Có tình trạng tư vấn viên cố bán bảo hiểm rồi "đem con bỏ chợ"
Vụ việc diễn viên Ngọc Lan khóc lóc lo mất tiền tỉ khi mua bảo hiểm và băn khoăn chưa rõ hợp đồng 74 năm là sẽ đóng 74 năm hay được bảo vệ trong vòng 74 năm đang "làm nóng" dư luận.
Nguyên nhân của những băn khoăn này một phần do khách chưa nhận được tư vấn kỹ càng, đầy đủ từ phía tư vấn viên, nhất là đối với nhân viên tư vấn bảo hiểm thông qua kênh ngân hàng, bởi họ hàng ngày, hàng giờ phải chạy đua doanh số.
Chuyên gia tư vấn tài chính Nguyễn Thanh Minh - thành viên ban điều hành hoạch định tài chính cá nhân của Hiệp hội Tư vấn tài chính Việt Nam - cho biết, nhân viên ngân hàng hiện không đơn thuần "sống" vào dịch vụ huy động tiết kiệm, bán thẻ, cho vay... Họ còn bị áp doanh số bán bảo hiểm từ cấp trên nên buộc phải tìm cách bán cho khách hàng nhằm đủ chỉ tiêu.
Về phía nhân viên từ các công ty bảo hiểm, hiện cả nước có tới hơn 900.000 đại lý bảo hiểm đang hoạt động, song số lượng đại lý hiểu về sản phẩm này chiếm không nhiều.
Về tình trạng nhân viên tư vấn liều mình bán bảo hiểm bất chấp khách hàng không hiểu rõ về sản phẩm, các chuyên gia cho biết hoa hồng quá cao trong năm đầu chính là một phần nguyên nhân.
Ông Ngô Trung Dũng - Phó tổng thư ký Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam cho hay, với đa số sản phẩm bảo hiểm đang được bán, doanh nghiệp chỉ trả hoa hồng cho 5 năm đầu hoặc 3 năm đầu với một số sản phẩm. Nếu phân bổ hoa hồng đều cho cả thời hạn hợp đồng, mức thực tế nhận về chỉ khoảng 10%.
Việc phân bổ hoa hồng cao trong năm đầu và thấp dần ở các năm sau chính là một phần nguyên nhân dẫn đến tình trạng một số tư vấn viên cố bán bảo hiểm rồi "đem con bỏ chợ".
Một chuyên gia đào tạo trong lĩnh vực bảo hiểm của Chubb Vietnam cũng khẳng định với Lao Động, chuyên viên tư vấn bảo hiểm kênh ngân hàng thường bị áp doanh số bán hàng, nếu không bán được sản phẩm sẽ không có lương.
Theo chuyên gia này, để trở thành nhân viên bán bảo hiểm ngân hàng đơn giản hơn kênh bảo hiểm chính thức, nhiều khi chỉ phải trải qua một cuộc kiểm tra của Bộ Tài chính. Sau khi có chứng chỉ, họ sẽ hành nghề bán bảo hiểm khi khách hàng đi gửi tiền hoặc sử dụng dịch vụ bên ngân hàng.
Làm sao để biết bản thân phù hợp với loại hình bảo hiểm nào
Trao đổi với Lao Động, thạc sĩ Nguyễn Thu Giang - chuyên gia hoạch định tài chính cá nhân tại CTCP FIDT cho hay, để biết mình phù hợp với loại hình bảo hiểm nào, trước hết khách hàng cần xác định nhu cầu của mình là bảo vệ tài chính hay là tích lũy.
Với khách hàng có nhu cầu là tích lũy, không nên tìm đến kênh bảo hiểm mà nên tìm đến ngân hàng, quỹ đầu tư và để tránh việc bị mua nhầm bảo hiểm ở những nơi này thì khách hàng nên có trách nhiệm với chữ ký của mình, chắc chắn là mình có đọc và hiểu nội dung các bản để xuất hay hợp đồng mà mình đặt bút ký.
Còn với các khách hàng có nhu cầu bảo vệ, tốt nhất là khách hàng ngồi xuống và tự tính toán nhu cầu của gia đình, của người phụ thuộc khi bản thân khách hàng gặp phải các sự kiện không may về nằm viện, tai nạn, bệnh lý, tử vong…
Nếu không tự tin có thể xác định nhu cầu và ngân sách phù hợp dành cho bảo hiểm cũng như không tin tưởng vào đề xuất của đại lý bảo hiểm thì có thể tìm đến các cá nhân, tổ chức làm dịch vụ tư vấn độc lập.
Sau khi có bản thiết kế quyền lợi phù hợp, khách hàng có thể yêu cầu bảng minh họa ở 3 công ty bảo hiểm nhân thọ khác nhau, công ty nào có phí thấp nhất thì ký hợp đồng với công ty đó.
Tuy nhiên cũng cần lưu ý là khách hàng chỉ có ưu thế lựa chọn khi có sức khỏe tốt còn khi đã có vấn đề về sức khỏe, đặc biệt là vấn đề có liên quan đến cao huyết áp, viêm gan, tiểu đường… thì khả năng mua được bảo hiểm nhân thọ hay bảo hiểm sức khỏe giảm đi đáng kể.
Để tránh bị chào mời bảo hiểm, chỉ có cách là người dân cần bảo mật thông tin cá nhân của mình; ngoài ra nếu người dân biết mình có quyền lợi bảo hiểm đủ theo nhu cầu hoặc đã đến giới hạn của ngân sách thì kiên quyết từ chối tại các điểm giao dịch nếu bị mời chào bảo hiểm.
Theo Anh Tuấn (Lao Động)