Một chiếc bánh trung thu bằng 5 bát cơm: Ăn thế nào để không hại sức khỏe?

30/08/2023 11:28:05

Theo chuyên gia dinh dưỡng một chiếc bánh trung thu tròn cỡ 10x4 cm cung cấp 800-1.200 calo tương đương 5 bát cơm vừa, gấp 2,5 lần một tô phở bò.

Báo VTC News dẫn lời PGS.TS.BS Lâm Vĩnh Niên - Trưởng khoa Dinh dưỡng - Tiết chế, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM lưu ý, bánh trung thu là thực phẩm rất giàu kcal, không phù hợp với một số người có bệnh mãn tính như béo phì, đái tháo đường.

Năng lượng của bánh trung thu chủ yếu từ tinh bột, đặc biệt là các loại bánh dẻo. Một bánh trung thu khoảng 170g cung cấp từ 500 đến 700 calo tùy theo loại bánh và thành phần tương đương 2 ly trà sữa 500 ml (300- 400 calo).

Tương tự, TS.BS Nguyễn Trọng Hưng – Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho biết, một chiếc bánh tròn cỡ 10x4 cm cung cấp 800-1.200 calo tương đương 5 bát cơm vừa, gấp 2,5 lần một tô phở bò (khoảng 430 calo).

Bánh trung thu có nhiều loại với trọng lượng 120g, 150g, 180g, 210g, 230g. Thành phần chính của bánh trung thu là bột, đường, bơ, mỡ lợn... Vỏ của các loại bánh trung thu truyền thống cũng như các loại nhân đậu, nhân hạt sen... được tẩm ướp rất nhiều mỡ và đường. Do đó, bánh chứa nhiều năng lượng, độ béo và ngọt rất cao.

Ăn bánh trung thu, nếu bạn không chú ý kiểm soát tổng năng lượng trong ngày thì dễ dẫn đến dư thừa năng lượng, tăng cân, béo phì, rối loạn đường huyết, tăng nguy cơ đái tháo đường. Thành phần dinh dưỡng không cân đối (tỷ lệ carbohydrate và chất béo cao), không đầy đủ vitamin và ít chất xơ cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ ảnh hưởng sức khỏe.

Một chiếc bánh trung thu bằng 5 bát cơm: Ăn thế nào để không hại sức khỏe?

Ăn bánh trung thu thế nào để không ảnh hưởng tới sức khỏe?

Các chuyên gia dinh dưỡng khuyến cáo, với những người thể trạng bình thường chỉ nên ăn một miếng nhỏ (bằng 1/8 chiếc bánh) sau bữa ăn là đủ.

Với những người thừa cân, béo phì thì nên giới hạn lượng bánh được ăn trong ngày, khẩu phần ăn trong ngày sẽ trừ bớt phần do bánh cung cấp.

Nếu ăn ½ bánh dẻo hoặc bánh nướng thì trong ngày phải bớt đi khoảng 1 bát cơm và lượng thức ăn tương ứng, đồng thời tăng lượng rau xanh để tống chất béo ra ngoài và ngăn ngừa tăng đường huyết nhanh. Nếu không giảm phần cơm thì nhớ đi bộ thêm 30 phút để tiêu hao bớt năng lượng dư thừa.

Với người mắc bệnh mạn tính liên quan đến dinh dưỡng nên lựa chọn các sản phẩm dùng cho người ăn kiêng ít đường và ít chất béo, mặc dù vậy vẫn phải ăn rất hạn chế để kiểm soát lượng đường huyết tăng cao.

Ngoài ra, khi đã ăn bánh trung thu thì nên giảm bớt các thực phẩm khác, đặc biệt là cơm, bánh mì, bún, phở… Để giảm vị ngọt, có thể ăn kèm bánh với hoa quả có nhiều nước và chỉ số đường thấp hoặc uống trà khi ăn bánh…

Những lưu ý khi ăn bánh trung thu

Không ăn khi đói

Việc ăn đồ ngọt khi đang đói sẽ khiến bạn lãng phí một lượng lớn vitamin B để giúp chuyển hóa đường thành năng lượng hữu ích.

Ăn bánh Trung thu lúc bụng đói có thể khiến bạn rơi vào trạng thái mệt mỏi, uể oải, dễ tăng cân nhanh vì đường sẽ chuyển hóa ngay thành chất béo.

Không ăn cùng trà đặc, cà phê, nước có ga

Bánh Trung thu thường rất ngọt. Trong khi đó, nước có ga, trà đặc và cà phê cũng ngọt hoặc chứa lượng lớn caffeine. Nhiều caffeine hoặc chất kích thích luôn được coi là “kẻ thù” của huyết áp cao.

Bạn tốt nhất nên kết hợp bánh Trung thu với các loại nước ép trái cây tươi.

Một chiếc bánh trung thu bằng 5 bát cơm: Ăn thế nào để không hại sức khỏe? - 1

Không ăn quá nhiều

Một chiếc bánh Trung thu 120g cung cấp khoảng 700-900 calo trong khi một người trưởng thành cần khoảng 2000 calo/ngày. Ăn quá nhiều bánh Trung thu sẽ dẫn đến tình trạng tăng cân, không tốt cho huyết áp và sức khỏe của bạn.

Người ít vận động chỉ nên ăn khoảng 1/4 chiếc bánh Trung thu mỗi ngày, người vận động nhẹ có thể ăn 1/2 bánh, còn người vận đồng nhiều có thể ăn 1 chiếc bánh.

Nên ăn bánh trung thu vào ban ngày

Tốt nhất nên ăn bánh trung thu vào buổi sáng hoặc trưa, nên ăn ít hoặc cố gắng không ăn vào buổi tối, nhất là đối với người cao tuổi. Nếu không, nó có thể gây đông máu, huyết khối và các bệnh tim mạch khác.

Không nên ăn với cháo

Bánh trung thu và cháo là những thực phẩm có chỉ số đường huyết cao làm tăng nhanh lượng đường trong máu. Khi ăn chung với nhau sẽ khiến đường huyết trong cơ thể tăng nhanh, không chỉ gây khó chịu cho bệnh nhân tiểu đường mà còn ảnh hưởng xấu đến tế bào não của con người, giảm chuyển hóa chất béo.

PN (SHTT)