Trong các câu hỏi chất vấn Bộ Tài chính, cử tri nhiều tỉnh thành đặc biệt quan tâm tới giá điện và giá xăng dầu. Cụ thể, cử tri Hà Nội kiến nghị việc tăng giá điện, giá xăng, dầu, rất nhiều loại thuế, phí chồng chéo, không phù hợp đối với tình hình đất nước hiện nay cũng như quan hệ thương mại quốc tế và đề nghị Chính phủ có biện pháp kiểm soát chặt chẽ vấn đề này.
Trong khi đó, cử tri Đà Nẵng bày tỏ bức xúc đối với công tác quản lý giá xăng, dầu trong thời gian qua; khi tăng thì 2,3 ngàn đồng nhưng khi giảm chỉ vài trăm đồng, số lần tăng nhiều hơn rất nhiều số lần giảm.
Cử tri cho rằng, việc quản lý giá xăng, dầu như vậy chỉ làm lợi cho doanh nghiệp, trong khi mọi khó khăn người dân phải gánh chịu. Đề nghị Chính phủ chỉ đạo xem xét lại vấn đề này.
Tại văn bản trả lời cử tri Đà Nẵng, Bộ Tài chính cho biết hiện nay, việc điều hành giá xăng dầu trong nước thực hiện theo quy định tại Nghị định số 83/2014/NĐ-CP ngày 3-9-2014 của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu.
Theo đó, “giá bán xăng dầu được thực hiện theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước". Thương nhân kinh doanh xăng dầu đầu mối được quy định giá bán xăng dầu trong biên độ giới hạn nhất định, theo quy trình và nguyên tắc quy định.
Nhà nước thực hiện giám sát, kiểm soát và điều tiết giá xăng dầu thông qua việc quy định công thức tính giá cơ sở. Trong đó, giá cơ sở được tính toán dựa trên bình quân giá thế giới (Platts Singapore) 15 ngày gần nhất với chu kỳ điều hành, không phải được điều chỉnh theo từng ngày.
“Xăng dầu là mặt hàng quan trọng, thiết yếu; vì vậy Luật Giá và các văn bản hướng dẫn quy định đây là mặt hàng thuộc danh mục bình ổn giá. Căn cứ vào mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội của từng thời kỳ, trong nhiều thời điểm khi giá thế giới tăng cao, lẽ ra giá xăng dầu trong nước cần phải điều chỉnh tăng để bù đắp hết phần chênh lệch này.
Tuy nhiên, giá trong nước hoặc là không điều chỉnh tăng hoặc chỉ tăng một phần chứ không phải tăng toàn bộ phần chênh lệch giữa giá cơ sở tại thời điểm tính toán và mức giá bán hiện hành; phần chênh còn lại được bù đắp từ Quỹ Bình ổn giá; Khi Quỹ Bình ổn giá đã sử dụng hết mà giá xăng dầu thế giới vẫn tăng thì buộc phải tăng giá xăng dầu trong nước tương ứng.
Mặt khác, khi giá xăng dầu thế giới giảm (vẫn phải tính theo chu kỳ bình quân là 15 ngày theo quy định, không phải giá thế giới giảm tính theo từng ngày và giá trong nước phải giảm ngay), việc điều hành giá xăng dầu trong nước trước hết phải cân nhắc các công cụ đã sử dụng trước đó; Ví dụ: như giảm một phần hoặc ngừng sử dụng Quỹ Bình ổn giá xăng dầu”, Bộ Tài chính giải thích.
Bộ Tài chính cũng thông tin thêm: Trong thời gian qua, việc điều hành giá xăng dầu trong nước đã được thực hiện công khai, minh bạch và nhất quán theo cơ chế giá thị trường có sự quản lý của Nhà nước; giá xăng dầu trong nước cơ bản bám sát diễn biến giá xăng dầu thế giới, đảm bảo chia sẻ hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, doanh nghiệp và người tiêu dùng.
Liên Bộ Công Thương - Tài chính điều hành công bố giá cơ sở kết hợp việc trích lập và chi sử dụng Quỹ Bình ổn giá xăng dầu để kiềm chế việc tăng giá nhằm kiểm soát lạm phát và không gây ảnh hưởng lớn đến người tiêu dùng. Đồng thời, quán triệt nguyên tắc thực hiện công khai minh bạch trong điều hành giá xăng dầu.
Trả lời kiến nghị của cử tri Hà Nội, Bộ Tài chính cho rằng, theo quy định hiện hành, Nhà nước quản lý giá theo cơ chế thị trường; tôn trọng quyền tự định giá, cạnh tranh về giá của tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh theo quy định của pháp luật. Điện và xăng dầu là hai mặt hàng thiết yếu, quan trọng đối với phát triển kinh tế và đời sống nhân dân, vì vậy, tại các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành quy định cơ chế quản lý, điều tiết giá hai mặt hàng này.
Riêng về giá điện, theo quy định, Bộ Công Thương được giao quản lý nhà nước về giá điện; Bộ Tài chính là cơ quan phối hợp. Để thực hiện giá bán điện theo cơ chế giá thị trường có sự điều tiết của nhà nước, Bộ Công Thương đã trình Thủ tướng ban hành Quyết định số 24/2017/QĐ-TTg ngày 30-6-2017 quy định về cơ chế điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân.
Theo quy định tại Quyết định 24, hằng năm, giá bán điện bình quân được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền xem xét, điều chỉnh theo biến động khách quan thông số đầu vào của tất cả các khâu (phát điện, truyền tải điện, phân phối - bán lẻ điện, điều hành - quản lý ngành và dịch vụ phụ trợ hệ thống điện) so với thông số được sử dụng để xác định giá bán điện bình quân hiện hành.
Theo đó, một trong những yếu tố xem xét, điều chỉnh là khi thông số đầu vào cơ bản trong khâu phát điện biến động so với thông số đã được sử dụng để xác định giá bán điện bình quân hiện hành.
Thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về giá nói chung, và nhiệm vụ phối hợp trong quản lý Nhà nước về giá điện, Bộ Tài chính cho rằng, các phương án điều chỉnh giá điện của Tập đoàn Điện lực Việt Nam được Bộ Công Thương kiểm soát theo quy định.
Thời gian và mức điều chỉnh được cân nhắc một cách thận trọng, tránh việc điều chỉnh giá điện gây tác động lớn đến ổn định kinh tế vĩ mô và an sinh xã hội.
Sau các đợt điều chỉnh giá điện, Bộ Công Thương đã thực hiện công tác tuyên truyền để người dân hiểu rõ hơn về nguyên tắc, cơ sở, và các căn cứ điều chỉnh giá bán điện.
Đồng thời, để góp phần công khai, minh bạch các yếu tố hình thành giá, từ năm 2011, Bộ Công Thương đã công bố công khai giá thành sản xuất kinh doanh điện hằng năm.
Theo Bộ Tài chính, các loại thuế phí đối với xăng dầu, hiện đang được quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành, phù hợp với các cam kết quốc tế. Cụ thể:
- Thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi là 20% (đối với xăng), 7% (đối với dầu);
- Thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt năm 2018: ASEAN (ATIGA) là 20% (đối với xăng), 0% (đối với dầu); Việt Nam – Hàn Quốc là 20% (đối với xăng), 8% (đối với dầu); ASEAN – Trung Quốc là 20% (đối với xăng), 8% (đối với dầu);
- Thuế Tiêu thụ đặc biệt (đối với xăng khoáng là 10%, xăng E5 là 8%);
- Thuế Bảo vệ môi trường (xăng khoáng: 3.000 đồng/lít; xăng E5 2.850 đồng/lít; dầu điêzen: 1.500 đồng/lít; dầu hỏa: 300 đồng/lít; dầu madut: 900 đồng/kg);
- Thuế Giá trị gia tăng (10% đối với các chủng loại xăng dầu).
Theo Lệ Thúy (CAND Online)