Khu vực biển dự kiến sẽ được nạo vét phục vụ cho việc xây dựng hoạt động của nhà máy Vĩnh Tân 1. Ảnh: Tiến Thành |
Theo hồ sơ dự án, có khoảng 1,5 triệu m3 vật liệu nạo vét được đưa đi "nhận chìm" xuống biển, trên diện tích 30 hecta. Đơn vị thi công sẽ dùng sà lan mở đáy tự hành chở đi đổ ở khu vực cách nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân khoảng 13 km, cách đảo Cù Lao Câu khoảng 8 km và cách ranh giới Khu bảo tồn biển Hòn Cau 500 m.
Sở Tài nguyên và Môi trường Bình Thuận vừa có ý kiến gửi đến Tổng cục biển và hải đảo Việt Nam xung quanh dự án trên. Theo sở này, khối lượng vật liệu nạo vét lớn nên không thể đổ thải trên đất liền vì có khả năng nhiễm mặn, gây ô nhiễm môi trường. Khu vực dự án thực hiện theo hồ sơ không bị chồng lấn quy hoạch nào của UBND tỉnh cũng như vị trí cảng biển Bình Thuận.
Tuy nhiên, theo đơn vị này, khi "nhận chìm" vật liệu nạo vét trên biển có thể ảnh hưởng đến khu bảo tồn biển Hòn Cau và một số lo ngại về các biện pháp xử lý sự cố môi trường khi có tình huống xấu xảy ra.
Vị trí đổ bùn thải nằm trong tuyến đường hàng hải ven biển Quảng Bình - Bình Thuận cũng khiến sở này lo ngại. Họ đề nghị chủ đầu tư dự án liên hệ Cảng vụ hàng hải Bình Thuận để phối hợp thực hiện phương án đảm bảo an toàn.
Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 1 được khởi công vào tháng 7/2015. Nhà máy có công suất 1.200 MW với 2 tổ máy, tổng vốn đầu tư 1,75 tỷ USD (doanh nghiệp Trung Quốc 95%, phía Việt Nam 5%), theo hình thức xây dựng - kinh doanh - chuyển giao (BOT). Theo kế hoạch, tổ máy 1 sẽ vận hành cuối năm 2018, tổ máy thứ 2 hòa lưới điện quốc gia vào giữa năm 2019.
Vài năm qua, xã Vĩnh Tân luôn là điểm nóng về môi trường khi bụi xỉ than từ nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 2 đã nhiều lần gây ô nhiễm cho khu dân cư. Hồi tháng 4 năm ngoái, do không chịu đựng được ô nhiễm, hàng trăm người dân đã chặn Quốc lộ 1A để phản đối.
Theo Phước Tuấn (VnExpress.net)