Bên lề họp báo thường kỳ Chính phủ ngày 3/8, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Ngọc Đông đã có cuộc trao đổi ngắn với PV quan điểm về việc cấm hình thức đi chung xe.
Cũng theo ông Đông, về thực tế mà nói, theo quy định của pháp luật không cho phép hợp đồng nhiều lần. Việc có hợp đồng nhiều lần giống như xe vận tải hành khách lớn vẫn làm theo cách giả danh, không xuất bán từ bến. Từ xuất phát không có người, xe dù bắt thêm khách và trả dọc đường.
“Anh chưa có khách, hoặc có một khách là cứ bắt tiếp, bắt tiếp nữa, đồng nghĩa với việc có các hợp đồng khác. Tuy nhiên, điều này giống như hình thức xe dù trá hình. Đấy là kẽ hở pháp luật có thể bị khai thác”, Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông cho biết.
Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông. Ảnh: Bộ GTVT. |
Cũng theo Thứ trưởng Bộ GTVT, Bộ này đang tổng hợp ý kiến đóng góp của các địa phương gửi về xung quanh việc có hay không cho phép hình thức đi chung xe bằng hóa đơn điện tử. Hiện nay chưa có kết quả cụ thể.
Thứ trưởng cũng cho biết có thể mở thêm hình thức đi chung xe đối với taxi nhưng có kiểm soát. Việc kiểm soát phải dựa trên cơ sở sửa luật cho phù hợp, bởi hiện tại chưa cho phép.
“Đối với taxi có 1-2 người thì có thể nghiên cứu mở thêm, đón thêm người. Taxi là hình thức có biển hiệu rõ ràng, có bảo hiểm cho người đi xe nên có thể áp dụng thêm”, Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông cho biết.
Trước đó, vào tháng 6, Bộ GTVT đã có văn bản yêu cầu Uber và Grab không thực hiện dịch vụ đi chung xe đối với xe hợp đồng tại Việt Nam. Theo đó, Công ty TNHH Grab Taxi không thực hiện dịch vụ GrabShare. Công ty TNHH Uber Việt Nam không thực hiện dịch vụ UberPOOL.
Bộ GTVT đã có văn bản yêu cầu Uber và Grab không thực hiện dịch vụ đi chung xe . Ảnh: Grab Việt Nam. |
Bộ GTVT cho rằng hành khách đã ký giao kết trọn gói cả chuyến xe, không phải là thuê chỗ ngồi với mỗi chuyến xe hợp đồng. Do đó, việc đơn vị vận tải có thêm hợp đồng với nhiều người khác sẽ gây bất tiện cho hành khách.
Bộ GTVT cũng yêu cầu thanh tra giao thông ở địa phương tăng cường kiểm tra, xử lý. Mức phạt cho lỗi vi phạm khi cố tình cung cấp dịch vụ đi chung là từ 4 đến 6 triệu đồng.
Sau đó, Công ty TNHH Grab Việt Nam gửi đề xuất lên Bộ GTVT về việc được triển khai dịch vụ đi chung xe.
Khi nhận được, Bộ GTVT đã gửi công văn tới các bộ ngành, địa phương, tổ chức… lấy ý kiến đối với đề xuất này của Grab. Theo đó, Bộ GTVT muốn hỏi ý kiến xem có phù hợp với quy định hiện hành hay không, các biện pháp quản lý, xử lý vi phạm (nếu có).
Grab và Uber ở thời điểm này được coi là dịch vụ nhiều tiện ích và ưu thế vượt trội so với taxi truyền thống, nhất là về thời gian chờ và "điểm" phục vụ thực tế. |
Sau khi được Bộ GTVT hỏi ý kiến, UBND TP. Hà Nội thống nhất chưa áp dụng hình thức đi chung xe để đảm bảo an toàn và quyền lợi của hành khách.
UBND TP. Hà Nội cho rằng tạm thời chưa áp dụng hình thức đi chung xe đối với xe hợp đồng trên địa bàn trong thời gian chờ quy định của Bộ GTVT đối với loại hình vận tải này. Mục đích nhằm đảm bảo an toàn, bảo vệ quyền lợi của hành khách và công tác quản lý của cơ quan Nhà nước.
Hiện tại, dịch vụ GrabShare đã được triển khai tại Hà Nội và TP.HCM trong khi UberPool chưa đưa loại hình này vào hoạt động tại Việt Nam.
Theo Hiếu Công (Tri Thức Trực Tuyến)