa hàng bán bánh trung thu về nguồn gốc xuất xứ, chất lượng sản phẩm, điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm. Sau dịp Tết Trung thu, tập trung kiểm tra việc thu hồi và xử lý các sản phẩm hết hạn sử dụng, không đảm bảo chất lượng.
Vừa qua, Quản lý thị trường Hà Nội đã phát hiện và tạm giữ trên 4.600 chiếc bánh trung thu nhập lậu. Quản lý thị trường TP.HCM sáng 30/8 cũng thu giữ hàng trăm bánh trung thu không rõ nguồn gốc xuất xứ, không đảm bảo an toàn cho người sử dụng.
Theo Tâm An (VietNamNet)