Một ngày sau khi hàng loạt tiền kỹ thuật số lao dốc không phanh khiến tài khoản của nhiều nhà đầu tư bị "bốc hơi" 50% chỉ sau một đêm, Bitcoin và các loại tiền kỹ thuật số khác đã hồi phục nhẹ nhưng vẫn đầy rủi ro.
Hàng loạt chiêu trò quảng bá
Đến chiều 21-5, đồng Bitcoin được giao dịch ở mức 39.812 USD, tăng nhẹ 0,51% so với phiên trước nhưng vẫn mất tới 61% so với "đỉnh" của đồng tiền kỹ thuật số này. Các đồng tiền kỹ thuật số khác cũng hồi phục nhẹ so với phiên giảm sốc hôm 19-5 trên thị trường quốc tế, trong lúc làn sóng bán tháo diễn ra mạnh mẽ.
Trong khi Bitcoin và các đồng tiền kỹ thuật số lao dốc, nhiều sàn giao dịch ngoại hối (forex) vẫn tiếp tục mời gọi nhà đầu tư tham gia, thậm chí "bao lỗ", cam kết lợi nhuận 1,2% chỉ trong 15 phút. Trên các diễn đàn về tiền kỹ thuật số, nhiều nhà đầu tư thay vì rút ra khỏi thị trường này thì vẫn tiếp tục mua "bắt đáy" vì cho rằng các loại tiền này sẽ hồi phục, thậm chí lấy lại đỉnh xấp xỉ 65.000 USD/đồng của Bitcoin lập được hồi giữa tháng 4-2021.
Theo chuyên gia tài chính, TS Huỳnh Trung Minh, dù các loại tiền kỹ thuật số, tiền ảo chưa được pháp luật công nhận là loại tài sản giao dịch đầu tư hợp pháp nhưng nhu cầu của nhà đầu tư là có thật, thậm chí rất lớn. Khi các tiền ảo như Bitcoin biến động liên tục, có "sóng" lớn lại kích thích nhu cầu kiếm lợi nhuận cao của nhà đầu tư, chứ không hẳn họ đầu tư vì giá trị của các đồng kỹ thuật số này mang lại.
"Khi giá của các đồng tiền kỹ thuật số bị đẩy lên cao sẽ tạo biến động khó lường và chính trong sự không ổn định lại là cơ hội để nhà đầu tư kiếm lợi nhuận, bất chấp rủi ro" - ông Trung phân tích.
Một số chuyên gia cũng cảnh báo tình trạng đồng Bitcoin tăng giá phi mã là cái cớ để một số đồng tiền ảo khác (coin rác) "ăn theo" với hàng loạt chiêu trò quảng bá, thậm chí mượn những người nổi tiếng dùng mạng xã hội để lôi kéo, tạo sự tin tưởng cho nhà đầu tư, nhất là những nhà đầu tư F0 mới tham gia thị trường.
Chuyên gia tài chính Phan Dũng Khánh cho rằng việc một số nghệ sĩ quảng bá về các đồng "coin rác" và "vẽ" ra tương lai khiến nhà đầu tư kỳ vọng giá trị tăng cao để đầu tư vào thì chẳng khác nào "lừa đảo". Đơn cử, mỗi đồng Dogecoin hiện có giá 0,39 USD, còn những đồng "coin rác" khác có giá rất thấp nhưng bị thổi phồng lên 1 USD.
"Thực tế, ngoài Bitcoin có khoảng 21 triệu coin và không sinh ra thêm, nhiều đồng coin còn lại có số lượng rất lớn, như Dogecoin có số lượng là 120 tỉ đồng coin, mỗi ngày lại có thêm khoảng 20 triệu coin mới ra đời, 1 năm có thêm khoảng 5 tỉ coin mới. Nếu các coin này lên 1 USD thì sẽ vượt cả giá trị vốn hóa của doanh nghiệp có giá trị vốn hóa lớn nhất hiện nay là Apple với khoảng 2.000 tỉ USD, vượt cả giá trị tất cả vàng bạc, chứng khoán… trên thế giới cộng lại, điều này là ảo tưởng" - ông Khánh chỉ rõ.
Vẫn chờ hành lang pháp lý
Việt Nam thuộc nhóm các quốc gia có số lượng tài khoản tham gia tiền kỹ thuật số (tiền mã hóa, tiền ảo, tiền điện tử) lớn nhất thế giới nhưng đến nay vẫn chưa có hành lang pháp lý cho loại tiền này. Theo chuyên gia tài chính Phan Dũng Khánh, điều đó sẽ khiến nhà đầu tư gặp 2 rủi ro. Đó là rủi ro biến động thất thường về giá và rủi ro pháp lý khi không được pháp luật công nhận.
Từ tháng 8-2017, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định 1255/QĐ-TTg phê duyệt đề án hoàn thiện khung pháp lý để quản lý, xử lý đối với các loại tài sản ảo, tiền điện tử, tiền ảo. Trong đó, giao Ngân hàng Nhà nước, các bộ - ngành rà soát, đánh giá thực trạng pháp luật về tài sản ảo, tiền ảo ở Việt Nam và nghiên cứu, khảo sát các kinh nghiệm quốc tế…
Dù vậy, hiện Việt Nam vẫn chưa có quy định pháp lý điều chỉnh hoạt động phát hành, mua bán, trao đổi tiền kỹ thuật số, tài sản ảo, cũng chưa quy định đơn vị chính thức quản lý việc phát hành và giao dịch các đồng tiền ảo, tài sản ảo. Do đó, các hoạt động mua bán, trao đổi những đồng tiền ảo do một số cá nhân tại Việt Nam thực hiện thông qua các sàn giao dịch tiền ảo quốc tế như Binance, Coinbase… hoặc qua hình thức thỏa thuận trực tiếp tiềm ẩn rất nhiều rủi ro.
Trao đổi về vấn đề này với phóng viên Báo Người Lao Động ngày 21-5, một đại diện Ngân hàng Nhà nước cho biết các loại tiền kỹ thuật số không phải là tiền pháp định, không phải phương tiện thanh toán. Chúng như một dạng tài sản và cần được định nghĩa rõ ràng để từ đó xây dựng các quy định liên quan.
Ngân hàng Nhà nước cũng nhiều lần khẳng định Bitcoin và các loại tiền kỹ thuật số tương tự không phải là tiền tệ, không phải là phương tiện thanh toán hợp pháp tại Việt Nam. Việc sử dụng Bitcoin làm phương tiện thanh toán tại Việt Nam là hành vi vi phạm pháp luật và có thể bị xử phạt hành chính hoặc xử lý hình sự theo quy định. Đặc biệt, Bitcoin là tiền kỹ thuật số mang tính ẩn danh cao, không chịu sự quản lý, tiềm ẩn nhiều rủi ro…
Cần có biện pháp chế tài mạnh mẽ
Bộ Tài chính cho biết Tổ nghiên cứu về tài sản ảo, tiền ảo của bộ này đã bước đầu triển khai công tác nghiên cứu về tài sản ảo, tiền ảo cũng như kinh nghiệm quốc tế trong hoạt động quản lý, giám sát liên quan.
Trong lúc chờ cơ quan quản lý xây dựng hành lang pháp lý cho các loại tiền kỹ thuật số, một số chuyên gia đề xuất cần có biện pháp chế tài mạnh mẽ hơn đối với kênh tiền kỹ thuật số. Trong đó, cần tính tới việc cấm các định chế tài chính, tổ chức tài chính tư vấn, hỗ trợ thanh toán, mua bán các loại tài sản kỹ thuật số...
Theo Linh Anh (Nld.com.vn)