Theo đó, 205 điều kiện kinh doanh được cắt giảm, đơn giản hóa lần này tập trung trong lĩnh vực điện, ô tô, xăng dầu, gas, hóa chất, bia, thuốc lá, an toàn thực phẩm cũng như cải cách công tác kiểm tra chuyên ngành.
Nhiều điều kiện kinh doanh được cắt giảm có tác động tích cực đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, được các chuyên gia, cộng đồng doanh nghiệp đánh giá cao như trong lĩnh vực điện, ô tô, kinh doanh xăng dầu, kinh doanh gas, an toàn thực phẩm…
Cụ thể, Bộ Công Thương bãi bỏ nhiều điều kiện cấp giấy phép tư vấn giám sát thi công công trình nhà máy thủy điện, công trình nhà máy nhiệt điện cũng như điều kiện đầu tư kinh doanh trong lĩnh vực an toàn thực phẩm thuộc trách nhiệm quản lý của Bộ Công Thương.
Với lĩnh vực an toàn thực phẩm, nhiều điều kiện liên quan cấp Giấy phép mua bán sản phẩm thuốc lá, kinh doanh, sản xuất các sản phẩm thuốc lá, bia, khí, hóa chất cũng được bãi bỏ hoặc đơn giản hóa….
Trong lĩnh vực sản xuất, lắp ráp ô tô, Bộ Công Thương bãi bỏ các quy định liên đếnviệcngười phụ trách kỹ thuật các dây chuyền sản xuất, lắp ráp ô tô phải có trình độ đại học trở lên, thuộc ngành cơ khí, ô tô và có kinh nghiệm trong lĩnh vực sản xuất, lắp ráp ô tô tối thiểu 5 năm.
Hay các quy định đối với doanh nghiệp phải có đủ nhân lực, phương án bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động theo quy định của pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động. Cùng đó, đáp ứng đủ điều kiện an toàn về phòng cháy và chữa cháy, phương án chữa cháy theo quy định của pháp luật phòng cháy, chữa cháy…
Với điều kiện cấp giấy phép hoạt động phát điện, Bộ Công Thương bãi bỏ 2 quy định vềcác thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động phải được kiểm định đạt yêu cầu kỹ thuật cũng như quy định liên quan hệ thống phòng cháy và chữa cháy của nhà máy điện được cơ quan có thẩm quyền nghiệm thu theo quy định của pháp luật.
Theo đại diện Bộ Công Thương, việc cắt giảm tiếp 205 điều kiện kinh doanh được thực hiện sau khi tiếp thu lắng nghe từ cộng đồng doanh nghiệp, chuyên gia, người dân để tiếp tục sửa đổi bổ sung các quy định quản lý nhà nước cho hoàn thiện, thích ứng với điều kiện thực tế và các cam kết hội nhập.
“Để cải thiện môi trường kinh doanh hơn nữa, trong thời gian tới Bộ Công Thương vẫn tiếp tục tiến trình cải cách của mình theo sự chỉ đạo của Chính phủ, không vì lợi ích riêng mang tính cục bộ mà vì quyền lợi của doanh nghiệp, cộng đồng xã hội và quốc gia”, lãnh đạo Bộ Công Thương cho hay.
Trong báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư mới đây, Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương đã thực hiện rà soát độc lập về điều kiện kinh doanh của các bộ, ngành. Kết quả cho thấy, trung bình, tỷ lệ bãi bỏ, đơn giản hoá điều kiện kinh doanh đạt 32%. Và khẳng định trong đó Bộ Công Thương cũng đạt mức yêu cầu với 47%.
Hiệu quả thực chất của việc cải cách của Bộ Công Thương và các Bộ ngành là không thể phủ nhận. Theo xếp hạng của Ngân hàng Thế giới (WB), nếu như năm 2016, môi trường kinh doanh của Việt Nam xếp thứ 82; năm 2017 vươn lên vị trí 68 trong tổng số 190 nền kinh tế, tăng 14 bậc. Năm 2018 - 2019, tuy thứ hạng về môi trường có sụt giảm nhưng nhiều chỉ số vẫn được đánh giá tốt, rất tốt và có cải thiện nhanh.
Theo Phạm Tuyên (Tiền Phong)