Chia sẻ với VnExpress, ông Nguyễn Đức Kiên - Phó chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Quốc hội cho biết, ông không bất ngờ khi Bộ Tài chính công bố dự thảo Luật Thuế tài sản lấy ý kiến.
- Bộ Tài chính vừa công bố dự thảo Luật Thuế tài sản để lấy ý kiến. Quan điểm của ông về các đề xuất này thế nào?
- Thuế tài sản được nhiều nước trên thế giới áp dụng. Luật này cũng nằm trong lộ trình cải cách thuế phù hợp với quá trình hướng tới Việt Nam là nước công nghiệp hiện đại. Nói cách khác, trước sau gì cũng phải làm, không sớm thì muộn.
Nhưng đề xuất này mới dừng lại ở ý tưởng của cơ quan được phân công soạn thảo, chưa qua quá trình đóng góp ý kiến từ các cơ quan liên quan, vì thế chắc chắn còn nhiều điểm chưa thuyết phục.
Tuy nhiên, ngay mục tiêu tiếp cận xây dựng dự thảo Luật đã có vấn đề khi chưa làm rõ được các điểm mấu chốt quan trọng.
Thứ nhất, qua luật này phải làm rõ vấn đề sở hữu nhà ở, mục tiêu của Nhà nước là đảm bảo mỗi công dân sở hữu nhà hay đảm bảo quyền có một chỗ ở? Nếu ai cũng muốn sở hữu nhà thì quỹ đất lấy đâu cho đủ? Hiến pháp quy định “đất đai là sở hữu toàn dân”, nhưng cũng đề cập “mọi người có quyền sở hữu nhà ở”, nghĩa là có thể đi thuê, mua nhà chứ không bắt buộc ai cũng phải sở hữu nhà.
Vì thế, vấn đề đặt ra là làm sao cải cách tiền lương, thu nhập, thuế … để mỗi người có quyền có chỗ ở và đảm bảo đủ trả tiền thuê nhà, đủ sống cả khi về hưu.
Nhìn lại kinh nghiệm các nước tiên tiến như EU, OECD khi thị trường lao động mở rộng thì chỗ ở phụ thuộc công ăn việc làm, chứ không phải bắt buộc ai cũng có nhà. Tiếc là điều này dự luật không đề cập tới.
Thứ hai, Luật phải góp phần hình thành tư duy, nhận thức mới trong nền kinh tế, từ đó xác định lại hướng phát triển của thị trường bất động sản, đô thị Việt Nam.
Cuối cùng, cũng giống như bất kỳ luật thuế nào khác, khi ban hành, nó phải đảm bảo nguồn thu cho ngân sách.
- Dự thảo Luật Thuế tài sản quy định "nhà có giá trị trên 700 triệu đồng sẽ phải nộp thuế", ông nghĩ sao về ngưỡng chịu thuế này?
- Bộ Tài chính có lý của họ khi dựa vào suất đầu tư xây dựng của Bộ Xây dựng ban hành để đưa ra ngưỡng 700 triệu đồng. Dư luận cũng có lý khi so sánh với suất tài chính mà ngân hàng chính sách xã hội cho vay mua nhà là 1,05 tỷ đồng. Nhưng ngưỡng 700 triệu hay 1,05 tỷ đồng đều chưa “chốt”.
Hơn nữa, như tôi đã nói, dự Luật Thuế tài sản không thống nhất được mục tiêu xây dựng luật ngay trong tiếp cận. Khi chưa thống nhất mà bàn ngay vào nội hàm thì không khách quan và mọi trao đổi sẽ mất đi tính khoa học. Giống như con gái chưa lấy chồng mà bố mẹ bàn ra tán vào sinh đứa con đầu lòng phải là con gái, đứa thứ hai là con trai…, thì không hợp lý.
Vì thế, đừng vội bàn thuế ngưỡng nhà phải đóng cao, thấp hay vừa… mà nên bàn giải pháp làm sao để người dân có thu nhập, đủ trả tiền thuê nhà và trang trải cuộc sống đến cuối đời. Đấy mới là chuyện quan trọng.
- Nếu buộc phải thu, làm thế nào để người dân không bức xúc như hiện nay?
- Những phản ứng của người dân về đề xuất vừa qua, theo tôi, chỉ là cảm xúc nhất thời. Dư luận “nổi sóng” vì họ chưa nắm hết thông tin.
Còn cơ quan quản lý Nhà nước vẫn hành xử với người dân như thời “hồng hoang”, họ quên rằng thời cho gì đọc nấy đã qua từ lâu, giờ là thời đại truyền thông của Internet, mạng xã hội. Chính vì tiếp cận truyền thông hời hợt nên gây ra phản ứng của người dân, xã hội là đương nhiên.
Theo tôi, phải xây dựng chiến lược thuế, cải cách thuế, đưa ra thống kê cho người dân thấy họ đang phải chịu bao nhiêu sắc thuế. Sau khi cơ cấu lại, bao nhiêu sắc thuế được loại bỏ, nguồn thu có đảm bảo công khai, minh bạch hay không. Cải cách thuế là thu 1.000 tỷ thì chi trong phạm vi này và có ưu tiên thứ tự rõ ràng, không có chuyện thu một, chi hai.
Riêng dự Luật Thuế tài sản, cần nêu rõ thuế này có hiệu lực sẽ thay thế Luật Thuế đất phi nông nghiệp. Trước nay, theo Luật Ngân sách, Luật Sử dụng đất đai, tiền chuyển quyền sử dụng đất để lại cho địa phương. Nghĩa là ngân sách Trung ương mất hẳn nguồn lực quốc gia này. Khi cơ cấu lại, thuế tài sản thay thế Luật Thuế phi nông nghiệp chắc chắn ngân sách quốc gia sẽ được hưởng lợi.
- Ông nghĩ sao về vai trò Luật Thuế tài sản trong chống đầu cơ thị trường nhà đất?
- Với ngưỡng mức khởi điểm chịu thuế là 700 triệu đồng, tôi chắc rằng mục tiêu chống đầu cơ thị trường bất động sản không làm được.
Ngoài ra, nếu chỉ mình thuế tài sản sẽ không xử lý được chênh lệch trong bất động sản. Nhà đầu tư không phải người chủ thực sự, họ chỉ tạm sở hữu và sẽ bán đi khi có lời. Thực chất nhà đầu tư đang ăn chênh lệch địa tô từ đất. Chống đầu cơ bằng thuế tài sản, có chăng, phải đánh mạnh chỗ này. Cùng với đó đưa ra mức thuế suất thu nhập cá nhân thật cao đánh vào chuyển nhượng quyền sử dụng đất.
- Trước phản ứng của dư luận, một vài ý kiến nhắc tới việc nên đánh thuế tài sản từ căn nhà thứ hai trở đi hoặc áp luỹ tiến như thuế thu nhập cá nhân. Còn ông thì sao?
- Thú thực tôi cảm thấy bất an khi thay vì đánh thuế căn nhà thứ hai trở đi như trước, dự thảo Luật lại tiếp cận với ý tưởng áp dụng ngay từ căn nhà đầu tiên.
Tôi vẫn nói mục tiêu của luật này phải là điều chỉnh nguồn lực quốc gia dựa trên thay đổi nhận thức người dân từ xã hội nông nghiệp sang xã hội công nghiệp. Tức là điều chỉnh nhận thức về nhà ở, đất ở để tiết kiệm nguồn lực đất nước, xã hội.
Cơ quan quản lý nếu thống nhất được quan điểm điều chỉnh thị trường, điều tiết người thu nhập cao và phân bổ lại nguồn lực, lúc đó mới đưa ra mức đánh thuế. Còn không, phương án nào đưa ra cũng có điểm mạnh, yếu.
Không phải không có phương pháp, nhưng có thống nhất được cách làm hay không mới đáng bàn. Xu thế hiện nay là cứ bàn việc nhỏ mà không nói cái lớn, trong khi chính cái lớn kia mới quyết định việc túi tiền người dân bị rút thế nào.
Theo Nguyễn Hoài (VnExpress.net)