Ngày 9/3, nguồn tin của chúng tôi cho biết ông Nguyễn Tuấn Anh, Phó Tổng Kiểm toán nhà nước (KTNN) vừa ký thông báo kết quả kiểm toán về công tác quản lý môi trường tại Công ty TNHH Điện lực Vĩnh Tân 1 (chủ đầu tư nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 1) tại xã Vĩnh Tân, huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận.
Thông báo kiểm toán đã nêu ra nhiều sai phạm về môi trường cũng như các bất cập trong quy hoạch, quản lý nhà nước tại Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 1 và Trung tâm Điện lực Vĩnh Tân.
KTNN yêu cầu Bộ trưởng các Bộ Công thương, TN&MT, chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận và tổng giám đốc Công ty TNHH Điện lực Vĩnh Tân 1 chỉ đạo các đơn vị thực hiện nghiêm túc, kịp thời các kiến nghị của KTNN.
Ngoài sai phạm về môi trường, KTNN cho biết công tác phối hợp quy hoạch và điều chỉnh quy hoạch tại Trung tâm nhiệt điện Vĩnh Tân chưa hiệu quả giữa UBND Bình Thuận và Bộ Công Thương. Do đó đã điều chỉnh quy hoạch Trung tâm nhiệt điện Vĩnh Tân không tuân thủ quyết định của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt quy hoạch hệ thống bảo tồn biển Việt Nam và quy hoạch tổng thể bảo tồn đa dạng sinh học của cả nước đến năm 2020, định hướng đến năm 2030.
Chính việc điều chỉnh quy hoạch này đã dẫn đến việc Trung tâm Điện lực Vĩnh Tân nằm chồng lấn đến 525 ha diện tích biển với Khu bảo tồn biển Hòn Cau, đến nay chưa giải quyết được.
Trước đó, tháng 9/2016, tỉnh Bình Thuận có văn bản gửi Bộ NN&PTNT xin điều chỉnh diện tích Khu bảo tồn biển Hòn Cau. Lý do đưa ra là do các dự án của Trung tâm Điện lực Vĩnh Tân và cảng tổng hợp Vĩnh Tân đã nằm chồng lấn lên diện tích biển của Khu bảo tồn biển Hòn Cau lên đến hơn 1.000 ha.
Vì thế, Bình Thuận đề nghị Bộ NN&PTNT xem xét cho giảm 1.060 ha ở các vùng phục hồi sinh thái và vùng phát triển trong tổng 12.500 ha của khu bảo tồn biển này, nhằm nhường lại diện tích cho các nhà máy nhiệt điện ở Vĩnh Tân.
Trả lời về đề xuất này, Bộ NN&PTNT nhấn mạnh: Diện tích 12.500 ha của Khu bảo tồn biển Hòn Cau đã được tính toán để đảm bảo được các mục tiêu bảo vệ, bảo tồn các hệ sinh thái rạn san hô, cỏ biển, các loài động thực vật biển và các loài quý hiếm. Do đó, việc đề xuất điều chỉnh giảm diện tích đến 1.060 ha sẽ ảnh hưởng rất lớn đến các mục tiêu, chức năng và thậm chí phá vỡ quy hoạch Hòn Cau.
Theo công văn của Bộ NN&PTNT, quyết định phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường của các dự án, thành phần liên quan đến dự án Trung tâm Điện lực Vĩnh Tân và cảng tổng hợp Vĩnh Tân được UBND tỉnh Bình Thuận gửi đến Bộ NN&PTNT không đề cập đến tác động của các dự án này.
Trong khi việc thu hẹp diện tích khu bảo tồn biển ảnh hưởng rất lớn đến quần thể san hô nguyên thủy dài hơn 2 km với gần 234 loại san hô, cỏ biển và các động thực vật khác quý hiếm tại vùng biển này. Đáng chú ý là các rạn ngầm là bãi đẻ của tôm hùm bông, tôm hùm đỏ và tôm hùm xanh phân bố tại khu vực Hòn Cau.
Cũng theo Bộ NN&PTNT, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định 742 (ngày 26/5/2010) phê duyệt quy hoạch hệ thống khu bảo tồn biển Việt Nam đến năm 2020. Theo đó, mục tiêu đến hết năm 2015, ít nhất có 0,24% diện tích vùng biển Việt Nam nằm trong khu bảo tồn và 30% trong số đó được bảo vệ nghiêm ngặt. Tuy nhiên, đến nay Bộ NN&PTNT và các địa phương chỉ mới thực hiện được khoảng 0,16% mục tiêu đó.
“Do đó, việc điều chỉnh giảm diện tích Khu bảo tồn biển Hòn Cau sẽ làm ảnh hưởng đến mục tiêu chung đã được Thủ tướng Chính phủ quy định” - công văn của Bộ NN&PTNT nêu rõ.
Với những căn cứ nêu trên, Bộ NN&PTNT dứt khoát: “Không đồng ý với chủ trương điều chỉnh giảm diện tích Khu bảo tồn biển Hòn Cau”. Đồng thời, đề nghị UBND tỉnh Bình Thuận báo cáo Bộ TN&MT xem xét lại đánh giá tác động môi trường của dự án này tới Khu bảo tồn biển Hòn Cau.
“Nếu kết quả tính toán có tác động tới Hòn Cau, Bộ NN&PTNT đề nghị điều chỉnh phạm vi và quy mô của dự án Trung tâm Điện lực Vĩnh Tân, cảng tổng hợp Vĩnh Tân để đảm bảo hài hòa giữa lợi ích kinh tế và công tác bảo tồn đa dạng sinh học biển; bảo vệ nguồn lợi thủy sản và môi trường biển tại khu vực biển Hòn Cau” - Bộ NN&PTNT kết luận.
Sau khi Bộ NN&PTNT có văn bản bác đề xuất điều chỉnh giảm 1.060 ha diện tích Khu bảo tồn biển Hòn Cau, UBND tỉnh Bình Thuận đã có cuộc họp về vấn đề này. Tỉnh đã có văn bản giao Sở NN&PTNT tỉnh Bình Thuận chủ trì cùng với các sở TN&MT, Công Thương, GTVT, Ban Quản lý Khu bảo tồn biển Hòn Cau, UBND huyện Tuy Phong… thống nhất phương án tham mưu đề xuất cho UBND tỉnh triển khai các thủ tục cần thiết để hoàn thành việc điều chỉnh giảm diện tích khu bảo tồn trên nhằm có cơ sở pháp lý cho việc giao mặt biển cho Trung tâm Điện lực Vĩnh Tân và cảng tổng hợp Vĩnh Tân...
KTNN yêu cầu UBND tỉnh Bình Thuận kiểm điểm các tập thể, cá nhân liên quan việc phối hợp với Bộ Công thương điều chỉnh quy hoạch Trung tâm Điện lực Vĩnh Tân. Yêu cầu Bộ Công Thương kiểm điểm trách nhiệm tập thể, cá nhân trong việc điều chỉnh quy hoạch tổng thể Trung tâm Điện lực Vĩnh Tân không có căn cứ dẫn đến chồng lấn lên diện tích Hòn Cau, báo cáo kết quả trước ngày 30/6.
Khu bảo tồn đặc biệt quý hiếm
Theo Bộ NN&PTNT, Khu bảo tồn biển Hòn Cau là khu vực phân bố của các hệ sinh thái biển nhiệt đới điển hình (rạn san hô và thảm cỏ biển), có giá trị đa dạng sinh học cao. Đây là nơi sinh sống, bãi đẻ của nhiều loài thủy sinh vật quý hiếm có giá trị kinh tế và sinh thái quan trọng (các loài cá, sao biển, hải sâm, vích, đồi mồi, rùa xanh, tôm hùm…).
Nguồn lợi thủy sản xung quanh khu vực này đã góp phần duy trì, ổn định và nâng cao đời sống của cộng đồng dân cư địa phương. Sự đa dạng và phong phú tài nguyên sinh vật biển cùng với cảnh quan độc đáo của Hòn Cau là cơ sở quan trọng tạo điều kiện thúc đẩy sự phát triển của các ngành kinh tế thủy sản, du lịch và giải trí.
Mặt khác, do nằm trong vùng chịu ảnh hưởng của hiện tượng nước trồi nên khu vực này được xem là nơi có ý nghĩa lớn trong duy trì và bổ sung đa dạng sinh học nội tại và phát tán ra những vùng lân cận nhờ vào khả năng thích ứng của rạn san hô.
KTNN đã tiến hành kiểm toán về công tác quản lý môi trường của Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 1 từ ngày 19/11 đến 16/12/2018. Cụ thể, toàn bộ lượng nước thải tại đây (trừ nước làm mát) được tái sử dụng cho mục đích tưới ẩm bãi tro xỉ, kho than nhưng không được giám sát thường xuyên (3 tháng/lần). Việc này tiềm ẩn rủi ro đến môi trường trong trường hợp hệ thống nước thải gặp sự cố, không xử lý đảm bảo chất lượng.
Chỉ số NOx trong khí thải thải ra môi trường tại một số thời điểm vượt ngưỡng cho phép theo cam kết của Báo cáo đánh giá tác động môi trường được phê duyệt. Chủ đầu tư xả nước làm mát ra biển khi chưa được Bộ TN-MT cấp Giấy phép xả nước thải vào nguồn nước
Đồng thời trong giai đoạn từ tháng 4 đến ngày 17/12/2018, chủ đầu tư khai thác và sử dụng nước biển khi chưa được cấp phép. Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 1 vận hành và phát sinh tro xỉ từ tháng 4/2018, nhưng đến ngày 12/12/2018 chủ đầu tư mới hoàn thành và phê duyệt đề án xử lý, tiêu thụ tro xỉ. Bùn thải từ hệ thống xử lý nước thải sau khi được xử lý sẽ chôn lấp cùng với tro xỉ tại bãi có thể ảnh hưởng đến chất lượng tro xỉ sử dụng làm nguyên liệu trong tương lai.
Hệ thống quan trắc môi trường tại nhà máy chưa được kiểm định trước khi đưa vào sử dụng. Nhà máy cũng chưa công khai khối lượng hóa chất sử dụng súc, rửa đường ống do hiện nay chưa có quy định cụ thể.
KTNN yêu cầu Bộ TN&MT kiểm điểm tập thể, cá nhân trong việc để tồn tại, hạn chế về quản lý khí thải, chất rắn; công tác giám sát, xả thải vào nguồn nước…
Theo Phuong Nam (Pháp Luật TP.HCM)