Mua vì sợ… COVID-19
Mới đây, chị Thu Hà (ngụ Q.Bình Tân, TPHCM) tình cờ biết thông tin về máy tạo oxy y tế nên đã lùng sục tìm mua.
“Nhà tôi có người lớn tuổi, nhiều bệnh nền. Khi biết đây là thiết bị cung cấp nguồn khí oxy sạch, tinh khiết cho các bệnh nhân khó thở, tức ngực, bệnh nhân mắc các bệnh về đường hô hấp, suy tim, suy phổi… Tôi mua để sẵn trong nhà để phòng khi cần sẽ lấy sử dụng” – chị Hà nói.
Chỉ cần lên Google gõ từ khóa “máy tạo oxy”, có hơn 10 triệu kết quả chỉ trong vòng 0,53 giây. Tuy nhiên, khi chúng tôi liên hệ với nhiều trang bán hàng online để tìm mua máy tạo oxy y tế, tất cả đều báo hết hàng.
“Chị có thể đặt hàng, khi có bên em sẽ gọi. Lúc này nhiều người có nhu cầu mua máy tạo oxy nên hàng chưa về kịp” – một nhân viên cửa hàng thiết bị y tế T.H (Q.3, TPHCM) cho biết.
Theo tìm hiểu, máy tạo oxy có nhiều mức giá, từ 7 – 29 triệu đồng tùy mẫu mã, thương hiệu phù hợp với mọi phân khúc khách hàng. “Dù giá có cao nhưng khách hàng đặt mua rất nhiều, hiện sản phẩm đã cháy hàng. Dự kiến sắp tới, giá máy sẽ tăng thêm từ 1 – 2 triệu đồng do cước vận chuyển” – anh Thanh – đại diện một cửa hàng điện máy ở quận Tân Phú (TPHCM) nói.
Bên cạnh máy tạo oxy, thì máy đo nồng độ oxy cũng đắt hàng. “Đây là máy giúp theo dõi chỉ số sinh tồn tại nhà nếu không có nhân viên y tế bên cạnh. Nhiều người liên hệ đặt mua các sản phẩm này để phòng trường hợp có người thân tại nhà mắc COVID-19” – Trang, nhân viên bán hàng online giới thiệu với khách hàng.
Theo lời người bán, đây là máy được các bác sĩ dùng để đo nồng độ oxy với bệnh nhân mắc COVID-19 tại bệnh viện, còn khi tầm soát tiêm ngừa vắc-xin COVID-19 thì cũng dùng máy này để đo, nếu nồng độ oxy trên 94% mới được tiêm.
“Một máy có thể sử dụng đo cho nhiều người. Ngoài đo oxy còn đo được nhịp tim. Trước đây thì chỉ những người mắc bệnh lao phổi, phổi tắc nghẽn mãn tính, tai biến… mới có nhu cầu mua về sử dụng. Nay chắc lo sợ bị nhiễm COVID-19 nên nhiều người mua dự phòng” – người này cho hay.
“Máy đo nồng độ oxy rất chạy hàng vì giá mềm, dao động từ 600.000-1 triệu đồng/máy. Tuy nhiên, máy chỉ ưu tiên bán trên kênh online” – một nhân viên tại cửa hàng thiết bị y tế trên đường Tô Hiến Thành (quận 10) nói và hướng dẫn cách sử dụng rất đơn gian: chỉ đưa ngón tay phải vào vị trí đo, nếu nồng độ oxy và nhịp tim vượt quá giới hạn quy định thì máy sẽ nhấp nháy màn hình thông báo. Ngược lại không thấy thông báo gì là hô hấp khoẻ mạnh bình thường.
“Đẩy” giá test nhanh COVID-19
Nhu cầu cần test xét nghiệm nhanh COVID-19 đang tăng cao trong những ngày qua khiến các doanh nghiệp nhập khẩu kinh doanh mặt hàng này đẩy giá lên cao 3-4 lần để trục lợi. Sau khi nhờ một lãnh đạo ở Vụ trang thiết bị Bộ Y tế cung cấp danh sách các công ty được nhập và phân phối test xét nghiệm nhanh COVID-19, ngày 19/7, póng viên gọi điện đến một loạt công ty có trong danh sách.
Trao đổi với nhân viên Công ty TNHH Medicon ở Hoài Đức, TP Hà Nội, nơi đây cho biết test nhanh COVID-19 bán giá 135 nghìn đồng/test. Tuy nhiên, khi phóng viên gọi mua test này từ một công ty tại TPHCM thì nhân viên cho biết test này của Việt Nam sản xuất có giá 160 nghìn đồng.
Thực tế, giá công bố được niêm yết kèm theo danh sách mà Bộ Y tế phê duyệt về sinh phẩm/trang thiết bị y tế chẩn đoán xét nghiệm virus SARS-CoV-2, cho thấy test nhanh của Trung Quốc được Công ty TNHH Avanta Diagnos đăng ký 150 đồng/test.
Nhưng khi chúng tôi gọi mua của một đơn vị ở quận 5, TPHCM về test này được báo giá 200 nghìn đồng/test. Theo điều tra của Tiền Phong, giá của test COVID-19 này hiện được các đơn vị phân phối sỉ chỉ 125 ngìn đồng/test.
Đang hót trên thị trường là test nhanh COVID-19 của Hàn Quốc có tên Humasis với giá cả nhảy vọt từng ngày. Ngày 17/7, khi chúng tôi đặt mua ở công ty M. tại quận 3, nơi đây gửi báo giá 280 nghìn đồng/test. “Nếu phía anh lấy hàng từ 2000 test trở lên công ty tôi sẽ bán giá 250 nghìn đồng/test”- nhân viên công ty M. báo giá.
Tuy nhiên, tìm hiểu của phóng viên cho thấy Công ty TNHH Humasis VN ở quận 7, TPHCM nhập khẩu và đăng ký giá với Bộ Y tế chỉ 198 nghìn đồng/test. Loại test COVID-19 khác có tên Sugentech của Hàn Quốc được Công ty THHH Dịch vụ tổng hợp Medaz Việt Nam nhập khẩu cũng được công bố giải chỉ 160 nghìn đồng/test nhưng sau khi được các công ty mua bán lòng vòng “đội giá” lên hơn 230 nghìn đồng/test.
Ông Nguyễn Tấn Hiền, giám đốc nhân sự một công ty ở Khu chết xuất Tân Thuận, quận 7 cho biết, đang có nhu cầu mua 10 nghìn test để xét nghiệm cho công nhân đang ở lại làm tại công ty. Nhiều công ty báo giá trên trời, từ 180-250 nghìn đồng/test. Với việc test 3 ngày mỗi lần, ông Hiền cho biết, một tuần công ty cần đến 20 ngìn test, với giá như hiện tại phải mất 2-3 tỷ đồng cho việcnày. “Lúc mới dịch, công ty chỉ mua 90 nghìn đồng/test nay bị đội lên gần gấp 3 lần”- ông Hiền nói.
Không cần thiết trang bị SpO2, máy tạo oxy
Ths.BS Vũ Trần Thiên Quân – Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM cho rằng, không phải máy đo nồng độ oxy trong máu (SpO2) nào cũng đạt chuẩn, nếu người dân mua qua mạng, hàng hóa không rõ nguồn gốc thì không thể biết được chất lượng.
Cũng theo BS Quân, người dân không nên tự trang bị máy SpO2. Bởi tuy thao tác đơn giản, nhưng có nhiều yếu tố ảnh hưởng đến kết quả oxy máu khi đo bằng máy SpO2 như tưới máu kém vùng đo SpO2 kém, nhịp tim không đều, nhiễu chuyển động, truyền ánh sáng bị chặn như những người sơn móng tay màu xanh hoặc đen… có thể cho ra kết quả không chuẩn xác. Trong khi đó, GS.TS Nguyễn Viết Nhung - Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương khuyến cáo người dân không nên đổ xô mua máy tạo oxy. "Đây là việc không cần thiết. Cụ thể, bệnh nhân mắc COVID-19 cần được điều trị chuyên biệt, không thể đơn thuần điều trị tại nhà với oxy y tế" - PGS.TS Nguyễn Viết Nhung nhận định.
Theo Lâm Trần- Uyên Phương (Tiền Phong)