Bầu Đức đã chi bao nhiêu tiền thuê trực thăng giải cứu 26 người trong vụ vỡ đập tại Lào?

26/07/2018 11:10:15

Lời kể của nạn nhân người Việt trong giây phút thoát khỏi thảm họa vỡ đập thủy điện

Đại diện công ty bầu Đức cho biết, chi phí thuê trực thăng ứng cứu công nhân mắc kẹt không quan trọng bằng việc đảm bảo tính mạng và sức khỏe của những người này.

Vụ vỡ đập thủy điện Xe Pian-Xe Namnoy ở tỉnh Attapeu, đông nam Lào khiến cho 26 người của Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai bị mắc kẹt bao gồm có 24 cán bộ, công nhân viên đang làm việc tại nông trường 12 (16 nam, 8 nữ) của Công ty Đại Thắng (công ty con của HAGL) và 2 trẻ em là con em của nhân viên.

Để giải cứu cho những người này, công ty của ông Đoàn Nguyên Đức (bầu Đức) đã thuê trực thăng xuất phát từ thủ đô Vientiane vào hiện trường giải cứu các công nhân. Bản thân bầu Đức - Chủ tịch HĐQT công ty cũng ở Attapeu, trực tiếp theo dõi tình hình, diễn biến của vụ vỡ thủy điện cũng như công tác giải cứu những người bị mắc kẹt tại vùng bị sự cố.

Bầu Đức đã chi bao nhiêu tiền thuê trực thăng giải cứu 26 người trong vụ vỡ đập tại Lào?
Trực thăng Hoàng Anh Gia Lai thuê để giải cứu các công nhân

Do số lượng chỗ trên trực thăng bị hạn chế nên để giải cứu cho 26 người trên, việc vận chuyển phải chia làm 3 đợt mới có thể hoàn tất.

Ông Võ Trường Sơn, Tổng Giám đốc Hoàng Anh Gia Lai cho biết, chi phí thuê trực thăng ứng cứu công nhân mắc kẹt không quan trọng bằng việc đảm bảo tính mạng và sức khỏe của những người này.

Chia sẻ trên tờ VTC News, ông Sơn nhấn mạnh: "Trong bối cảnh thiên tai như vậy, mười mấy ngàn đô la Mỹ, thậm chí 20.000 ngàn đô Mỹ cũng không quan trọng bằng công tác cứu trợ, đảm bảo sinh mạng con người. Hoàng Anh Gia Lai sẽ nỗ lực hết sức".

Về phía tài sản, ông Sơn cho biết, cơ bản công ty không có thiệt hại gì bởi khu vực vỡ đập thủy điện là vùng trồng chủ yếu cao su của Hoàng Anh Gia Lai và phần lớn diện tích cao su đã trưởng thành.

Bầu Đức đã chi bao nhiêu tiền thuê trực thăng giải cứu 26 người trong vụ vỡ đập tại Lào? - 1
Bữa cơm của các công nhân sau khi được giải cứu 2 ngày mắc kẹt do vỡ đập thủy điện

Để hỗ trợ công tác tìm kiếm cứu nạn tại Attapeu, Tập đoàn HAGL đã cử đoàn 10 người gồm y, bác sĩ và điều dưỡng giỏi từ Bệnh viện HAGL sang phối hợp với Bệnh viện Attapeu để cứu chữa, điều trị các nạn nhân.

Tập đoàn này đã chuyển 100.000 gói mì ăn liền, 50 tấn gạo, 2.000 bộ quần áo, 100 túi đựng xác chuyên dùng trong y tế, thuốc men và các vật dụng cần thiết khác để hỗ trợ cho phía bạn Lào.

Đập thủy điện Xepian-Xe Nam Noy đang được xây dựng bởi Công ty Năng lượng Xepian-Xe Nam Noy (PNPC). PNPC được thành lập vào tháng 3/2012 bởi SK Engineering & Construction (SK E&C), công ty Western Power của Hàn Quốc (KOWEPO), công ty điện lực Ratchaburi của Thái Lan (RATCH) và tập đoàn nhà nước Lào Laos Holding State Enterprise. (LHSE).

Sự cố vỡ đập thủy điện Xe Pian-Xe Namnoy khiến hàng trăm người thiệt mạng và mất tích. Trong đó, 6 ngôi làng ở Sanamxay bao gồm Yai Thae, Hinlad, Mai, Thasengchan, Tha Hin, Samong. Thảm họa đã khiến khoảng 1.300 hộ dân với 6.600 bị ảnh hưởng.

Người Việt ở Attapeu chủ yếu sống ở cách xa dự án thuỷ điện bị vỡ đập nên không bị ảnh hưởng bởi ngập lụt. Những người Việt sống ở khu bị ảnh hưởng bởi thảm hoạ vỡ đập cũng đã được di tản đến những vị trí an toàn.

Theo Pha Lê (Nhịp Sống Kinh Tế)