"Bội thu" Quỹ bình ổn giá xăng dầu: Lợi cho dân ở đâu?

16/01/2016 08:20:55

Giá xăng dầu thế giới giảm liên tiếp suốt hơn 1 năm qua nên Quỹ bình ổn giá xăng dầu “bội thu” lớn, chỉ có tiền dân đóng vào nhiều còn chi ra lại không bao nhiêu.

Giá xăng dầu thế giới giảm liên tiếp suốt hơn 1 năm qua nên Quỹ bình ổn giá xăng dầu “bội thu” lớn, chỉ có tiền dân đóng vào nhiều còn chi ra lại không bao nhiêu.

Câu chuyện nên hay không nên duy trì Quỹ bình ổn giá xăng dầu lại một lần nữa được gióng lên khi mới đây Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải phát biểu với báo chí rằng: “Việc sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu xưa nay vốn được dùng làm công cụ cân đối, dùng trong trường hợp giá xăng dầu tăng quá mạnh, nhưng rồi sẽ có lúc quỹ này cũng phải bỏ”.

Theo thông tin từ Tập đoàn xăng dầu Việt Nam (Petrolimex), tính đến trước thời điểm điều chỉnh giá xăng dầu lần đầu tiên trong năm 2016 (4.1.2016), Quỹ bình ổn giá giá xăng dầu hình thành tại Tập đoàn này là 2.380 tỷ đồng. Trong lần công bố ước tồn Quỹ  bình ổn tại Petrolimex trước thời điểm điều chỉnh giá 15h ngày 19.12.2015 (lần cuối cùng của năm) là 2.282 tỷ đồng.

Như vậy, Quỹ bình ổn xăng dầu của Tập đoàn này đã tăng thêm khoảng 98 tỷ đồng so với thời điểm công bố ngày 19.12 (và lần công bố trước đó cũng tăng khoảng 70 tỷ đồng). Tính trong 3 tháng qua, kể từ lần điều chỉnh ngày 19.8 năm ngoái, Quỹ bình ổn xăng dầu của Petrolimex đã tăng lên hơn 880 tỷ đồng.

Các chuyên gia kinh tế cho rằng, người dân khó hưởng lợi nhờ Quỹ bình ổn giá xăng dầu

Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long nói: “Chính vì giá xăng dầu thế giới giảm liên tiếp suốt hơn 1 năm qua nên Quỹ bình ổn giá xăng dầu mới “bội thu” lớn như thế, chỉ có tiền dân đóng vào nhiều còn chi ra lại không nhiều”.

Theo ông Long, từ lâu các chuyên gia kinh tế đã kiến nghị các cơ quan chức năng khi giá dầu giảm mạnh thì không nên trích Quỹ bình ổn để lấy số tiền trích đó giảm vào giá bán xăng dầu cho người dân được lợi. Tuy nhiên, với điều hành giá xăng dầu hiện nay, Quỹ bình ổn luôn được trích lập đầy đủ 300 đồng/lít xăng, dầu bằng tiền của người dân.

“Lẽ ra, giá xăng hôm 4.1 vừa qua đã có thể giảm thêm ít nhất là 300 đồng/lít, nhưng do số tiền này được trích vào quỹ nên người tiêu dùng đã không được hưởng giá thấp. Với thực tế điều hành giá xăng dầu như hiện nay, Quỹ bình ổn giá xăng dầu đang được sử dụng để tránh… giảm giá mạnh cho người dân” - ông Long nhấn mạnh với phóng viên Dân Việt.

Ai cần quỹ?

Trao đổi với phóng viên Dân Việt ngày 15.1, TS Nguyễn Đức Độ - Phó Viện trưởng Viện Kinh tế - Tài chính (Học viện Tài chính) nêu rằng, Quỹ bình ổn giá xăng dầu chỉ hiệu quả khi thị trường lên xuống một cách nhịp nhàng trong chu kỳ ngắn và có thể dự báo được. Còn nếu thị trường diễn biến theo một chiều lên hoặc xuống trong thời gian dài và mức độ tăng, giảm lớn thì dùng bình ổn rất khó để giữ được sự bình ổn của thị trường.

“Thị trường xăng dầu giảm dài quỹ sẽ đầy lên như đang thấy hiện nay nhưng khi giá lên có thể quỹ cũng sẽ lại không đủ để bù giá được mãi, như vậy, giá xăng dầu cả lên hay xuống thì quỹ này chỉ có tác dụng rất giới hạn, không nói là quỹ chỉ làm chậm tiến trình điều chỉnh giá lại. Như hiện nay, nếu giá xăng cứ tiếp tục đà giảm thì trích quỹ như vậy gây “hiệu quả ngược”. Nó dẫn đến tình huống người tiêu dùng bức xúc vì thấy, sao cứ trích quỹ nhiều và mãi như thế mà không được giảm giá nhiều” - ông Độ nói.

Chuyên gia kinh tế Phạm Tất Thắng cũng nêu thực tế, cho đến nay cơ quan quản lý vẫn muốn tồn tại Quỹ bình ổn là để chủ động trong việc “tay mang túi tiền” khi quản lý, điều hành giá xăng dầu với doanh nghiệp. Với doanh nghiệp, tất nhiên, lúc giá xăng dầu giảm mạnh theo một chiều như hiện nay họ sẽ không có phản ứng gì với việc việc trích lập quỹ, bởi ít nhất họ sẽ không phải giảm giá cho người tiêu dùng số tiền 300 đồng trích vào quỹ này. Chỉ có người tiêu dùng là chịu thiệt vì 300 đồng này là tiền của mình mà vẫn buộc phải “gửi” doanh nghiệp để bình ổn khi… giá giảm.

Còn chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong nêu quan điểm: “Về bản chất, Quỹ bình ổn giá xăng dầu là tiền của người dân đóng vào để lúc giá xăng thấp thì họ phải mua với giá cao và khi giá cao thì được hạ xuống một chút nhưng sau đó người dân lại phải nộp tiền bù vào qua giá xăng. Vậy lợi ích thực sự của người dân có không và quỹ này có cần tồn tại không (?) cần có câu trả lời từ các cơ quan chức năng!”.

Dự báo, giá dầu thô năm 2016 sẽ vẫn ổn định ở xu hướng giảm, mức trên dưới 30 USD/thùng. Các chuyên gia cho rằng, đây là cơ hội để Việt Nam xóa bỏ cơ chế điều hành thị trường xăng dầu thông qua Quỹ bình ổn mà chuyển sang một cơ chế cạnh tranh về giá mạnh mẽ hơn, thu hút nhiều đối tượng tham gia thị trường xăng dầu hơn. Chuyên gia kinh tế TS. Lê Đăng Doanh đề xuất: “Việt Nam nên mạnh dạn mở cửa hoàn toàn thị trường xăng dầu để giá xăng dầu cạnh tranh, lên xuống theo thị trường. Việc xem xét tạm thời bỏ góp Quỹ bình ổn khi giá xăng dầu thế giới giảm mạnh như hiện nay hay không cũng rất cần được các cơ quan chức năng tính đến”.
 

Để khắc phục tình trạng lạm dụng công cụ quỹ bình ổn giá, Nghị định 83 về kinh doanh xăng dầu đã quy định rõ nguyên tắc trích lập, sử dụng và quản lý Quỹ bình ổn giá xăng dầu: “Việc sử dụng Quỹ bình ổn được thực hiện khi giá cơ sở cao hơn giá bán lẻ hiện hành hoặc việc tăng giá ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội và đời sống nhân dân…” (Khoản 2 Điều 37). Đồng thời quy định rõ Chính phủ mới được quyết định bình ổn giá xăng dầu trong nước và giao cho Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp Bộ Tài chính triển khai thực hiện các biện pháp bình ổn giá trong thời hạn áp dụng biện pháp bình ổn giá (Khoản 1 Điều 38).

(Trích Nghị định số 83⁄2014⁄NĐ-CP về kinh doanh xăng dầu)

>> Sẽ bỏ Quỹ Bình ổn giá xăng dầu
>> Quỹ bình ổn giá xăng dầu đã mang lại lợi ích gì?
Theo Mai Hương (Dân Việt)

Nổi bật