Biểu tình giáng đòn mạnh lên kinh tế Pháp

05/12/2018 14:15:00

Nguồn cơn của cuộc biểu tình lớn nhất 5 thập kỷ ở Pháp

Bộ trưởng Tài chính Pháp - Bruno Le Maire cho biết ba tuần biểu tình đã khiến việc kinh doanh của các cửa hàng, khách sạn suy giảm đáng kể.

Trong cuộc gặp hồi đầu tuần với các tổ chức doanh nghiệp và hiệp hội chịu ảnh hưởng từ phong trào biểu tình, ông Le Maire cho biết doanh thu ngành dịch vụ thiệt hại khoảng 15-50%. Không cung cấp số liệu chính xác, ông chỉ tiết lộ các hãng bán lẻ nhỏ sụt giảm 20-40% doanh thu. Ngành khách sạn mất 15-25% lượng đặt chỗ. Các nhà hàng, tùy từng địa điểm, cũng mất từ 20-50% doanh thu.

"Ảnh hưởng rất nặng nề và sẽ còn kéo dài", ông Le Maire cho biết, nhấn mạnh tác động là trên cả nước, dù Paris mới là nơi chịu thiệt hại nặng nhất. Cuộc biểu tình bắt đầu từ ngày 17/11 nhằm phản đối tăng thuế nhiên liệu, nhưng sau đó dần biến thành phong trào chống Tổng thống Pháp - Emmanuel Macron.

Bộ Tài chính Pháp chưa ước tính được việc này sẽ tác động thế nào lên GDP. Họ từng kỳ vọng GDP quý IV nhích lên do tiêu dùng tăng dịp cuối năm. Nhưng giờ đây, viễn cảnh này ngày càng bất khả thi.

Biểu tình giáng đòn mạnh lên kinh tế Pháp
Bên ngoài một cửa hàng bị hư hại trên đại lộ Kleber. Ảnh: France24

Theo Hiệp hội Thương mại và Phân phối Pháp, kỳ mua sắm dịp nghỉ lễ tại đây đã khởi đầu khá ảm đạm. Hoạt động tuyển dụng được dự báo giảm, và mua sắm online sẽ tăng. CDiscount - mảng thương mại điện tử của hãng bán lẻ Casino (Pháp) cho biết lượng truy cập website của họ tăng đột biến một phần do "người biểu tình khiến đường vào một số cửa hàng bị chặn lại".

Hãng nghiên cứu số liệu Nielsen hồi đầu tuần cho biết doanh số bán hàng các siêu thị Pháp mất 35% trong ngày 17/11 và 18% trong ngày 24/11. Cuộc biểu tình đã khiến nhiều khách du lịch tại Paris sốc. Một số cho biết sẽ cắt ngắn chuyến du lịch tại đây.

Nhiều cửa hàng trên đại lộ Champs Elysees và trung tâm Paris, trong đó có Apple Store, Dior và Chanel, bị đập vỡ cửa kính. Một số còn bị cướp. Các trung tâm thương mại lớn ở đây, như Printemps và Galeries Lafayette đã phải đóng cửa chiều thứ Bảy tuần trước.

Các hãng kinh doanh hàng xa xỉ, như SMCP, Hermes và LVMH vốn phụ thuộc lớn vào du khách nước ngoài tới Paris dịp Giáng sinh có thể sẽ chịu thiệt hại, một báo cáo của Berenberg cho biết. Ảnh hưởng có thể còn kéo dài qua kỳ nghỉ lễ.

Hiệp hội khách sạn UMIH cho biết một số khách sạn ở Paris có tỷ lệ hủy phòng lên tới 50%, và lượng đặt phòng giảm 10 - 15%. "Chúng tôi đã nhận được nhiều cuộc gọi đầy lo lắng từ các khách hàng và đã phải trấn an họ", Carlos Conesa - giám đốc tại khách sạn Napoleon Hotel cho biết, "Trong suốt cuộc biểu tình, khách sạn không bị tổn hại. Phần lớn khách quyết định ở trong và ăn tối tại nhà hàng của chúng tôi".

Làn sóng biểu tình còn nhắm vào cơ sở hạ tầng đường bộ, tác động phần nào lên nền kinh tế. Vinci Autoroute - công ty quản lý đường bộ thu phí lớn nhất Pháp cho biết, kể từ khi cuộc biểu tình nổ ra cách đây 2 tuần, hàng chục tuyến đường đã bị tắc nghẽn và buộc phải mở rào chắn. Người biểu tình còn phá hoại cơ sở hạ tầng.

Hãng dầu mỏ Pháp - Total cho biết 75 trong 2.200 trạm xăng dầu của họ đã hết nhiên liệu vì người biểu tình phong tỏa các kho chứa. Sản xuất của hãng xe Peugeot tại một nhà máy ở phía Đông nước Pháp cũng bị ngừng nửa ngày. Cả Peugeot và Renault đều bị sụt giảm đơn hàng.

Theo Hà Thu (VnExpress.net)