VTV mới đây đã thông tin, chiều 26/12, nguồn tin từ Công ty Cổ phần Thương Mại Bách Hoá Xanh (Công ty Bách Hóa Xanh) đã có thông tin phản hồi về việc hơn 20,3 tấn giá đỗ ngâm chất cấm ở Đắk Lắk.
Theo nguồn tin, Công ty Bách Hóa Xanh cho biết, hoạt chất 6-Benzylaminopurine, Bách Hoá Xanh cũng đang làm việc với Sở Công Thương tỉnh Đắk Lắk để phối hợp hướng dẫn về việc kiểm tra chất này.
Hiện, Bách Hoá Xanh đã ngay lập tức thu hồi và ngưng bán toàn bộ hàng hóa của nhà cung cấp này cũng như tiến hành kiểm nghiệm lại tất cả sản phẩm giá đỗ đang cung cấp cho chuỗi.
Liên quan đến sự việc, Tạp chí Thị trường tài chính tiền tệ cũng thông tin, theo Bách hóa Xanh, nhà cung cấp Lâm Đạo hiện chỉ cung cấp cho khu vực TP. Buôn Mê Thuột với tỉ lệ 2% trên tổng sản lượng mặt hàng giá đỗ.
"Bách hóa Xanh luôn đề cao chất lượng vệ sinh, an toàn sản phẩm. Các sản phẩm được nhập tại chuỗi đều phải cung cấp đầy đủ các giấy tờ pháp lý theo yêu cầu: Giấy phép kinh doanh, giấy vệ sinh an toàn thực phẩm, giấy kiểm nghiệm công bố theo tiêu chí QC, các giấy phép liên quan... theo quy định cơ quan Nhà nước", đại diện Bách hóa Xanh cho biết.
Trước đó, Phòng Công an kinh tế - Công an tỉnh Đắk Lắk đã cho biết, sau một thời gian kiên trì theo dõi, phát hiện không gian mạng nổi lên một nhóm đối tượng thuộc "Hội giá đỗ Miền Nam" và "Hội làm giá đỗ" có những dấu hiệu vi phạm quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm, đơn vị đã kiểm tra đồng loạt 6 cơ sở sản xuất giá đỗ trên địa bàn thành phố Buôn Ma Thuột.
Trong đó, có 2 cơ sở của đối tượng Lâm Văn Đạo (SN 1990, trú Buôn Kô Tam, xã Ea Tu); 2 cơ sở của đối tượng Vũ Duy Tư (SN 1991, trú Tổ dân phố 8, phường Tân Hoà); 1 cơ sở của Nguyễn Văn Quynh (SN 1973, trú Tổ dân phố 6, P. Tân Hòa) và 1 cơ sở của Nguyễn Văn Hảo (Sn 1988, trú tại Tổ dân phố 1, phường Tân Hòa).
Quá trình kiểm tra, Phòng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh Đắk Lắk phát hiện, thu giữ hơn 20,3 tấn giá đỗ (có giá bán ra thị trường khoảng 400 triệu đồng) mà nhóm này ngâm hoạt chất 6-Benzylaminopurine. Ngoài ra, công an thu giữ 37 can nhựa với 135 lít hoạt chất 6-Benzylaminopurine.
Bước đầu, những người trên khai trong quá trình sản xuất giá đỗ đã sử dụng vôi cục, nước giếng và hoạt chất 6-Benzylaminopurine. Hoạt chất 6-Benzylaminopurine là chất cấm, không thuộc danh mục được phép sử dụng trong sản xuất thực phẩm tại Việt Nam.
Nhóm người trên khai nhận chỉ trong năm 2024 đã bán ra thị trường hơn 2.900 tấn giá đỗ có ngâm hóa chất 6-Benzylaminopurine; trung bình mỗi ngày nhóm này bán ra thị trường 8- 10 tấn giá đỗ chứa chất cấm.
Nhóm người trên thừa nhận biết rõ hoạt chất 6-Benzylaminopurine là chất cấm nhưng vẫn sử dụng vì lợi nhuận. Sau mỗi lần sử dụng hóa chất cấm, những người này cất giấu vào phòng ngủ, tầng hầm để tránh sự phát hiện của cơ quan chức năng.
Phòng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh Đắk Lắk, nhóm người trên dùng hoạt chất 6-Benzylaminopurine pha vào nước ngâm ủ làm giá đỗ, với mục đích làm cho rễ cây giá ngắn lại, thân cây giá to, mập, tăng trọng lượng, có hình thức đẹp.
Tỉ lệ pha trộn là 400 ml hoạt chất 6-Benzylaminopurine với 1.000 lít nước giếng, đủ để tưới cho ra khoảng 2 tấn giá đỗ.
Theo Phạm Trang (Nguoiduatin.vn)