Tăng trưởng giảm
Theo Hiệp hội Bia Rượu Nước giải khát Việt Nam, tăng trưởng sản xuất bia đang trên đà giảm. Bình quân tăng trưởng bia giai đoạn 2010-2014 đạt 9,5%, giảm so với mức hai con số giai đoạn trước đó. Từ năm 2014 đến nay, tốc độ tăng trưởng trung bình chỉ từ 5-8%.
Năm 2017 sản xuất bia đạt 4 tỷ lít, tăng 6% so với 2016, nhưng có một số DN bị giảm từ 5-10%, Trong đó, đáng chú ý nhất là Tổng công ty Bia Hà Nội giảm 6,5% so với 2016, chỉ đạt 657 triệu lít.
Theo ông Nguyễn Văn Việt, Chủ tịch Hiệp hội Bia Rượu Nước giải khát Việt Nam, sản xuất bia giảm tăng trưởng do tiêu thụ giảm. Ngoài ý thức của người dân được nâng cao, tiêu thụ bia giảm là do chính sách của Nhà nước hạn chế sử dụng bia rượu.
Một trong những chính sách ảnh hưởng mạnh tới sản xuất bia là áp mức thuế tiêu thụ đặc biệt cao với sản phẩm này. Với mặt hàng bia, năm 2013, Nhà nước đã tăng thuế tiêu thụ đặc biệt thụ từ 40% lên 45%, tới 2016 lại tăng tiếp lên 55% và năm 2017 tăng lên 60%, năm 2018 tăng lên 65%.
Mức thuế tăng cao và thay đổi khiến các DN sản xuất bia phải điều chỉnh kế hoạch liên tục, sản xuất không ổn định, đẩy giá thành tăng và giảm tăng trưởng. Chính sách này đã gây ra áp lực rất lớn lên hoạt động sản xuất kinh doanh của các DN, trong 3 năm qua, ông Việt nói.
Báo cáo của Diễn đàn doanh nghiệp (VBF) vừa qua cũng bày tỏ quan ngại về chính sách thuế gây tác động lớn tới ngành bia. Cụ thể, các thay đổi về giá tính thuế tiêu thụ đặc biệt được ban hành một cách đột ngột, khiến các DN không kịp thích ứng. Các văn bản được ban hành vào cuối tháng 10 và tháng 12/2015 nhưng lại có hiệu lực ngay vào ngày 1/1/2016.
Trong khi tăng trưởng giảm thì tồn kho của các DN bia lại tăng cao. Cuối năm 2017 tồn kho bia khá cao và hiện vẫn đang giữ ở mức 50%, ông Việt cho biết.
Dự báo tăng trưởng ngành bia năm 2018 không khả quan, chỉ ở mức 5% và trong tương lai có thể sẽ về mức 1-2%/năm, do bị tác động bởi sự thay đổi về chính sách.
Thuế tiêu thụ đặc biệt có thể tiếp tục tăng, cùng việc điều chỉnh các loại thuế khác càng gây khó cho ngành này, ông Việt quan ngại.
Các DN bia cho rằng, việc tăng thuế tiêu thụ đặc biệt, sẽ dẫn đến hệ lụy lớn. Bởi khi thuế tăng, chi phí giá thành đội lên, sản phẩm của DN sẽ gặp khó ở đầu ra. Tăng trưởng giảm thì sản xuất giảm và đóng góp cho ngân sách giảm.
Lo ngại chính sách
Hiện chúng ta có quá nhiều chính sách quản lý bia rượu. Thống kê cho thấy có tới 85 văn bản từ Luật cho đến Nghị định, Thông tư hướng dẫn liên quan đến quản lý bia rượu.
Bộ Y tế còn đang soạn thảo Luật Phòng chống tác hại bia rượu. Dự thảo đưa ra 3 chính sách: Kiểm soát nhu cầu, kiểm soát nguồn cung và phòng chống tác hại của rượu, bia. Những quy định này có thể gây bất lợi cho sản xuất kinh doanh của các DN. Nếu kiểm soát nhu cầu và nguồn cung bằng cách tăng thuế, sẽ dẫn đến giá thành sản phẩm chính thống tăng lên.
Khi giá bia tăng cao, người dân sẽ có xu hướng chuyển sang dùng các sản phẩm không chính thống, chất lượng kém, rất nguy hiểm. Cùng với đó hàng giả hàng kém chất lượng tràn vào, các DN tìm mọi cách lách luật, trốn thuế, khi ấy chất lượng sản phẩm sẽ giảm xuống, gây hậu quả khôn lường.
Với bia, 2 DN lớn trong nước là Tổng công ty Bia Sài Gòn và Tổng công ty Bia Hà Nội đang nắm giữ khoảng 2/3 thị phần. Lợi thế của các công ty bia nội là sự có mặt lâu đời và đã đi vào tiềm thức của người dân, giúp có chỗ đứng và đánh bại những sản phẩm yếu kém. Thế nhưng năm 2017, Bia Hà Nội đã sụt giảm mạnh sản xuất. Nếu gặp thêm các chính sách bất lợi thì ngành bia sẽ thêm khó khăn.
Việt Nam đã tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do, mới đây nhất là CPTPP, sẽ có hiệu lực từ năm 2019. Theo lộ trình, thuế nhập khẩu bia sẽ về mức 0%. Trong số các nước tham gia CPTPP có nhiều quốc gia rất mạnh về xuất khẩu rượu bia, nước giải khát như Nhật, Canada, Mexico, Chi lê...
Hiện tất cả các hãng bia nội đều nằm ở phân khúc bình dân, phù hợp với túi tiền và nhu cầu của phần lớn người dân Việt Nam. Tuy nhiên, khi đời sống nâng cao, nhiều người chuyển sang dùng bia cao cấp thì bia nội sẽ mất dần thị phần. Hơn nữa, nếu các hãng bia ngoại tràn vào với giá rẻ thì người tiêu dùng sẵn sàng chuyển sang uống bia ngoại nhờ ưu thế chất lượng.
Trong khi, Việt Nam không có một công ty nào có sản phẩm đứng trong phân khúc bia cao cấp, cũng không thể cạnh tranh được với những tên tuổi lớn, nổi tiếng. Tương lai không xa, nếu các hãng bia ngoại tấn công xuống phân khúc thấp hơn thì khả năng các thương hiệu Việt lép vế là tất yếu.
Hiện sản phẩm của các DN bia nội không thay đổi nhiều, chất lượng không được nâng cao. Đây là những điểm yếu của bia nội khi cạnh tranh trong thị trường mở cửa hoàn toàn. Không ít DN sẽ khó giữ được thị phần như hiện nay.
Do đó, theo Hiệp hội Bia Rượu Nước giải khát Việt Nam, việc xây dựng chính sách cần mang tính ổn định, lâu dài (ít nhất là 10 năm); mỗi chính sách trước khi đưa ra thực tế cần đánh giá các tác động tránh ảnh hưởng lên DN; công tác quản lý nhà nước cần bám sát thực tế kinh tế xã hội; các dự thảo chính sách mới nên tập trung tháo gỡ khó khăn và cần có sự linh hoạt, tạo điều kiện phát triển cho DN.
Theo Trần Thủy (VietNamNet)