Mới đây, Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam – Vietcombank đã công bố BCTC hợp nhất bán niên 2018 với kết quả kinh doanh rất khả quan.
Cụ thể thu nhập lãi thuần của Vietcombank trong 6 tháng đầu năm đạt mức 12.997 tỷ đồng, tăng 19,1% so với cùng kỳ năm trước. Bên cạnh đó, lãi thuần từ các hoạt động kinh doanh dịch vụ, ngoại hối, chứng khoán… hầu hết đều tăng trưởng mạnh. Theo đó, tổng thu nhập hoạt động của Ngân hàng tính đến cuối kỳ ghi nhận 19.183 tỷ đồng, tăng 31,4% so với cùng kỳ năm 2017.
Sau khi trừ đi các khoản chi phí, lợi nhuận trước thuế và sau thuế của Vietcombank lần lượt mang về 8.016 tỷ đồng và 6.439 tỷ đồng, tăng hơn 52% so với cùng kỳ năm trước, đồng thời hoàn thành hơn 60% kế hoạch cả năm.
Tính đến ngày 30/6/2018, Vietcombank có tổng tài sản đạt mức 977.682 tỷ đồng, huy động tiền gửi đạt 764.496 tỷ đồng, tăng trưởng 7,9% và cho vay khách hàng đạt 606.052 tỷ đồng, tăng 11,5%. Trong số này, nợ xấu của Vietcombank đã tăng lên mạnh lên 6.983 tỷ đồng, tương đương tỷ lệ nợ xấu ở mức 1,15%. Đáng chú ý, nợ có khả năng mất vốn đã tăng gấp 2,1 lần so với thời điểm đầu năm, lên tới 4.084 tỷ đồng.
Được biết, để đảm bảo cho 606.052 tỷ đồng cho vay, nhà băng này hiện đang cầm cố, thế chấp khối tài sản trị giá 873.675 tỷ đồng, gấp 1,44 lần dư nợ. Trong đó, có tới 60% giá trị tài sản đảm bảo đến từ bất động sản, còn lại là các tài sản như nhà xưởng, máy móc và hàng hóa của các doanh nghiệp cầm cố tại ngân hàng.
Điều này cũng dễ hiểu khi hoạt động kinh doanh bất động sản đang là ngành nghề chiếm tỷ trọng cho vay đứng thứ hai tại Vietcombank(chỉ đứng sau bán buôn và bán lẻ, sửa chữa ô tô, xe máy…). Theo đó, tính đến cuối năm 2017, tổng dư nợ của Ngân hàng này đạt mức 182.666 tỷ đồng, trong đó, Vietcombank cho vay kinh doanh bất động sản 15.553 tỷ đồng, tương ứng tỷ trọng 8,51%.
Một điểm đáng lưu ý khác, mặc dù là ngân hàng có dư nợ cho vay và lợi nhuận cao nhất trong hệ thống, nhưng Vietcombank lại là ngân hàng có dòng tiền hao hụt nhiều nhất trong nửa đầu năm nay.
Cụ thể, Báo cáo lưu chuyển tiền của Vietcombank cho thấy, lưu chuyển tiền thuần trong 6 tháng đầu năm tại nhà băng này âm tới 130.725 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm ngoái đương 10.140 tỷ đồng.
Theo đó, nguyên nhân lớn nhất là do Kho bạc Nhà nước đã rút mạnh tiền gửi tại ngân hàng này (hơn 97.500 tỷ đồng). Được biết, đây chủ yếu là số tiền mà Ngân sách nhà nước thu về từ thương vụ bán Sabeco cho Thaibev hồi cuối năm 2017 rồi gửi vào Vietcombank. Trong 2 quý đầu năm 2018, Kho bạc Nhà nước cho biết đã rút phần lớn số tiền này để đầu tư, ngoài ra cũng chuyển một phần tiền gửi từ các ngân hàng thương mại sang NHNN để tạo điều kiện cho điều hành chính sách tiền tệ.
Ngoài ra, việc dòng tiền tại Vietcombank bị âm còn xuất phát từ chênh lệch giữa lượng tiền gửi và dư nợ cho vay. Cụ thể, trong kỳ vừa rồi, tiền gửi của khách hàng chỉ tăng gần 56.000 tỷ, trong khi dư nợ cho vay của ngân hàng hàng tăng tới hơn 62.600 tỷ đồng. Đây cũng là nguyên nhân khiến tổng tài sản của Vietcombank cũng đã tuột mốc 1 triệu tỷ đồng đến cuối tháng 6/2018.
Được biết, trong vài năm trở lại đây, hoạt động tín dụng của Vietcombank thường xuyên có liên quan đến khoản bảo lãnh cho phân khúc bất động sản condotel. Thậm chí, đây còn là ngân hàng tích cực tham gia hợp tác ba bên giữa chủ đầu tư và khách hàng để kinh doanh condotel.
Cụ thể, tại Phú Quốc, Vietcombank đã và đang triển khai chương trình hỗ trợ tài chính cho khách hàng khi muốn mua căn hộ và biệt thự tại một dự án Sonasea Condotel & Villas do CEO Group làm chủ đầu tư. Với dự án này, Vietcombank hỗ trợ 50% giá trị căn hộ, thời gian tài trợ 15 năm với lãi suất 0% cho đến khi người mua nhận nhà hoàn thiện.
Trong khi đó, tại Đà Nẵng, cụ thể là Dự án Pan Pacific Đà Nẵng Resort, chủ đầu tư là CTCP MBLand Tokin Property đã đưa ra cam kết hỗ trợ khách hàng vay tới 70% giá trị căn hộ, biệt thự, tối thiểu trong 5 năm và tối đa 20 năm với phí trả nợ trước hạn trong vòng 12 tháng. Theo đó, khoản hỗ trợ này do ngân hàng MBBank và Vietcombank giúp sức, với mức lãi suất hỗ trợ tối đa là 8%.
Tại Nha Trang, Công ty Đỉnh Vàng Nha Trang - Chủ đầu tư dự án condotel cao cấp Golden Peak Nha Trang cũng công bố ngân hàng hỗ trợ vay vốn, bảo lãnh của dự án chính là Vietcombank. Đối với dự án Golden Peak Trần Phú, Vietcombank còn hỗ trợ khách hàng vay vốn với lãi suất thấp đến khi nhận nhà.
Bên cạnh đó, Vietcombank cũng là đơn vị hỗ trợ tài chính tại dự án Gold Coast Nha Trang của chủ đầu tư là CTCP Thanh Yến. Theo đó, Vietcombank sẽ tiến hành hỗ trợ cho các khách hàng mua căn hộ với tổng vốn đầu tư lên tới 1.600 tỷ đồng và sẽ hỗ trợ vốn vay cho toàn bộ các khách hàng có nhu cầu đầu tư dự án này.
Theo thỏa thuận ký kết, Ngân hàng Vietcombank Khánh Hòa sẽ là ngân hàng duy nhất đồng hành cùng dự án Gold Coast Nha Trang của công ty Thanh Yến. Cụ thể, Vietcombank cho phép nhà đầu tư vay tới 70% giá trị căn hộ theo hợp đồng với chính tài sản thế chấp là chính căn hộ đó.
Ngoài ra, tại Quảng Ninh, hiện Vietcombank đang triển chương trình hỗ trợ tài chính cho dự án Citadines Condotel Hạ Long do BIM Group làm chủ đầu tư. Theo chính sách, Vietcombank sẽ cho nhà đầu tư vay tối đa 70% giá trị căn hộ với thời gian vay tối đa là 15 năm và áp dụng mức lãi suất 0% trong 2 năm đầu.
Sự tăng trưởng quá nóng của phân khúc Condotel không chỉ hấp dẫn đối với nhà đầu tư (từ những ông lớn đến những nhà đầu tư nhỏ lẻ) mà còn là "miếng bánh thơm" của các ngân hàng. Do vậy, cũng dễ hiểu khi Vietcombank lại đầu tư mạnh cho condotel thông qua hợp tác các bên, vì lĩnh vực này vẫn được định nghĩa là cho vay cá nhân. Tuy nhiên, trong giai đoạn hiện nay, khi thị trường condotel đang có xu hướng chững lại, doanh nghiệp không bán được hàng (đồng nghĩa không huy động được vốn), nguồn cung vẫn tiếp tục gia tăng và không ít nhà đầu tư cá nhân đang phải bán lại các khoản đầu tư liên quan đến condotel, thì nguy cơ tăng nợ xấu đối với các ngân hàng mở rộng cho vay, bảo lãnh các dự án condotel là điều khó tránh.
Theo Ánh Phượng (Sohuutritue.net.vn)