Bộ trưởng Lê Minh Hoan: 'Rau VietGAP dỏm vào siêu thị, tôi cũng không vô can'

23/09/2022 07:25:45

Trước thông thông tin rau VietGAP dỏm vào siêu thị, nhiều người nhắn với Bộ trưởng Lê Minh Hoan cảm thấy đau lòng. Ông nói: “không ai vô can trong việc này, tôi cũng không vô can”.

Không chấp nhận sự dễ dãi

Tại cuộc họp khẩn tối 22/9 liên quan tới loạt thông tin rau VietGAP dỏm vào siêu thị được đăng tải trên các phương tiện truyền thông, Bộ trưởng NN-PTNT Lê Minh Hoan cho biết, trong công tác cơ cấu lại ngành nông nghiệp, Bộ đặt ra nhiều chương trình, đề án, kế hoạch. Song quá trình chuyển đổi ngành nông nghiệp manh mún, nhỏ lẻ nên không thể ngày một ngày hai có thể làm được.

Theo Bộ trưởng, trước đây chúng ta mới tập trung chuẩn hoá cho xuất khẩu, nhưng trách nghiệm với 100 triệu dân trong nước, đến lúc phải bàn xây dựng lại chuẩn hoá thị trường trong nước thông qua hiệp hội ngành hàng, siêu thị, hệ thống phân phối. Bởi cầu như nào thì cung như thế đó.

Ông nhắc lại câu chuyện nước ngoài thường nhận xét tóm tắt về người Việt Nam bằng từ “dễ dãi”. Chúng ta sản xuất dễ dãi, ăn uống dễ dãi, mua bán cũng dễ dãi. Chính bản thân ông cũng thường xuyên đề cập tới vấn đề manh mún, nhỏ lẻ và tự phát. Trong đó, nông dân tư duy mùa vụ, doanh nghiệp tư duy thương vụ, chính quyền tư duy nhiệm kỳ.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan: 'Rau VietGAP dỏm vào siêu thị, tôi cũng không vô can'
Những ngày gần đây, nhiều người tiêu dùng cảm thấy bất an trước thông tin rau VietGAP dỏm vào các hệ thống siêu thị lớn (ảnh: Tâm An)

Đặc điểm của ngành nông nghiệp là xây dựng chiến lược, thể chế từ trên xuống dưới, nhưng thực hiện thì từ dưới lên trên. Lợi ích ngắn hạn, một nhóm nhỏ đã làm méo mó mục tiêu này, Bộ trưởng nhấn mạnh. Theo ông, chuẩn hoá, cải thiện tiêu chuẩn chất lượng theo từng giai đoạn, khắc phục một phần nhưng phải đo được, lượng hoá được.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho hay mấy ngày nay ông nhận được rất nhiều tin nhắn bày tỏ sự đau lòng, đắng lòng trước tình trạng này.

“Đây không phải trách nhiệm của riêng ai, không ai vô can trong việc này. Bộ NN-PTNT không vô can, tôi cũng không vô can”, Bộ trưởng khẳng định. Ông cho rằng, trong vai trò người tiêu dùng, nếu chúng ta chấp nhận sự dễ dãi thì người bán cũng sẽ như vậy, nhìn rộng ra không chỉ trong lĩnh vực rau sạch mà cả các vấn đề khác của xã hội. 

Bộ trưởng kể lại câu chuyện khi còn làm lãnh đạo ở tỉnh Đồng Tháp, ông có xem một bộ phim ngắn phản ánh một số nông dân trồng bắp, ngô lấy hóa chất của Trung Quốc để nhúng vào đầu trái bắp kích thích lớn nhanh. Sau khi xem, ông được nhà đài hỏi có phát tin này không.

Lúc đó, ông nghĩ quyết định nào cũng khó khăn, phải đánh đổi. Đứng ở góc độ người tiêu dùng, nếu không phát tin tức là chúng ta đồng lõa cho những sản phẩm không chất lượng, thậm chí ảnh hưởng tới sức khoẻ người tiêu dùng. Còn dưới góc độ người nông dân, chỉ mấy người làm chuyện đó thôi nhưng cả vùng bị ảnh hưởng, bị thiệt hại vì người tiêu dùng quay lưng.

Từ đó, bộ trưởng nhấn mạnh, phải chuẩn hoá nông sản ngay từ thị trường trong nước, bắt đầu từ chợ cóc, chợ truyền thống, sau đó tiến dần lên các trung tâm thương mại, siêu thị, nhà phân phối... Bởi chúng ta không chấp nhận sự dễ dãi từ khâu nhỏ nhất. Chưa kể hệ thống quản lý từ trung ương tới địa phương đang bị cắt khúc. Đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Bộ từ nay tới cuối năm.

Xây dựng một nền nông nghiệp tử tế

Theo ông Nguyễn Như Tiệp - Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thuỷ sản (Nafiqad), ngành Nông nghiệp đã đưa ra rất nhiều tiêu chuẩn, quy chuẩn. Về kiểm tra giám sát, đây không chỉ là trách nhiệm của cơ quan quản lý mà còn là của người sản xuất, nhà kinh doanh...

Nguyên tắc người thu gom chế biến phải giám sát người trồng trọt, người phân phối phải giám sát người mua mua chế biến, cơ quan chức năng kiểm tra,... nếu không đạt chuẩn thì thu hồi, xử phạt.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan: 'Rau VietGAP dỏm vào siêu thị, tôi cũng không vô can' - 1
Phải xây dựng được chuỗi ngành hàng để kiểm soát chất lượng tốt hơn (ảnh: Hoàng Hà)

Ông kiến nghị làm điểm ở chợ Tân Xuân, Bình Điền, Hóc Môn (TP.HCM). Tại đây sẽ giám sát, lấy mẫu đại diện cảnh báo, giám sát vi phạm xử lý trường hợp vi phạm.

Ngoài vấn đề quản lý giám sát ở khâu trồng trọt, đóng gói và phân phối, theo ông Nguyễn Quốc Toản - Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, cần kêu gọi đạo đức kinh doanh, lên án thực phẩm bẩn.

Bà Vũ Thị Hậu - Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam, đặt vấn đề: Tại sao hàng xuất khẩu được kiểm soát tốt về chất lượng, hàng tiêu dùng cho người dân trong nước lại không làm vậy? Có phải do chúng ta quá dễ dãi? Tất nhiên đó chỉ là một phần lý do, nhưng người tiêu dùng không còn cách nào khác, đành phải mua, phải ăn, phải sử dụng những loại thực phẩm đó. 

“Phải kiểm tra chéo. Chính quyền địa phương có vai trò quan trọng nhất trong việc kiểm tra, kiểm soát”, bà nhấn mạnh. Đồng thời, cơ quan quản lý nhà nước cần tăng cường kiểm tra, có chế tài xử phạt nghiêm minh, không để ảnh hưởng tới các cơ sở sản xuất chân chính.

Theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, ngành nông nghiệp phải xây dựng được chuỗi ngành hàng, khắc phục tình trạng đứt đoạn hiện nay. Bên cạnh việc cân bằng lợi ích giữa các bên, cần phải xây dựng niềm tin - điều này rất quan trọng để các bên cùng phát triển, xây dựng hệ sinh thái ngành hàng. Trong đó, những người tham gia chuỗi là những người sản xuất, doanh nghiệp, nhà khoa học và cả truyền thông. Các bên cùng có trách nhiệm với xã hội.

Con đường đi còn dài. Bộ trưởng kêu gọi sự vào cuộc của tất cả hệ thống bán lẻ, các doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng, cơ quan truyền thông để tạo dựng hệ sinh thái ngành hàng.

"Có lần tôi từng nói, phải xây dựng nền nông nghiệp tử tế, lúc đó nhiều người phản đối, nói vậy thì hoá ra tôi làm không tử tế sao? Đó là câu chuyện liên quan đến cảm xúc. Chúng ta làm minh bạch, tử tế không chỉ để phục vụ thị trường xuất khẩu mà là phục vụ thị trường hơn 100 triệu dân trong nước", Bộ trưởng chia sẻ.

Người đứng đầu ngành nông nghiệp cũng đề nghị các cơ quan thuộc Bộ rà soát lại tất cả các tiêu chuẩn, quy định, chế tài, xem còn phù hợp hay không, cần sửa cái gì. Ông thừa nhận, lâu nay chúng ta chỉ khuyến khích làm VietGAP, chưa bắt buộc tất cả các siêu thị phải bán hàng VietGAP. Nhưng nếu không làm VietGAP mà bán giá VietGAP thì nhà nước có thể vào cuộc kiểm soát, xử phạt, người tiêu dùng có thể tẩy chay...

Nếu có không gian rõ ràng, minh bạch giữa một bên là rau được chứng nhận với một bên là không được chứng nhận, Bộ trưởng tin người tiêu dùng sẽ có lựa chọn của mình.

Theo Tâm An - Trần Chung (VietNamNet)