Đó là lời bộc bạch của anh Phan Văn Quân (xã Tả Thanh Oai – Thanh Trì – Hà Nội). Sinh ra trong làng nghề có truyền thống nấu rượu và ủ rượu nếp cái, hàng ngày anh Quân cùng phụ vợ làm rượu để bán ngoài chợ. Nhưng những ngày giáp Tết Đoan ngọ thì cả hai vợ chồng làm nhiều hơn.
“Năm ngoái nhà em làm 2 tạ gạo cả nếp cẩm lẫn nếp trắng, bán đến ngày thứ 2 đã hết hàng. Cũng tiếc là vào đúng ngày chính (tức 5/5 âm lịch -PV) thì hàng hết nên đành chịu. Rút kinh nghiệm, năm nay chúng em làm tăng lên 3 tạ” – anh Quân vừa cho thêm củi vào nồi đồ gạo, vừa chia sẻ.
Theo anh Quân, năm ngoái giá gạo nếp cẩm rẻ hơn nên khi thành phẩm rượu nếp cẩm bán ra cũng có lãi hơn so với năm nay. Với 2 tạ gạo, trong hai ngày anh chị lời gần chục triệu đồng. “Lời lãi thì cao thật, nhưng mệt lắm các chú ạ. Phải thức khuya đồ gạo trước đó mấy ngày. Ngoài vấn đề kỹ thuật, còn phụ thuộc nhiều vào thời tiết. Nếu thời tiết nóng quá, rượu dễ chín sớm, chẩy nước sẽ không ai mua. Rồi thức dậy từ 3h sáng để chuẩn bị hàng, rồi tờ mờ sáng ra chợ...”.
Rút kinh nghiệm từ năm trước, năm nay vợ chồng anh Quân quyết định tăng lên thêm 1 tạ gạo nữa để chuẩn bị phục vụ khách hàng. Giá bán là 70.000 đồng/ 1kg rượu nếp thường và 100.000 đồng/1kg rượu nếp cẩm. “Mỗi 1 kg gạo làm thật tốt sẽ được khoảng 1,5 -1,7 kg rượu, ấy là loại gạo tốt mới được” – anh Quân chia sẻ.
Rượu nếp cái phục vụ cho ngày Tết Đoan Ngọ thường được sử dụng hai loại là nếp cái thường và nếp cẩm. Theo các tiểu thương thì dường như nhà nào cũng cần dùng đến loại rượu nếp này nên việc ế hàng là điều khó xảy ra.
Theo ghi nhận tại chợ Hà Đông, sáng sớm nay, có khoảng 30 người bán rượu nếp, nhưng chỉ trong vòng 2 giờ đồng hồ đã hết veo. Khách hàng nườm nượp kéo đến, chen chân mua. Rượu nếp cẩm được chia thành 0,5 – 1kg/ túi.
“Tôi mang đi 80kg nhưng đã hết và giờ đang chờ người nhà chở thêm ra” – bà Thìn, một người bán rượu nếp cái cho biết. Làm một phép nhẩm tính, tính cả vốn, bà Thìn đã thu về hơn 6 triệu đồng chỉ với 2 giờ đồng hồ.
Theo khảo sát, giá rượu nếp phục vụ cho người dân ở mỗi chợ, mỗi khu vực ở Hà Nội không có một giá chung nhất định. “Tùy thuộc vào sức mua của từng nơi các chú ạ. Nếu người dân mua nhiều, lượng người bán ít thì giá tăng lên” – chị Hà cho biết. Tuy nhiên, giá dao động từ 50.000 - 60.000 đồng/ 1kg với rượu nếp cái thường và 80.000 – 100.000 đồng/kg với loại nếp cẩm.
Phần lớn đây là mặt hàng sử dụng theo thời vụ nên các tiểu thương đều là những người bán thêm. “Hàng ngày tôi bán rau, hoa quả ở chợ Đồng Xa này, nhưng những ngày Tết Đoan Ngọ này thì cũng tranh thủ làm để bán thêm. So với rau và hoa quả thì bán cái này lãi khá hơn. Tuy nhiên, mỗi năm chỉ có một ngày chứ chẳng phải là liên tục” – chị Hường, một tiểu thương cho biết.
Theo Giang Vương (Dân Việt)