Cộng đồng bán lẻ xăng dầu lỗ nghìn tỷ
Phát biểu tại Hội thảo “Góp ý Dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 95/CP và 83/CP về kinh doanh xăng dầu” sáng 14/2 do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Bộ Công Thương tổ chức, hàng loạt doanh nghiệp xăng dầu than khổ khi chìm trong thua lỗ suốt hơn 1 năm nay.
Ông Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng Thư ký, Trưởng Ban Pháp chế (VCCI), thuật lại: “Tôi nghe doanh nghiệp kể rằng vài chục năm qua chưa bao giờ có chuyện phải lỗ vẫn phải bán, bỏ tiền nhà ra để duy trì bán hàng. Đó là khó khăn của doanh nghiệp”.
Theo ông Tuấn, xăng dầu là mặt hàng quan trọng đặc biệt của quốc gia. Điều hành giá xăng dầu là khó khăn. Giá cao có lợi cho doanh nghiệp nhưng lại ảnh hưởng tới người tiêu dùng, doanh nghiệp và nền kinh tế; ngược lại nếu giá sát với chi phí, thấp hơn sẽ gây ảnh hưởng và thiếu hụt cho hoạt động kinh doanh.
Ông Giang Chấn Tây, chủ một doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu ở tỉnh Trà Vinh, cho biết: Thời gian qua, cộng đồng doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu thường xuyên bị thua lỗ do không có chiết khấu, thậm chí có thời điểm chiết khấu âm lên tới hơn 1.300 đồng/lít.
Do vậy, khi sửa đổi Nghị định 95 và 83 về kinh doanh xăng dầu, ông cho rằng, cần xem chiết khấu như "phí xăng dầu" mà doanh nghiệp bán lẻ thu hộ; là công cụ để doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu hoạt động trong mọi tình huống biến động của giá dầu trên thị trường thế giới.
"Phần chiết khấu tối thiểu là phần cứng, là công cụ quản lý nhà nước hữu hiệu được đề xuất trong công thức giá cơ sở nhằm đảm bảo cho mọi hoạt động của cả hệ thống kinh doanh xăng dầu được ổn định, công bằng. Phần chiết khấu còn lại là sự cơ động, linh hoạt của các nhà cung cấp để cạnh tranh giành thị phần. Đây chính là phần thị trường và là phần tăng thêm được hưởng của doanh nghiệp bán lẻ", ông Tây nói.
Vì thế, doanh nghiệp này kiến nghị cần quy định chiết khấu tối thiểu không dưới 5-6%/giá bán lẻ - trong khi dự thảo của Bộ Công Thương vẫn kiên trì quan điểm "không quy định chiết khấu tối thiểu".
Ông Hà Thanh Tùng, đại diện một doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu ở tỉnh Hà Giang, chia sẻ: Do không có chiết khấu nên thời gian qua, doanh nghiệp bán lẻ thua lỗ nặng nề. Qua thống kê của cộng đồng doanh nghiệp bán lẻ, lúc cao điểm, cộng đồng doanh nghiệp lỗ đến 900 tỷ đồng/tháng. Tính từ tháng 3/2022 đến nay, ước số lỗ có thể lên đến 3.000 đến 4.000 tỷ đồng.
Thay đổi tư duy về công cụ quản lý nhà nước
Ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương), nêu quan điểm: Trong điều hành giá xăng dầu, cơ quan điều hành luôn phải đảm bảo mục tiêu làm sao đáp ứng được nguồn cung xăng dầu, đồng thời đảm bảo giá xăng dầu phải góp phần kiểm soát CPI. Câu chuyện quản lý luôn đặt ra bài toán cạnh tranh và thị trường.
Theo ông Đông, trước đây, quá trình sửa đổi Nghị định 83 và ban hành Nghị định 95 đã mất 2,5 năm, có sự tham gia góp ý của cộng đồng doanh nghiệp, trải qua quá trình thảo luận, xin ý kiến rất dài.
Hiện nay, tất cả những vấn đề đặt ra trong quá trình sửa đổi Nghị định 83 và 95 đều là những vấn đề đã đưa ra thảo luận từ quá trình sửa đổi Nghị định 83 trước đây. Ví dụ như Quỹ bình ổn giá xăng dầu; thời gian điều hành; dự trữ xăng dầu; quyền và nghĩa vụ của thương nhân đầu mối, thương nhân phân phối, đại lý...
Tuy nhiên, những biến động của thị trường xăng dầu những năm qua mang tính chất dị biệt, đặc biệt là xung đột Nga - Ukraine, biến động giá xăng dầu ở biên độ cao và chưa từng xảy ra trước đó.
Do vậy, ông Đông cho rằng chúng ta phải tư duy về các công cụ quản lý nhà nước nên can thiệp đến đâu; tư duy về quan hệ cung cầu, về quy luật cạnh tranh,... Đó là dịp để nhìn lại, làm sao để thị trường xăng dầu đạt được mục tiêu cao nhất là đảm bảo an ninh năng lượng, kiểm soát CPI - một trong những cân đối chính của kinh tế. Mục tiêu nữa là thúc đẩy cạnh tranh, thúc đẩy doanh nghiệp phát triển. Đó là những mốc ta cần xem lại cách điều hành và sửa nghị định.
Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước khẳng định: “Tất cả những vấn đề đưa ra đều đang trong quá trình soạn thảo, trao đổi ý kiến để có hướng xử lý phù hợp nhất trong bối cảnh hiện nay. Mỗi phương án lựa chọn đều có ưu và nhược điểm, nhưng khi lựa chọn thì phải chấp nhận. Việc làm chính sách phải hướng đến lâu dài và tôn trọng quy định khách quan, không chạy theo những vấn đề cục bộ, mang tính hiện tượng.
Quan điểm của Bộ Công Thương và ban soạn thảo là thực sự lắng nghe, thực sự cầu thị để làm sao có thị trường xăng dầu đảm bảo mục tiêu kiểm soát CPI, đảm bảo cuộc sống người dân và hoạt động của doanh nghiệp”.
Nhắc đến việc đóng góp ý kiến cho Dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 95 và 83 của Bộ Công Thương lần này, ông Đậu Anh Tuấn nhận xét "rõ ràng, thẳng thắn và không ngại va chạm". Đây là tín hiệu thúc đẩy đối thoại.
"Chúng tôi cho rằng, về quan điểm trong việc soạn thảo dự thảo nghị định lần này, cần nhất quán quan điểm về cạnh tranh bình đẳng, tự do kinh doanh và công khai minh bạch. VCCI tin rằng khi đáp ứng yêu cầu này sẽ đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp, người dân", ông Tuấn nói.
Theo Lương Bằng (VietNamNet)