Theo Cục An toàn Hàng hải Thượng Hải, quá trình thử nghiệm dự kiến diễn ra ở biển Hoa Đông - cách Nhà máy đóng tàu Giang Nam, nơi tàu sân bay Phúc Kiến được chế tạo trong hơn 6 năm, khoảng 130 km.
Tính năng chính của Phúc Kiến là hệ thống phóng điện từ cho phép tàu sân bay này phóng máy bay lớn và nặng hơn so với các tàu sân bay Sơn Đông và Liêu Ninh, vốn sử dụng phương pháp phóng kiểu trượt tuyết nhảy xa.
Theo các nhà phân tích, khả năng của Phúc Kiến trong việc phóng chiến đấu cơ lớn hơn mang theo lượng đạn dược lớn hơn đến khoảng cách xa hơn sẽ giúp tàu sân bay này mở rộng phạm vi chiến đấu so với các tàu sân bay tiền nhiệm của Hải quân Trung Quốc.
USS Gerald R Ford, tàu sân bay mới nhất của Mỹ, là tàu sân bay duy nhất đang hoạt động trên thế giới được trang bị hệ thống phóng điện từ.
10 tàu sân bay cũ của Hải quân Mỹ, lớp Nimitz, dựa vào hệ thống chạy bằng hơi nước để phóng máy bay.
Tuy nhiên, tất cả tàu sân bay Mỹ đều có hai lợi thế chính so với Phúc Kiến: sức mạnh và kích thước, theo đài CNN.
Các tàu sân bay Mỹ chạy bằng năng lượng hạt nhân, giúp chúng có khả năng ở lại trên biển cho đến khi thủy thủ đoàn còn có thể. Trong khi đó, tàu Phúc Kiến chạy bằng nhiên liệu thông thường, nghĩa là nó phải ghé cảng hoặc phải được tiếp nhiên liệu ngay trên biển.
Theo Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), tàu sân bay Mỹ có thể mang nhiều máy bay hơn, khoảng 75 chiếc so với con số dự kiến 60 chiếc của Phúc Kiến.
Các nhà phân tích cũng lưu ý rằng tàu sân bay Mỹ có nhiều máy phóng hơn, đường dẫn khí lớn hơn và nhiều thang máy hơn để cho phép triển khai máy bay nhanh hơn.
Họ đồng thời khẳng định quá trình thử nghiệm trên biển của tàu sân bay Phúc Kiến sẽ mất ít nhất khoảng 1 năm, trước khi con tàu này được chính thức đưa vào hoạt động vào năm 2025 hoặc 2026.
Theo Cao Lực (Nld.com.vn)