Điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu là không mua bán
Chiều 4/5, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên chủ trì Hội thảo tham vấn kỹ thuật về điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu.
Hiện Bộ Công Thương đang nghiên cứu tiếp thu, giải trình ý kiến góp ý để hoàn thiện Dự thảo nghị định về điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu. Nghị định này quy định về phát triển điện mặt trời lắp đặt trên mái nhà các công trình xây dựng nhằm mục đích tự sản, tự tiêu, không bán điện cho tổ chức, cá nhân khác.
Đề xuất này dấy lên nhiều tranh luận trái chiều. Nhiều ý kiến cho rằng, đề xuất đang đi ngược xu hướng thị trường và sẽ khó thu hút người dân tham gia, gây lãng phí nguồn điện.
Ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó chủ tịch Hiệp hội năng lượng Việt Nam, đồng tình với Bộ Công Thương về quy định "ghi nhận sản lượng điện với giá 0 đồng".
Ông Tuấn cho rằng: "Giá 0 đồng" là có tính chất thận trọng, tạm thời, chống trục lợi chính sách trong khi chưa có những kinh nghiệm thực tế áp dụng. Tuy nhiên, đại diện Hiệp hội Năng lượng Việt Nam góp ý, nghị định cần có quy định về thời gian áp dụng mức giá 0 đồng, nên chăng chỉ ở giai đoạn ba năm từ 2024-2027, còn sau năm 2027 cần có cơ chế giá khác trong bối cảnh đang rất cần bổ sung thêm nguồn điện - điện mặt trời mái nhà là nguồn điện có thể triển khai nhanh.
Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) nhận sản lượng giá 0 đồng, nhưng bán lại theo giá bán điện hiện hành, vì thế theo chuyên gia Nguyễn Anh Tuấn, giá trị ghi nhận này trước mắt có thể được Chính phủ cho phép hạch toán vào chi phí đầu tư cung cấp điện cho vùng sâu, vùng xa, không được coi là lợi nhuận của bên cung cấp điện.
"Cần có những giải thích rõ ràng để tránh suy diễn với chính sách", ông Tuấn nói và cho rằng, EVN có thể cũng không mong muốn điều này.
Lãnh đạo Hiệp hội năng lượng Việt Nam cũng đề xuất, nên có các chính sách hỗ trợ, ưu đãi cho các đối tượng cần khuyến khích khi phát triển điện mặt trời mái nhà như vùng sâu, vùng xa, miền núi hải đảo, khu vực có yếu tố thời tiết ít thuận lợi trong khi nhu cầu phụ tải cao, hoặc truyền tải điện khó khăn.
"Tại các khu vực địa lý này, có thể cho phép dùng cơ chế bù trừ (net-metering). Có thể quy định mức phát lên lưới không vượt quá 20-30% phụ tải tự tiêu thụ; cũng có thể quy định cơ chế bù trừ khi phát vào lưới 3 kWh được trừ 1 kWh mua điện... Bên cạnh đó, những hộ có bộ lưu trữ, cho phép bán vào hệ thống điện vào giờ cao điểm 16-19h với giá cao hơn để khuyến khích lắp lưu trữ và hỗ trợ hệ thống", ông Tuấn nói.
Áp lực khủng khiếp lên lưới điện quốc gia
PGS Nguyễn Việt Dũng, Phó Hiệu trưởng trường cơ khí Đại học Bách Khoa, cũng nhất trí với chủ trương ủng hộ phát triển điện mặt trời mái nhà để huy động nguồn lực xã hội, giảm áp lực trong việc phát triển các nguồn điện để phục vụ sự phát triển của nền kinh tế.
Ông Nguyễn Việt Dũng nói rằng, về mặt kỹ thuật ông hoàn toàn ủng hộ không có việc mua bán và thương mại trong việc phát triển điện mặt trời áp mái. Việc đấu nối chỉ diễn ra trong điều kiện điện áp mái không đủ để dùng trong những giờ không có nắng, những hôm thời tiết không ủng hộ.
“Nước Nhật mất 40 năm để phát triển năng lượng tái tạo và đến nay, tổng công suất của năng lượng tái tạo của Nhật trong lưới điện quốc gia mới dao động trong khoảng 30-40%. Nhưng chúng ta chỉ trong vòng 6 năm, tổng công suất của các nguồn điện năng lượng tái tạo đã đạt 28,5%. Một áp lực khủng khiếp lên lưới điện quốc gia và EVN không thể nào điều độ được”, ông Dũng phân tích.
Dẫn chứng điều này, vị chuyên gia muốn nhận diện cần bao nhiêu thời gian để hệ thống điện trong nước hoạt động, chưa kể chi phí để bảo trì, bảo dưỡng ra sao.
“Toàn bộ hệ thống nhiệt điện bây giờ luôn luôn phải chạy ép để nhường lưới điện cho năng lượng tái tạo, mà năng lượng mặt trời là năng lượng phi tuyến, chỉ cần một đám mây đi qua là lập tức tải tụt xuống ngay” - PGS Nguyễn Việt Dũng lo ngại.
Ông tiếp tục nhắc lại: "Chúng ta không thể đưa đấu nối ở các dự án ngoài quy hoạch, bởi sẽ làm cho hệ thống lưới điện không ổn và cực kỳ nguy hiểm cho an toàn lưới điện quốc gia".
Kết luận hội thảo, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên liệt kê một loạt lý do cần thiết phải ban hành cơ chế, chính sách để phát triển điện mặt trời áp mái theo hình thức tự sản, tự tiêu.
Thứ nhất, để khai thác và phát huy được tiềm năng tự nhiên. Thông qua việc phát triển điện mặt trời áp mái chúng ta có cơ hội bổ sung nguồn cho hệ thống điện quốc gia, nhất là vào thời gian cao điểm; có cơ hội bổ sung khi nhu cầu sử dụng điện tăng cao và tăng nhanh.
Thứ hai, giảm áp lực đầu tư từ nhà nước, đồng thời khai thác phát huy hiệu quả nguồn vốn đầu tư ngoài xã hội, nói cách khác là huy động các nguồn lực ngoài xã hội để đầu tư phát triển cho nguồn điện cũng như đáp ứng nhu cầu sử dụng điện của đất nước. Đồng thời, góp phần làm giảm chi phí sản xuất và tiêu dùng của các đối tượng sử dụng điện.
Thứ ba, thông qua việc khuyến khích phát triển nguồn điện này sẽ đáp ứng được mục tiêu trong tương lai đạt trung hòa carbon vào năm 2050 và còn nhiều lợi ích khác như các ý kiến đóng góp tại hội thảo ngày hôm nay.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh: "Trường hợp không sử dụng lưới điện quốc gia và không sử dụng điện trên lưới quốc gia thì trong dự thảo Nghị định nêu rõ là không giới hạn công suất. Điều này phù hợp với Quyết định 500 và không có hoạt động mua bán điện. Dứt khoát phải như vậy. Bởi vì nếu có phát sinh hoạt động mua bán điện thì phải tuân thủ theo pháp luật hiện hành, có giấy phép hoạt động điện lực".
Theo Lương Bằng (VietNamNet)