Theo Kiểm toán Nhà nước, nợ công đến ngày 31/12/2016 của Việt Nam là 2.868.881 tỷ đồng, tăng 5.012 tỷ đồng so với số báo cáo của Chính phủ (bằng 63,71% GDP). Trong đó, nợ Chính phủ là 2.373.175 tỷ đồng (52,71% GDP); nợ được Chính phủ bảo lãnh 461.635 tỷ đồng (10,25% GDP) và nợ chính quyền địa phương 34.071 tỷ đồng (0,76% GDP).
Bộ Tài chính tính thiếu nợ, Bộ KHĐT chưa cập nhật đủ thông tin
Báo cáo cho biết nợ nước ngoài Chính phủ tăng 4.966 tỷ đồng, do một số dự án chưa kịp thời ghi nhận rút vốn. Phần nợ được Chính phủ bảo lãnh vay nước ngoài tăng 18 tỷ đồng, do hạch toán trả nợ quá hạn của dự án Xi măng Hạ Long không đúng niên độ (trả năm 2017).
Ngoài ra, nợ chính quyền địa phương tăng 28 tỷ đồng, do tỉnh Vĩnh Long báo cáo thiếu khoản vay của Công ty TNHH De Heus.
Kiểm toán Nhà nước đánh giá chỉ số nợ công đến cuối năm 2016 vẫn nằm trong giới hạn cho phép của Quốc hội (65% GDP). Tuy nhiên, nợ công tiếp tục gia tăng so với năm 2015, gần chạm ngưỡng cho phép.
Hệ số thanh toán trả nợ của Việt Nam là khá cao (tính cả đảo nợ là 20,6% tổng thu ngân sách) và đang có xu hướng tăng lên, gây áp lực bố trí nguồn trả nợ của ngân sách Nhà nước. Lãi suất vay ưu đãi từ các nhà tài trợ nước ngoài tăng lên càng làm tăng chi phí huy động vốn và nghĩa vụ trả nợ của Chính phủ.
Qua kiểm toán cho thấy Bộ Tài chính tổng hợp thiếu nợ nước ngoài của Chính phủ. Bộ này chưa rà soát, đối chiếu thường xuyên nợ chính quyền địa phương.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) cũng chưa cập nhật đầy đủ thông tin dự án theo kế hoạch thu hút, quản lý, sử dụng nguồn vốn ODA và các khoản vay ưu đãi khác của nhà tài trợ giai đoạn 2016-2020.
Đến 31/12/2016, chỉ có 30/1.043 dự án ODA cập nhật thông tin trên cổng thông tin điện tử về giám sát và đánh giá đầu tư công của Bộ KH&ĐT. Đến 23/12/2017, có 1.060 dự án ODA cập nhật trên hệ thống, nhưng hầu hết chưa được cập nhật đầy đủ các chỉ tiêu theo quy định, mới có 94/123 bộ, ngành cập nhật thông tin năm 2016 trên hệ thống giám sát.
Địa phương có tiền vẫn phát hành trái phiếu
Đáng chú ý, Kiểm toán Nhà nước cho rằng nhiều dự án vay lại vốn vay nước ngoài của Chính phủ và vay nước ngoài được Chính phủ bảo lãnh sử dụng vốn không hiệu quả, phải khoanh nợ, cơ cấu lại nợ, hoặc ứng vốn từ Quỹ tích lũy trả nợ để trả nợ nước ngoài.
Đến 31/12/2016, có 60 dự án vay lại chuyển nợ quá hạn (gốc, lãi, phí) 10.556 tỷ đồng, chiếm 3,3% tổng dư nợ cho vay lại. Trong đó, các dự án Vinashin chiếm 8.180 tỷ đồng; 9 dự án được Chính phủ bảo lãnh phải ứng vốn từ quỹ tích lũy trả nợ với dư nợ 4.618 tỷ đồng (đã được khoanh nợ). Đó là dự án Nhà máy xi măng Sông Thao; Nhà máy xi măng Hạ Long; Nhà máy giấy Phương Nam; Nhà máy xi măng Thái Nguyên; Nhà máy thủy điện Xekaman 3; Nhà máy xi măng Đồng Bành; Nhà máy mía đường Sông Con; Xi măng Tam Điệp và Giấy Việt Trì.
Ngoài ra, khoản ứng vốn từ Quỹ tích lũy trả nợ của VEC để thanh toán trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh 2.477 tỷ đồng chưa được VEC ký nhận nợ với Bộ Tài chính.
Rất nhiều địa phương chưa xây dựng hạn mức vay và không lập kế hoạch vay và trả nợ vay. Bao gồm Cần Thơ, Hải Phòng, tỉnh Thái Bình, Điện Biên, Bình Thuận, Sơn La, Lào Cai, Nghệ An, Sóc Trăng, Hưng Yên, Cà Mau, Quảng Ninh, Gia Lai, Quảng Ngãi, Bắc Giang
Việc bố trí vốn cho các công trình cũng không có trong danh mục đăng ký. 11/47 địa phương được kiểm toán có mức dư nợ đến 31/12/2016 vượt 30% vốn đầu tư xây dựng ngân sách cấp tỉnh theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước.
Điển hình là một loạt tỉnh như Hà Nam vượt 42%, Đồng Tháp vượt 35,2%, Bình Thuận vượt 28%, Nam Định vượt 25,2%, Phú Yên vượt 20%, Bắc Giang vượt 19%, Lạng Sơn vượt 18,5%, Thái Bình 16,6%, Điện Biên 13,9%, Đắk Lắk 4,4%, Hậu Giang 3,7%.
Cá biệt, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu ngân sách địa phương năm 2016 vẫn đảm bảo đủ cho nhu cầu chi đầu tư xây dựng cơ bản nhưng vẫn xây dựng đề án phát hành trái phiếu chính quyền địa phương, và đã huy động được 500 tỷ đồng. Việc này được đánh giá là không phù hợp, gây lãng phí vốn do hàng năm ngân sách vẫn phải trả một khoản lãi 33,8 tỷ đồng.
Theo Hiếu Công (Tri Thức Trực Tuyến)