Hiện, thị trường nhiên liệu hàng không, phục vụ tàu bay, tại Việt Nam đang được "thống lĩnh" bởi hai doanh nghiệp, Công ty TNHH MTV Nhiên liệu hàng không Việt Nam (Skypec, thuộc Vietnam Airlines) và Công ty Cổ phần Nhiên liệu bay Petrolimex (Petrolimex Aviation).
Trong đó, Skypec được thành lập năm 1993, sau đó đến năm 2010, công ty này trở thành công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên và thuộc Vietnam Airlines cho đến hiện nay.
Công ty con của Vietnam Airlines có hệ thống kho chứa hơn 210.000 m3, hoạt động tại 18 cảng hàng không trong nước và 4 sân bay quốc tế lớn tại Hàn Quốc.
Skypec có khả năng phục vụ trên 214.000 chuyến bay với tổng sản lượng hàng năm đạt trên 2 triệu tấn mỗi năm. Giai đoạn trước dịch, Skypec từng chiếm tới 30% tỷ trọng doanh thu của Vietnam Airlines.
Trong năm 2022, Skypec đạt sản lượng hơn 1,25 triệu tấn nhiên liệu, gần gấp đôi năm 2021. Doanh thu của công ty tăng gấp hơn ba lần lên 32.940 tỷ đồng, tương đương với mức bình quân hơn 90 tỷ đồng mỗi ngày. Mức doanh thu này cũng vượt đỉnh hai năm trước dịch 2018, 2019.
Khi đó, Skypec ghi nhận lợi nhuận trước thuế hơn 281 tỷ đồng. Đây cũng là mức lãi cao nhất của doanh nghiệp này kể từ khi ngành hàng không bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch.
Còn theo báo cáo thường niên mới nhất của Vietnam Airlines, năm 2023, tổng sản lượng Skypec phục hồi nhanh chóng và đạt trên 1.477.000 tấn, doanh thu 33.450 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế hơn 176 tỷ đồng, ROE 22%.
Hồi giữa năm ngoái, Chính phủ yêu cầu xử lý phương án chuyển nhượng Skypec từ Vietnam Airlines về Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN), việc này nhằm hỗ trợ tái cơ cấu Vietnam Airlines và phát triển năng lực hiệu quả của PVN trong chuỗi sản xuất, cung ứng xăng dầu.
Năm 2023: Petrolimex Aviation lãi 112 tỷ đồng
Còn Công ty Cổ phần Nhiên liệu bay Petrolimex (Petrolimex Aviation) được thành lập năm 2008. Theo website doanh nghiệp, mạng lưới hoạt động của Petrolimex Aviation được phát triển và mở rộng liên tục với 7 chi nhánh hoạt động tại 9 sân bay lớn trong nước và hơn 50 sân bay trên thế giới của hơn 20 quốc gia và vùng lãnh thổ với khoảng 65 khách hàng trong nước và quốc tế.
Hồi năm 2019, công ty trở thành thành viên của JIG - tổ chức hàng đầu thế giới về tiêu chuẩn cung cấp nhiên liệu hàng không với hơn 100 thành viên trên toàn thế giới, hoạt động ở tại hơn 2.750 sân bay.
Petrolimex Aviation cung cấp nhiên liệu và dịch vụ tra nạp cho tàu bay hơn 50 hãng hàng không trong nước và quốc tế như Vietjet Air, Bamboo Airways, Hải Âu, Japan Airlines…
Công ty nhiên liệu bay của Petrolimex báo lãi trước thuế ở mức 846 tỷ đồng năm 2019, tăng trưởng 195%, ROE ở mức 58%. Sang năm 2021, lợi nhuận trước thuế của PA đạt 148,9 tỷ đồng.
Vào năm 2022, Petrolimex Aviation ghi nhận lợi nhuận trước thuế đạt 448 tỷ đồng. Đến năm 2023, sản lượng của Petrolimex Aviation đạt 1.290.788 tấn, lợi nhuận trước thuế đạt 112 tỷ đồng.
Giá nhiên liệu tác động trực tiếp lên giá vé bay
Theo số liệu của IATA, giá nhiên liệu Jet A1 khu vực Châu Á ngày 26/4/2024 là 100,25 USD/thùng. Theo tính toán của Cục Hàng không, với biến động của giá Jet A1 và tỷ giá USD/VND, chi phí nhiên liệu tháng 4/2024 của các hãng hàng không tăng 56,55% so với tháng 12/2014 và tăng 74,27% so với tháng 9/2015, tác động làm tổng chi phí tăng 37,66% so với tháng 12/2014 và tăng 53,24% so với tháng 8/2015 (là thời điểm ban hành quy định về khung giá vận chuyển trên chặng bay nội địa).
Tháng 4/2024, giá nhiên liệu bay Jet A1 khu vực Châu Á là 100,25 USD/thùng, tương đương mức giá giai đoạn tháng 4/2023 (100,17 USD/thùng). Tuy nhiên, tỷ giá giai đoạn tháng 4/2024 (1 USD = 25.454 VND) biến động tăng 8% so với tháng 4/2023 (1 USD = 23.620 VND). Với tỷ trọng các chi phí có gốc ngoại tệ của các hãng hàng không chiếm khoảng 75% tổng chi phí, chỉ tính riêng biến động của tỷ giá đã khiến chi phí của các hãng hàng không tăng gần 6% so với cùng kỳ.
Theo Dy Khoa (Nguoiduatin.vn)