Thông tin tại cuộc họp liên ngành với các cơ quan chức năng hôm qua (28/10), Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Nguyễn Văn Cẩn cho biết, các cơ quan chức năng đã phối hợp phát hiện và bắt giữ vụ việc có nguy cơ gian lận xuất xứ lớn nhất từ trước đến nay.
Theo đó, tổng số nhôm tồn kho của doanh nghiệp bị bắt giữ tại Bà Rịa - Vũng Tàu có giá trị khoảng 4,3 tỷ USD, đang nằm chờ xuất khẩu chủ yếu sang Mỹ và một số thị trường khác.
Cụ thể, khi phát hiện dấu hiệu nghi vấn, Tổng cục Hải quan đã chủ trì, phối hợp với Bộ Công an, Bộ Công Thương, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và các cơ quan khác kiểm tra, xác định và ngăn chặn kịp thời vụ việc doanh nghiệp tại Bà Rịa -Vũng Tàu nhập khẩu hàng tỷ USD mặt hàng nhôm từ Trung Quốc "đội lốt" hàng Việt Nam chờ xuất sang Mỹ.
Sở dĩ doanh nghiệp này nhập khẩu nhôm từ Trung Quốc nhưng lại đội lốt hàng Việt Nam là do nếu nhôm của Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ chỉ phải chịu thuế khoảng 15%, nhưng nhôm của Trung Quốc xuất khẩu vào Mỹ phải chịu thuế lên đến 374%.
Vụ việc bị phát hiện do dấu hiệu bất thường bởi doanh nghiệp có công nghệ, dây chuyền, nhưng lại nhập khẩu nhôm thỏi, nhôm thanh, nhôm bán thành phẩm nhằm đưa ra các sản phẩm để xuất khẩu đi Mỹ và một số nước khác.
Hiện tại, Tổng cục Hải quan đã phối hợp với Hải quan Mỹ xác minh về vụ việc nêu trên. Các đặc vụ của Bộ An ninh nội địa Mỹ đã đến Việt Nam để phối hợp điều tra.
Cũng theo số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan, nhập khẩu hàng hoá từ Trung Quốc vào Việt Nam tăng cao trong những tháng gần đây. Tính đến hết tháng 9/2019, kim ngạch nhập khẩu hàng hoá từ Trung Quốc về Việt Nam đạt 55,4 tỷ USD trong khi cùng kỳ năm ngoái chỉ là 47,2 tỷ USD.
Chính phủ Việt Nam cũng rất quyết liệt trong việc ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi gian lận thương mại, "đội lốt" hàng hoá Việt Nam. Theo đó, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án tăng cường quản lý nhà nước về chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại và gian lận xuất xứ.
Trong Đề án này, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành liên quan triển khai quyết liệt và đồng bộ nhiều biện pháp về nâng cao nhận thức, tăng cường quản lý nhà nước đối với hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu, đầu tư nước ngoài, thực hiện nghiêm túc quy định pháp luật về phòng vệ thương mại, xuất xứ hải quan, chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại, ngăn chặn điều tra và xử lý nghiêm các hành vi lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại, gian lận xuất xứ hàng hóa.
Theo Hạ An (Bizlive.vn)