Bộ Công Thương nói gì về bộ dụng cụ test nhanh COVID-19 lan tràn chợ mạng?

26/07/2021 14:08:22

Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương) vừa đưa ra khuyến cáo người dân về việc mua bộ dụng cụ test nhanh COVID-19 có nguồn gốc xuất xứ, chất lượng không rõ ràng sẽ ảnh hưởng đến người dùng cũng như tạo rủi ro trong công tác phòng chống dịch bệnh.

Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương) cho biết, thời gian qua, cục ghi nhận phản ánh của người tiêu dùng về tình trạng các dụng cụ test (xét nghiệm) nhanh COVID-19 được bày bán tràn lan và công khai trên các trang mạng xã hội và các sàn thương mại điện tử. Các vấn đề được phản ánh liên quan đến nguồn gốc xuất xứ, chất lượng sản phẩm cũng như việc cung cấp các giấy tờ, thông tin có liên quan của người bán.

Bộ Công Thương nói gì về bộ dụng cụ test nhanh COVID-19 lan tràn chợ mạng?
Các bộ test nhanh COVID-19 không rõ nguồn gốc bị quản lý thị trường thu giữ

Theo Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng, bộ xét nghiệm nhanh theo quy định hiện hành là trang thiết bị y tế. Việc kinh doanh những sản phẩm không rõ nguồn gốc, không có trong danh mục là không phù hợp với quy định của pháp luật. Các chuyên gia cũng khẳng định, các bộ xét nghiệm nhanh này có độ chính xác khá thấp. Vì vậy, việc tự mua và sử dụng không chỉ tạo ra nguy cơ về sức khỏe mà kết quả âm tính giả (nếu có) sẽ khiến người dân chủ quan hơn trong phòng chống dịch.

Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng lưu ý người dân đó là kết quả xét nghiệm nhanh chỉ có giá trị tham khảo. Thực tế, test nhanh chỉ có kết quả chính xác cao khi người nhiễm đang có nồng độ virus cao (ví dụ người nhiễm đang bị sốt, ho), còn khi nồng độ virus thấp thì test nhanh cho kết quả ít chính xác hơn. Như vậy, người sau khi nhiễm (nếu có) từ ngày thứ ba đến ngày thứ bảy thì kết quả cũng chính xác hơn, còn xét nghiệm sau ngày đó kết quả ít chính xác.

Người tiêu dùng chỉ xét nghiệm khi cần thiết. Người tiêu dùng chỉ nên đi xét nghiệm khi có triệu chứng hoặc có tiếp xúc với những người có nguy cơ. Việc thực hiện xét nghiệm tràn lan sẽ gây lãng phí về thời gian, tiền bạc cũng như gia tăng nguy cơ cho cộng đồng do gia tăng việc tiếp xúc.

Khi có triệu chứng hoặc nghi ngờ nhiễm SARS CoV-2, người tiêu dùng nên liên hệ đường dây nóng của Bộ Y tế hoặc đến cơ sở y tế gần nhất để được hướng dẫn và thực hiện xét nghiệm (nếu cần thiết).

Người tiêu dùng cần thực hiện tốt 5K và các hướng dẫn phòng dịch của các cơ quan quản lý nhà nước, không vì việc đã được tiêm phòng vắc xin COVID-19 hoặc có kết quả xét nghiệm âm tính mà chủ quan, lơ là phòng bệnh.

Trường hợp người tiêu dùng phát hiện các cá nhân, tổ chức rao bán các dụng cụ xét nghiệm nhanh COVID-19 không rõ nguồn gốc xuất xứ, không đảm bảo chất lượng có thể phản ánh tới cơ quan nhà nước về y tế, quản lý thị trường, bảo vệ người tiêu dùng tại địa phương hoặc liên hệ tổng đài tư vấn, hỗ trợ người tiêu dùng 1800.6838.

Trước đó, Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) đã có công văn hỏa tốc gửi Cục Quản lý thị trường các tỉnh đề nghị tăng cường quản lý địa bàn, kiểm tra, giám sát các hoạt động kinh doanh trang thiết bị y tế, đăc biệt là những bộ kit test, tránh trường hợp kinh doanh hàng giả hàng nhái hàng kém chất lượng hoặc hàng hóa do nước ngoài sản xuất không rõ nguồn gốc… Gần đây nhất, Đội Quản lý thị trường số 13 (Cục Quản lý thị trường Hà Nội) phối hợp cùng Đội chống buôn lậu (Phòng PC03 - Công an Hà Nội) phát hiện một đường dây mua bán que test nhanh COVID-19 do nước ngoài sản xuất, không có hóa đơn chứng từ.

Theo Phạm Tuyên (Tiền Phong)