Tuy nhiên, ông Dũng cũng thừa nhận việc cơ cấu lại ngân sách đang gặp khó do giảm thuế nhập khẩu khi tham gia các hiệp định thương mại tự do và giá dầu thô giảm sâu trong thời gian dài...
Góp phần chống đầu cơ nhà đất?
Theo ông Dũng, đề xuất thuế tài sản được xây dựng trên cơ sở đề án của Chính phủ về "huy động, khai thác nguồn lực đất đai", nghị quyết 25 của Quốc hội về kế hoạch tài chính ngân sách giai đoạn 2016-2020 (trong đó yêu cầu phải hoàn thiện pháp luật về thuế tài sản bao gồm cả đất đai) và đặc biệt là "Chiến lược cải cách thuế giai đoạn 2011-2020"...
Ngoài việc tăng cường quản lý nhà nước về tài sản, ông Dũng cho rằng một trong những mục tiêu của dự án luật là nâng cao hiệu quả sử dụng tài sản nhà và đất, chống thất thoát, lãng phí trong quản lý và sử dụng tài sản công. Đặc biệt, nó còn góp phần điều tiết vào đối tượng có thu nhập cao.
Cũng theo ông Dũng, thuế tài sản sẽ góp phần chống đầu cơ về nhà đất, đảm bảo những người có nhà đất phải đưa vào khai thác và sử dụng hiệu quả.
Điều này sẽ không ảnh hưởng đến người nghèo có thu nhập thấp, đảm bảo sự minh bạch về tài sản. "Luật thuế tài sản được áp dụng sẽ là một trong những giải pháp phòng chống tham nhũng, cơ cấu nguồn thu cho ngân sách nhà nước" - ông Dũng nói.
Theo ông Dũng, Bộ Tài chính nghiên cứu đề xuất ra những nội dung này để xin ý kiến nhân dân, các tổ chức, chuyên gia nhằm tiếp tục hoàn thiện đề án về thuế tài sản trước khi trình Chính phủ. "Nếu Chính phủ thảo luận và nhất trí, dự án luật này sẽ được trình Quốc hội để bổ sung vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh..." ông Dũng cho biết.
Sẽ tinh giản bộ máy ngành tài chính
Trả lời câu hỏi vì sao Bộ Tài chính lại đề xuất tăng thuế chứ không nhấn mạnh việc giảm chi, ông Dũng cho rằng đây là một trong những biện pháp cơ cấu lại ngân sách. Trong khi đó, VN phải cắt giảm thuế quan khi tham gia quá trình hội nhập sâu rộng và giá dầu thô giảm sâu trong thời gian dài... khiến việc cơ cấu ngân sách gặp khó khăn.
Về giải pháp tiết kiệm và giảm chi, ông Đinh Tiến Dũng khẳng định ngân sách phải tiết kiệm, chi thường xuyên phải cắt giảm những hoạt động như đi công tác nước ngoài, hội thảo, khoán xe công... để tăng đầu tư cho phát triển và trả nợ.
Thời gian qua, Bộ Tài chính đã cắt giảm 27 đầu xe công qua việc khoán xe công, chưa kể đang thực hiện phương án cắt giảm, sắp xếp lại cơ quan thuộc Kho bạc Nhà nước. Dự kiến trong năm 2018 sẽ giải thể, sáp nhập 43 phòng, đầu mối cơ quan Kho bạc Nhà nước cấp huyện.
"Từ nay tới năm 2020, chúng ta cũng cần phải triển khai có hiệu quả việc tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế, đẩy mạnh xã hội hóa dịch vụ công nhằm đảm bảo an sinh xã hội" - ông Dũng khẳng định.
Chẳng hạn với hệ thống thuế, việc cắt giảm đầu mối sẽ bắt đầu từ năm 2018 đến 2020. Theo đó, năm 2018 sẽ tập trung sắp xếp 327 chi cục thuế huyện, xã và giảm 173 chi cục thuế. Năm 2019 sẽ tiếp tục giảm 28 chi cục và giảm tiếp 90 chi cục trong năm 2020.
Chuyên gia tài chính Vũ Đình Ánh:
Khó có thể điều tiết thu nhập
Bộ Tài chính cần đánh giá Luật thuế tài sản này khi đưa vào áp dụng sẽ tác động như thế nào đối với kinh tế - xã hội, chứ không phải chỉ tính toán phần tăng thu cho ngân sách bao nhiêu. Việc cho rằng luật thuế này sẽ góp phần điều tiết lại thu nhập mà không ảnh hưởng đến người nghèo là chưa có cơ sở, nếu căn cứ vào các tiêu chí mà Bộ Tài chính đưa ra.
Chẳng hạn có những người ở những ngôi nhà trên phố cổ Hà Nội có giá hàng chục tỉ đồng, nhưng giá trị xây dựng của căn nhà bằng không vì đã xây dựng cách đây vài chục năm. Nếu lấy giá xây dựng làm căn cứ tính thuế, những căn nhà cả chục tỉ đồng đó sẽ không phải nộp đồng thuế nhà nào. Trong khi đó, những ngôi nhà có giá xây dựng trên 700 triệu đồng nhưng ở những khu vực có giá trị thấp lại phải đóng khoản thuế nhà. Điều này cho thấy mục tiêu điều tiết thu nhập không thể thực hiện được.
Theo Lê Thanh (Tuổi Trẻ)