Chuyên viên tư vấn bảo hiểm kênh ngân hàng thường bị áp doanh số bán hàng
Trao đổi với Lao Động, một chuyên gia đào tạo trong lĩnh vực bảo hiểm ở Hà Nội cho biết, diễn viên Ngọc Lan được tư vấn bảo hiểm, nhưng qua kênh ngân hàng, không phải bảo hiểm chính thống. Trong đó, chuyên viên tư vấn bảo hiểm kênh ngân hàng thường bị áp doanh số bán hàng, nếu không bán được sản phẩm sẽ không có lương.
Theo chuyên gia này, để trở thành nhân viên bán bảo hiểm ngân hàng chỉ phải trải qua một cuộc kiểm tra của Bộ Tài chính. Sau khi có chứng chỉ, họ sẽ hành nghề bán bảo hiểm khi khách hàng đi gửi tiền hoặc sử dụng dịch vụ bên ngân hàng.
Những chuyên viên bán bảo hiểm ngân hàng không được đào tạo bài bản về kiến thức chuyên môn như những nhân viên tư vấn bảo hiểm truyền thống. Nhân viên bán bảo hiểm thông qua kênh bảo hiểm chính thức sẽ phải học để thi một cuộc thi của Bộ Tài chính.
Sau đó được đào tạo "mổ xẻ" về sản phẩm, các điều khoản trong sản phẩm, trải qua các lớp học về kỹ năng mở rộng tệp khách hàng, kỹ năng thiết kế các giải pháp phù hợp với khách hàng, chăm sóc khách hàng sau khi có hợp đồng.
Để tránh gặp phải tình trạng như diễn viên Ngọc Lan, chuyên gia này cho biết, người mua bảo hiểm phải tìm hiểu kỹ các thuật ngữ bảo hiểm.
Thời hạn của một hợp đồng bảo hiểm là khoảng thời gian mà hợp đồng có hiệu lực và quyền lợi của người tham gia vẫn được duy trì. Thời hạn bảo hiểm thường duy trì trong khoảng từ 10 đến 25 năm, tới tuổi tối đa tại ngày đáo hạn là 75 tuổi, 99 tuổi hoặc trọn đời .
Trong khi đó, thời hạn đóng phí là khoảng thời gian mà người tham gia thực hiện đóng phí để hoàn thành nghĩa vụ đóng phí bảo hiểm cho một hợp đồng.
Tùy thuộc vào mỗi sản phẩm, nhu cầu cũng như khả năng kinh tế, khách hàng lựa chọn thời hạn đóng phí bảo hiểm linh hoạt như đóng phí một lần, đóng phí ngắn hơn thời hạn bảo hiểm hoặc đóng phí bằng thời hạn bảo hiểm.
Mua nhầm sản phẩm nên xử lý như nào?
Theo Thạc sĩ Nguyễn Thu Giang - chuyên gia hoạch định tài chính cá nhân tại CTCP FIDT, mọi hợp đồng bảo hiểm nhân thọ đều không thể vượt khỏi 2 chức năng bảo vệ và tích lũy.
Nếu nhu cầu bảo vệ là chủ yếu thì ít khi khách hàng tìm đến ngân hàng để mua bảo hiểm. Đôi khi, họ buộc phải mua bảo hiểm nhân thọ khi vay ngân hàng và bị yêu cầu mua bảo hiểm như một phần của thỏa thuận cho vay.
Nhưng, nếu khách hàng đang có nhu cầu tích lũy hoặc đầu tư thì họ sẽ tìm đến ngân hàng, hoặc các quỹ đầu tư và do có một phần trong hợp đồng bảo hiểm “khớp lệnh” với nhu cầu này trong khi hoa hồng bảo hiểm cao hơn nhiều so với hoa hồng của các sản phẩm tín dụng khác.
Lúc này, giao dịch viên có thể lờ đi phần bảo hiểm và chỉ mời gọi tích lũy với lãi suất cao hơn một vài phần trăm so với lãi suất ngân hàng.
Ngoài ra, do lợi nhuận khủng từ các hợp đồng độc quyền giữa các công ty bảo hiểm và các ngân hàng dẫn đến tình trạng ép KPI khiến cho các “cố vấn tài chính” này buộc phải hy sinh tiêu chuẩn đạo đức nghề nghiệp nhằm đạt chỉ tiêu quy định.
Khi được hỏi, với trường hợp phát hiện mình bị mua nhầm sản phẩm, người dân nên xử lý như nào?, bà Thu Giang cho hay, khi mua nhầm sản phẩm, điều đầu tiên là giảm các loại phí có thể giảm được ví dụ như phí bổ trợ, phí đóng thêm.
Khách hàng nên đến quầy giao dịch của công ty bảo hiểm để cắt bớt các khoản phí này, và ngày áp dụng sẽ là ngày kỷ niệm hợp đồng tiếp theo, ví dụ hợp đồng được phát hành vào ngày 15.11.2020; khách hàng đề nghị thay đổi hợp đồng ngày 5.3.2023 thì ngày áp dụng phí mới sẽ là 15.3.2023.
Việc thứ hai là tận dụng nốt giá trị bảo vệ của phần phí đã đóng: các hợp đồng bảo hiểm liên kết chung và liên kết đơn vị của các công ty bảo hiểm nhân thọ hiện nay thường yêu cầu khách hàng đóng đủ phí 3 năm đầu.
Sau 3 năm, hợp đồng có khoản tích lũy nhất định, khách hàng có thể tận dụng khoản này để không phải đóng phí của năm thứ 4 nhưng tùy từng hợp đồng mà vẫn có giá trị bảo vệ ở năm thứ 4, có khi cả năm thứ 5.
Theo Cường Ngô - Đức Mạnh (Lao Động)