Những ngày gần đây nhiệt độ tại các tỉnh miền Bắc, miền Trung liên tục tăng cao, khiến nhu cầu sử dụng các thiết bị ‘giải nhiệt’ như điều hòa tăng vọt. Đáng nói, mặc dù nhiều hộ gia đình dự đoán tiền điện chắc chắn sẽ tăng, không ít người vẫn cảm thấy…tá hỏa khi số tiền thực trả cao hơn nhiều so với dự đoán.
Để khắc phục vấn đề trên, nhiều hộ gia đình trước đây đã tìm mua công tơ điện tử, vốn có giá bán khoảng vài trăm nghìn đồng cho đến vài triệu đồng. Mặc dù vậy, những thiết bị này lại tương đối khó lắp đặt và tiềm ẩn nhiều rủi ro về an toàn điện với đại đa số người dùng, chưa kể đến độ sai số nhất định trong việc đo đạc lượng điện tiêu thụ.
Tuy nhiên, người dùng tại Hà Nội giờ đây đã có thêm một cách theo dõi lượng điện tiêu thụ của gia đình mình thông qua ứng dụng di động Epoint EVN do Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) phát triển.
Kể từ khi ra mắt vào tháng 12/2020 đến nay, Epoint liên tục lọt top các ứng dụng được tải nhiều nhất trên Google Play và iOS tại Việt Nam. Đặc biệt, tổng số lượt cài đặt ứng dụng trong tháng 6 tăng gấp 30 lần so với các tháng trước do nhu cầu sử dụng các thiết bị điện tăng cao.
Dễ dàng theo dõi số điện ngay trên smartphone
Theo đó, Epoint hiện là ứng dụng đầu tiên và duy nhất tại Việt Nam giúp các người dùng có thể trực tiếp theo dõi, kiểm tra số lượng điện cũng như tiền điện tính theo từng ngày tại hộ gia đình.
Ngoài việc thể hiện số tiền tạm tính cho khách hàng, ứng dụng cũng so sánh sản lượng điện tiêu thụ với cùng kỳ năm trước để khách hàng đánh giá được mức độ tiêu thụ hiện tại và điều chỉnh trong sinh hoạt cho phù hợp. Bên cạnh đó, ứng dụng có thể nhắc nhở thanh toán tiền điện khi đến kỳ thanh toán mới; theo dõi hóa đơn điện các tháng đầy đủ, thông báo lịch cắt điện dự kiến nếu có, ước tính lượng điện tiêu thụ.
"Tháng 5/2021, tiền điện nhà mình khoảng 800.000 đồng, đến tháng 6/2021 là 1,7 triệu đồng, hơn gấp 2 lần. Do số tiền phải trả vẫn cao hơn dự đoán, 2 vợ chồng từng định lắp đặt công tơ điện tử để theo dõi, nhưng sau đó ‘bỏ cuộc’ vì việc lắp đặt quá phức tạp. Từ khi cài đặt app Epoint, mình chỉ cần bật điện thoại là biết hôm qua cả nhà đã dùng hết bao nhiêu số điện, thực sự tiện hơn rất nhiều", anh Trần Tuấn (Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết.
Với riêng chị Ngọc Mai (Hai Bà Trưng, Hà Nội), tính minh bạch hóa chính ưu điểm lớn nhất Epoint mang lại, giúp giải tỏa sự nghi ngờ khi gặp trường hợp hóa đơn tiền điện cao đột biến so với tháng trước.
"Trước đây tôi thường hay thắc mắc về việc liệu số điện tiêu thụ hàng tháng của nhà mình có bị ghi nhầm hay không. Tuy nhiên với ứng dụng này, tôi có thể theo dõi rõ ràng được lượng điện mình sử dụng mỗi ngày. Hôm nào dùng nhiều là biết số điện sẽ tăng lên bao nhiêu", chị Mai nhận xét.
Việc đăng ký sử dụng Epoint cũng khá đơn giản. Sau khi tải và cài đặt, người dùng chỉ cần nhập số điện thoại của mình, hệ thống sẽ gửi 1 mã OTP về điện thoại để kích hoạt. Khi đã đăng ký (hoặc đăng nhập thành công), người dùng cần thêm vào hợp đồng điện để biết được lượng điện đã tiêu thụ.
Đáng lưu ý, với app Epoint, người dùng không nhất thiết phải là chủ hợp đồng điện mà vẫn có thể quản lý và kiểm tra được nhiều hợp đồng điện cùng lúc. Tất nhiên, bạn cần phải biết rõ mã khách hàng (vốn được ghi rõ trên hóa đơn tiền điện bằng giấy hoặc trên hóa đơn điện tử nếu thanh toán qua ví điện tử), cùng số kWh đã tiêu thụ trong tháng gần nhất.
Một điểm khác cũng cần lưu ý, là với những người dùng thường xuyên thanh toán tiền điện qua ví điện tử Momo, chỉ số kWh điện tiêu thụ thường không hiển thị trên ứng dụng này. Do vậy, người dùng sẽ phải sử dụng Công cụ tính hoá đơn tiền điện trên trang web evnhanoi.vn để ước chừng số điện mình đã tiêu thụ, dựa trên số tiền đã thanh toán.
Hiện tại, việc theo dõi số điện qua ứng dụng Epoint chỉ được áp dụng tại Hà Nội. Người dân tại TP.HCM cũng có thể cài đặt ứng dụng EVNHCMC của công ty Điện lực TP HCM với nhiều chức năng tương tự.
Theo Anh Việt (Pháp Luật và Bạn Đọc)