Tại hội nghị triển khai quyết định thành lập Tổng cục Quản lý thị trường ngày 22/8, Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh khẳng định, chất lượng cán bộ, nhân sự sẽ là ưu tiên hàng đầu của cơ quan này trong cơ cấu lại bộ máy quản lý thị trường tới đây.
"Thực trạng vừa qua cũng cho thấy, ở một số bộ phận, một số cá nhân có những hành vi tiêu cực, đó là những bài học đau đớn, chua xót, cần nghiêm túc khắc phục để hoàn thiện mình trong thời gian tới", ông Tuấn Anh nhấn mạnh.
Lãnh đạo Bộ Công Thương khẳng định, cơ quan này xác định trong tổ chức mới của Tổng cục Quản lý thị trường, công tác về cán bộ, phẩm chất cán bộ là yêu cầu được quan tâm hàng đầu. Những hành vi cản trở hoạt động phát triển xã hội, trục lợi, cấu kết với những hành vi trái pháp luật, hay thậm chí là sự tắc trách vì thiếu biểu biết chuyên môn... sẽ không thể dung dưỡng, nghiêm cấm với những cán bộ quản lý thị trường.
Tại hội nghị, ông Lý Quốc Hùng - Vụ trưởng Tổ chức cán bộ cho biết, theo Đề án thành lập Tổng cục Quản lý thị trường, quản lý thị trường sẽ được cơ cấu lại theo ngành dọc và giảm hơn 45% bộ máy nhân sự. Cụ thể, tại Trung ương tinh giảm từ 11 đơn vị xuống còn 6 đơn vị (giảm 45,5%). Việc tinh giảm này được thực hiện ngay khi Quyết định 34 có hiệu lực ngày 12/10 tới.
Tại địa phương, lực lượng quản lý thị trường cấp tỉnh sẽ thực hiện sắp xếp theo lộ trình 2018 - 2020. Theo đó, sẽ tinh giảm từ 63 xuống còn 44 đơn vị đến hết năm 2019 thông qua phương án sắp xếp lại một số Cục Quản lý thị trường cấp tỉnh thành Cục Quản lý thị trường liên tỉnh.
Sắp xếp 38 Cục tại các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xuống còn 19 Cục Quản lý thị trường liên tỉnh, tương đương giảm 30%.
Quản lý thị trường cấp huyện cũng sẽ sắp xếp giảm các đội quản lý thị trường cấp huyện thành các đội liên huyện, mục tiêu giảm 305 đội (giảm 45%) trong 2 năm tới.
Ông Hùng cho biết thêm, chủ trương nhân sự lãnh đạo Tổng cục, gồm Tổng cục trưởng và 4 Phó tổng cục trưởng đã được Ban cán sự Đảng Bộ Công Thương thông qua tại cuộc họp vào tháng 4/2018. Với lãnh đạo các Vụ, văn phòng Tổng cục, sẽ thực hiện quy trình bổ nhiệm cán bộ với nhân sự đủ điều kiện từ ngày 12/10 tới. Tương tự, lãnh đạo các Cục Quản lý thị trường, đội quản lý thị trường tại địa phương cũng sẽ được phê duyệt để tạm thời giao quyền đội trưởng, phó đội trưởng từ ngày 12/10.
“Không tổ chức cấp phòng trong các vụ thuộc Tổng cục, không tổ chức cấp phòng tại các đội quản lý thị trường cấp huyện, Bộ Công Thương tuân thủ triệt để tinh thần của Nghị quyết trung ương về đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy”, ông Hùng khẳng định.
Về kinh phí sau khi bàn giao và tiếp nhận tài sản, ông Vũ Quốc Anh - Vụ trưởng Tài chính và Đổi mới doanh nghiệp (Bộ Công Thương) cho biết, năm 2018, các cơ quan quản lý thị trường địa phương tiếp tục sử dụng kinh phí đã được cấp đến hết năm ngân sách 2018 và quyết toán với ngân sách địa phương. Thực hiện khoá sổ kế toán, đối chiếu kinh phí đến thời điểm 31/12/2018. Bộ Công Thương tiếp nhận kinh phí 0 đồng kể từ ngày 1/1/2019.
Năm 2019, dự kiến kinh phí ngân sách dành cho lực lượng quản lý thị trường chiếm khoảng 50% ngân sách cấp cho Bộ Công Thương. Đây là con số lớn vì thế Vụ trưởng Tài chính, đổi mới doanh nghiệp "giục" các Chi cục quản lý thị trường tỉnh, thành phố sớm hoàn thiện báo cáo kế hoạch ngân sách gửi về Bộ tổng hợp, trước khi làm việc vòng cuối với Bộ Tài chính.
“Bộ Tài chính đang giục Bộ Công Thương sớm có phương án xây dựng ngân sách năm 2019 cho Tổng cục Quản lý thị trường, vì dự kiến ngân sách dành cho lực lượng này chiếm gần 50% ngân sách cấp cho Bộ Công Thương”, ông Vũ Quốc Anh cho biết thêm.
Bộ Công Thương chủ động rà soát quy trình quản lý thị trường kiểm tra Con Cưng
Liên quan tới vụ việc Con Cưng, hai ngày sau kết luận kiểm tra của quản lý thị trường không phát hiện doanh nghiệp này bán hàng giả, chỉ mắc lỗi vi phạm liên quan tới thương mại điện tử, khuyến mãi... Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh đã ký quyết định lập tổ công tác rà soát, đánh giá lại quy trình của quản lý thị trường kiểm tra tại Con Cưng.
Chia sẻ với VnExpress bên lề hội nghị ngày 22/8, Thứ trưởng Công Thương Đặng Hoàng An cho biết, đây là việc làm chủ động kiểm tra của Bộ, chứ không chờ dấu hiệu hay nhận được phản ánh mới vào cuộc."Thực thi công vụ của công chức bao giờ cũng đặt dưới sự giám sát, nhằm đánh giá tổng thể, đảm bảo sự tuân thủ pháp luật", ông nói.
Theo Nguyễn Hoài (VnExpress.net)