Dự thảo quyết định thay thế Quyết định 24 của Thủ tướng về quy định cơ chế điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân đang được Bộ Công Thương lấy ý kiến đưa ra 3 mức thẩm quyền tăng giá điện. Cụ thể, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) tự quyết tăng giá bán lẻ điện bình quân ở mức 1%-5%; với mức tăng 5%-10%, EVN xin ý kiến Bộ Công Thương và Thủ tướng có thẩm quyền quyết định nếu mức tăng trên 10%.
Nguy cơ giá điện tăng liên tục
Theo chuyên gia kinh tế - PGS-TS Ngô Trí Long, nếu dự thảo được thông qua, quyền tự quyết tăng giá bán lẻ điện bình quân của EVN sẽ được nới rộng hơn khá nhiều so với quy định được tăng giá trong phạm vi 3% đến dưới 5% hiện nay. Ông bày tỏ lo ngại nguy cơ doanh nghiệp (DN) lạm dụng quyền để tăng giá bất hợp lý. "Với lĩnh vực quan trọng như điện lực, mức độ ảnh hưởng đến đời sống người dân và các hoạt động sản xuất - kinh doanh là rất lớn. Do đó, tăng giá bán lẻ điện bình quân dù 1% cũng phải cân nhắc kỹ lưỡng. Nếu không có cơ chế kiểm soát, giám sát chặt chẽ, có khả năng xảy ra tình trạng tăng giá điện liên tục" - chuyên gia Ngô Trí Long cảnh báo.
Ông Ngô Trí Long cho rằng cần có cơ quan độc lập làm nhiệm vụ thẩm định, kiểm soát chi phí đầu vào của EVN nhằm bảo đảm các quyết định tăng giá điện minh bạch, công khai, hài hòa lợi ích các bên, đặc biệt là lợi ích khách hàng sử dụng điện. Trong đó, cần thẩm định việc tăng giá đến từ những yếu tố nào, chi phí đầu vào và các tính toán trong sổ sách của DN đưa ra có hợp lý không..., từ đó bảo đảm tính thuyết phục cho quyết định tăng giá.
Chuyên gia kinh tế - TS Lê Đăng Doanh cho rằng trong bối cảnh chi phí đầu vào ngành năng lượng tăng mạnh bởi ảnh hưởng của xung đột Nga - Ukraine, việc xem xét điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân cho EVN khi đáp ứng các điều kiện đã được quy định là hợp lý. Tuy nhiên, khi trao quyền tự quyết cho DN độc quyền ngành điện như EVN với biên độ khá lớn có thể đặt ra bài toán về ổn định thị trường điện nói riêng và ổn định kinh tế vĩ mô nói chung.
Cần chống lạm quyền
Bình luận thêm về đề xuất của Bộ Công Thương cho phép EVN tự quyết tăng giá bán lẻ điện bình quân từ 1%, TS Lê Đăng Doanh nhìn nhận cơ quan quản lý nhà nước đang có chủ trương dần hướng đến áp dụng cơ chế thị trường trong lĩnh vực "nhạy cảm" này. Theo ông, đây là hướng đi đúng đắn, phù hợp xu thế, nhất là khi nhiều nước trên thế giới đã có cơ chế thay đổi giá điện theo giờ.
"Vấn đề ở đây là EVN là DN độc quyền, hiện chưa có khung pháp luật cũng như tổ chức độc lập nào được thành lập để giám sát "ông lớn" ngành điện. Kinh nghiệm cho thấy một khi DN được trao nhiều quyền mà không có cơ chế giám sát sẽ dẫn đến lạm quyền, thậm chí có thể xuất hiện lợi ích nhóm" - TS Lê Đăng Doanh lưu ý.
Ông Lê Đăng Doanh cho rằng cùng với quyết định trao thêm quyền tự quyết tăng giá bán lẻ điện bình quân cho EVN trong phạm vi 1%-5%, cần sớm thành lập hội đồng giám sát gồm các chuyên gia ngành điện và lĩnh vực khác. Đồng thời, cần có cơ chế hoạt động cho hội đồng này nhằm bảo đảm có đủ thẩm quyền tiếp cận mọi thông tin, hợp đồng giao dịch của EVN để giám sát một cách hiệu quả. "Việc giám sát là cần thiết và phù hợp với lợi ích chính đáng của người tiêu dùng, cũng giúp ngành điện hoạt động hiệu quả hơn" - TS Lê Đăng Doanh nhấn mạnh.
Ông Trần Viết Ngãi, Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam, thẳng thắn nói EVN không có quyền tăng giá điện bởi DN nhà nước này được hưởng lợi khi tăng giá điện. Mặt khác, cần có cái nhìn toàn cục về câu chuyện giá điện bởi giá điện chịu ảnh hưởng trực tiếp, mật thiết từ giá dầu, than... để có điều hành hợp lý về mặt vĩ mô.
EVN lỗ chỉ là "đột biến"!
Không thể phủ nhận EVN đang đứng trước áp lực tăng giá điện khi báo cáo tài chính 6 tháng đầu năm 2022 của tập đoàn này ghi nhận khoản lỗ trên 16.500 tỉ đồng. Nguyên nhân do biến động khó kiểm soát về giá nhiên liệu, tỉ giá ngoại tệ, cơ cấu sản lượng điện phát, chi phí mua điện...
Theo đại diện EVN, dù đơn vị đã và đang nỗ lực tiết kiệm chi phí, huy động tối ưu các nguồn điện nhưng khó bù đắp được chi phí mua điện tăng cao so với kế hoạch đầu năm. Hiện giá bán lẻ điện bình quân ở mức 1.864,44 đồng/KWh (chưa gồm thuế GTGT), duy trì từ tháng 3-2019 đến nay, trong khi giá bán lẻ điện bình quân năm 2022 ước tính tăng lên mức 1.915,59 đồng/KWh (không gồm khoản chênh lệch tỉ giá hợp đồng mua bán điện còn lại năm 2019-2021 của các đơn vị phát điện). Như vậy, giá bán lẻ điện bình quân hiện hành (áp dụng từ năm 2019 đến nay) đang thấp hơn giá bán lẻ điện năm 2022 khoảng 2,74%.
TS Lê Đăng Doanh nhận định việc thua lỗ của EVN là hệ quả của việc giá đầu vào đã tăng rất nhanh và đột biến trong thời gian qua; không phải là diễn biến có tính chất lâu dài, thường kỳ. Do vậy, việc tính toán cho "nhà đèn" tăng giá điện bán lẻ bình quân nên được xem là tình huống đặc biệt, đột xuất thay vì áp dụng cơ chế cố định.
Theo Minh Phong - Thanh Nhân (Nld.com.vn)