Giảm giá nhỏ giọt
Theo thống kê mới nhất của Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (Vama), trong 8 tháng qua, các đơn vị thành viên đã bán ra gần 21.500 chiếc. Trong đó, phân khúc xe du lịch đạt khoảng 15.200 chiếc, xe thương mại gần 6.000 chiếc.
Đáng chú ý, thị trường ô tô đang chứng kiến sự trỗi dậy mạnh mẽ của các loại xe nhập khẩu. Số liệu cập nhật từ Tổng cục Hải quan cho thấy, tổng số ô tô nguyên chiếc các loại nhập khẩu từ đầu năm đến hết tháng 8-2019 đạt 96.000 chiếc, trị giá 2,1 tỷ USD, tăng 229% về lượng và tăng 205,6% về trị giá so với cùng kỳ năm trước.
Trong đó, phần lớn lượng ô tô nhập khẩu là xe du lịch dưới 9 chỗ ngồi (72,8%, tăng 652% so với cùng kỳ) và chủ yếu là xe đến từ các nước trong khu vực ASEAN như Thái Lan và Indonesia.
Ghi nhận tại các cửa hàng ô tô trên địa bàn TPHCM cho thấy, dù thị trường đang bước vào mùa cao điểm mua sắm nhưng nhờ nguồn cung dồi dào nên không còn cảnh chờ chực hoặc bị các đại lý thổi giá như năm 2018.
Bên cạnh đó, trước sức ép của ô tô nhập khẩu tràn vào, nhiều hãng xe trong nước đang tung ra chiến lược khuyến mãi để kích cầu, tuy mức giảm giá không đáng kể. Đơn cử 2 mẫu xe Peugeot 3008 và Peugeot Traveller, dù hãng này áp dụng nhiều chính sách, bao gồm giá ưu đãi đặc biệt, nhưng cũng chỉ dừng lại ở mức giảm 50 triệu đồng.
Hay bước vào tháng 9, Toyota Việt Nam đã 2 lần công bố điều chỉnh giảm giá một số dòng xe như Altis, Fortuner và Innova, gồm hỗ trợ phí trước bạ hoặc chuyển thành tiền mặt, nhưng cũng chỉ 40-60 triệu đồng/chiếc.
Tương tự, khách hàng của Honda Việt Nam khi mua xe Honda CR-V hoặc HR-V sẽ được nhận phiếu quà tặng trị giá gần 10 triệu đồng cho mỗi xe. Các mẫu xe của thương hiệu Mazda được đánh giá có ưu đãi giá, phụ kiện, bảo dưỡng cao nhất, nhưng cũng chỉ dừng lại ở mức 100 triệu đồng với chiếc CX-5 cho khách hàng trong tháng 9 này.
“Đến hẹn lại lên, cứ vào thời điểm sau Tết Nguyên đán hay sau tháng 7 âm lịch hàng năm, các hãng xe đều tung ra chiến lược quảng cáo khuyến mãi giảm giá rầm rộ, nhưng thực chất tăng hay giảm thì chỉ họ biết. Bởi một chiếc ô tô mới tại thị trường Việt Nam hiện nay giá bèo nhất cũng phải 500 triệu đồng. Do đó, với chiếc xe một tỷ đồng mà giảm vài ba chục triệu đồng thì có đáng gì, trong khi xe nhập khẩu từ ASEAN về Việt Nam hiện nay thuế chỉ còn 0%”, Giám đốc Công ty TNHH Tiến Phát (quận 12) Trần Văn Mười đặt nghi vấn.
Dừng bảo hộ doanh nghiệp
Trên thực tế, giấc mơ tậu được một chiếc “xế hộp” giá rẻ của người tiêu dùng Việt Nam quả khó thành sự thật, ngay cả khi thuế suất nhập từ khu vực nội khối ASEAN về 0% đã có hiệu lực gần cả năm nay. Ngay cả hãng Vinfast - một doanh nghiệp (DN) ô tô mang thương hiệu Việt Nam 100% - nhưng giá bán khi chào ra thị trường cũng khá cao.
Do đó, người tiêu dùng trong nước đặt nghi vấn “có vấn đề” trong việc giảm giá của các hãng ô tô trong nước thời gian qua là chính đáng. Chưa kể, thông tin các bộ ngành đang kiến nghị lên Chính phủ tiếp tục dành nhiều ưu đãi cho ngành công nghiệp ô tô càng khiến dư luận nghi ngờ về sự minh bạch, liệu có lợi ích nhóm hay không?
Cụ thể, mới đây Bộ Công thương đã có báo cáo về thị trường ô tô Việt Nam sau khi hiệp định thương mại tự do đa phương giữa các nước trong khối ASEAN có hiệu lực, đồng thời đề nghị Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tài chính nghiên cứu, báo cáo đề ra các giải pháp cụ thể về chính sách thuế.
Theo đó, Bộ Công thương đề nghị hoàn thuế VAT trong vòng 3 tháng đối với máy móc thiết bị nhập khẩu tạo tài sản cố định. Về thuế tiêu thụ đặc biệt, bộ này đề nghị không áp dụng đối với phần VAT tạo ra trong nước (đối với hoạt động sản xuất, lắp ráp ô tô) để giảm giá thành xe.
Đặc biệt, với thuế nhập khẩu, Bộ Công thương đề nghị điều chỉnh thuế suất về 0% đối với một số chi tiết quan trọng trong dòng xe dưới 9 chỗ như động cơ, hộp số, áp dụng có thời hạn đến 2025; áp dụng thuế 0% với máy móc, thiết bị, khuôn, đồ gá... nhập khẩu để tạo tài sản cố định; miễn thuế hàng hóa nhập khẩu phục vụ làm mẫu để nghiên cứu sản xuất, hiệu chỉnh, lắp ráp dây chuyền công nghệ sản xuất ô tô.
Bộ Công thương cũng đề nghị ưu đãi thuế thu nhập DN ở mức cao nhất đối với các dự án sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ và công nghiệp ô tô.
Liên quan đến đề nghị nêu trên của Bộ Công thương, nhiều chuyên gia cho rằng, việc tăng thêm chính sách ưu đãi chỉ là giải pháp mang tính tạm thời, ngắn hạn, không mang tầm chiến lược lâu dài, bền vững cho ngành công nghiệp ô tô, không khuyến khích được các DN thực sự muốn đi vào sản xuất.
Bởi hiện nay, Việt Nam đã tham gia vào quá trình hội nhập quốc tế, do đó phải tuân thủ luật chơi chung, tránh đặt ra các quy định nhằm bảo hộ DN trong nước; đảm bảo mục đích cuối cùng là nhằm phục vụ người tiêu dùng trong nước.