Bộ Công Thương: Nếu chi phí đầu vào hạ, EVN phải chủ động giảm giá điện

06/10/2022 15:06:13

Bộ Công Thương khẳng định, kết quả tính toán giá bán lẻ điện bình quân giảm ở bất kỳ mức nào thì EVN phải giảm giá bán lẻ điện bình quân tương ứng.

Giá điện đang được xác định dựa vào giá bán lẻ điện bình quân do Chính phủ quy định cứng, trên cơ sở tính đủ các chi phí đầu vào, bao gồm: phát điện, truyền tải, phân phối, quản lý ngành... nhằm đảm bảo ngành điện có lãi để tái đầu tư. Hiện giá bán lẻ bình quân điện sinh hoạt đang áp dụng là 1.864,44 đồng/kWh, được Chính phủ chốt cứng từ năm 2019 tới nay.

Theo quy định hiện nay tại Quyết định 24/2017, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) chỉ được tăng giá điện nếu giá bán lẻ điện bình quân thực tế tăng từ 3%.

Tuy nhiên, tại dự thảo thay thế Quyết định số 24/2017 đang lấy ý kiến, Bộ Công Thương đề xuất chỉ cần chỉ tiêu này tăng từ 1%, EVN có thể tăng giá điện. Với chỉ tiêu tăng từ 1%, có nhiều ý kiến băn khoăn là khi đã có lãi cao, Tập đoàn Điện lực Việt Nam có chủ động giảm giá điện hay không.

Về vấn đề này, ghi nhận trên VnExpress, trong thông tin phát đi ngày 6/10, Bộ Công Thương khẳng định, kết quả tính toán giá bán lẻ điện bình quân giảm ở bất kỳ mức nào thì EVN phải giảm giá bán lẻ điện bình quân tương ứng. Thời gian giảm giá điện vào ngày 1/10 của năm ghi nhận biến động giảm giá thành.

Bộ Công Thương: Nếu chi phí đầu vào hạ, EVN phải chủ động giảm giá điện
Ảnh minh họa: Internet

Không nêu cụ thể căn cứ của con số 1%, nhưng Bộ Công Thương giải thích, việc đưa ra mức này nhằm đảm bảo giá điện phản ánh kịp thời biến động của các thông số đầu vào tác động tới chi phí sản xuất kinh doanh điện. Việc này tránh trường hợp để treo chưa thanh toán các chi phí phát sinh thực tế, dẫn tới giá điện tăng đột biến trong một lần điều chỉnh.

Trường hợp các thông số đầu vào làm giá bán lẻ điện bình quân tăng đến dưới 5%, EVN được quyền điều chỉnh tăng giá.

Chi phí đầu vào tăng dẫn đến phải điều chỉnh tăng giá bán lẻ điện bình quân từ 5% trở lên, EVN lập hồ sơ báo cáo. Bộ Công Thương chủ trì, cùng Bộ Tài chính và Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp kiểm tra, rà soát và có ý kiến, sau đó EVN được tăng giá điện.

Trường hợp tăng từ 10% trở lên so với giá bán lẻ điện bình quân hiện hành hoặc ngoài khung giá, ảnh hưởng tới điều hành kinh tế vĩ mô, Bộ Công Thương báo cáo Ban chỉ đạo điều hành giá cho ý kiến trước khi báo cáo Thủ tướng về điều chỉnh giá điện, để EVN thực hiện.

Bộ Công Thương: Nếu chi phí đầu vào hạ, EVN phải chủ động giảm giá điện - 1

Trong một diễn biến liên quan, Bộ Công Thương cũng đang lấy ý kiến các bộ ngành và địa phương về biểu giá điện sinh hoạt mới do biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt hiện tại được áp dụng từ 2014, chia 6 bậc thang, đang bộc lộ bất hợp lý.

Trong đề xuất mới, Bộ Công Thương dự kiến rút xuống còn 5 bậc (rút gọn bậc 1 và 2 thành 1 bậc). Cụ thể:

Bậc 1: cho 0-100 kWh đầu tiên, giá điện mới là 1.753 đồng/kWh (giá đang áp dụng là 1.678-1.734 đồng/kWh)

Bậc 2: cho kWh từ 101-200, giá điện mới đề xuất là 2.014 đồng/kWh (giá đang áp dụng là 2.014 đồng/kWh )

Bậc 3: cho kWh từ 201-400, giá điện mới đề xuất là 2.424 đồng/kWh (giá đang áp dụng là 2.536-2.834 đồng/kWh)

Bậc 4: cho kWh từ 401-700, giá điện mới đề xuất là 2.871 đồng/kWh (giá đang áp dụng là 2.927 đồng/kWh)

Bậc 5: cho kWh từ 701 trở lên, giá điện mới đề xuất là 3.076 đồng/kWh (giá đang áp dụng là 2.927 đồng/kWh)

Theo Bộ Công Thương, việc cải tiến này sẽ làm thay đổi căn bản cơ cấu biểu giá bán lẻ điện so với trước nên sẽ tác động trực tiếp tới các khách hàng.

Trong đó, mức giá bán lẻ điện bình quân với nhóm sinh hoạt không thay đổi, nhưng sẽ có nhóm khách hàng được giảm tiền điện và ngược lại. Ưu điểm của phương án này là đơn giản, người dân dễ hiểu do giảm từ 6 bậc như cơ cấu biểu giá điện hiện nay xuống còn 5 bậc. Nhược điểm là tiền điện các hộ sinh hoạt có mức sử dụng điện cao từ 711 kWh/tháng trở lên (chiếm khoảng 2% số hộ) phải trả tăng thêm.

Ngoài phương án 5 bậc, Bộ Công Thương cũng đưa ra phương án tính giá điện theo 4 bậc theo hướng tăng giá điện bậc 2 và bậc 3.

Cụ thể, bậc 1 (0 - 100 kWh) là 1.678 đồng, bậc 2 (101 - 300 kWh) là 2.163 đồng, bậc 3 (301 - 700 kWh) là 2.927 đồng và bậc 4 (từ 701 kWh trở lên) là 2.076 đồng. Phương án này nhằm đảm bảo ổn định cho hộ nghèo, hộ chính sách sử dụng điện ít và ngân sách nhà nước không thay đổi.

Tuy nhiên, theo Bộ, nếu áp dụng 4 bậc, hộ sử dụng 119 - 232 kWh/tháng và trên 806 kWh/tháng sẽ tăng tiền điện tối đa hơn 12.000 đồng và không có tác dụng khuyến khích sử dụng tiết kiệm, hiệu quả so với phương án 5 bậc.

HL (Nguoiduatin.vn)