Xung quanh chúng ta có đủ loại hóa chất khác nhau, từ những thứ cần thiết hàng ngày như dầu gội đầu và kem đánh răng, cho đến nước hoa. Tất cả những thứ này đều chứa hóa chất và nếu không cẩn trọng khi dùng có thể ảnh hưởng tới sức khỏe.
Liu Boren, một chuyên gia về dinh dưỡng di truyền và y học chức năng người Đài Loan cho biết, gần đây có một người phụ nữ ăn mặc rất thời trang, người thơm nức mùi nước hóa tới để kiểm tra chất hóa dẻo trong cơ thể.
Không ngờ kết quả xét nghiệm sau đó phát hiện hàm lượng benzophenone quá cao trong cơ thể người phụ nữ, cao gấp 698 lần so với tiêu chuẩn. Loại hóa chất này có thể gây rối loạn nội tiết, ảnh hưởng đến các cơ quan nội tạng đặc biệt là vú và phổi.
Bác sĩ cũng yêu cầu bệnh nhân không dùng sữa tắm mà dùng xà phòng thay thế, ít xịt nước hoa hơn, thay các sản phẩm chống nắng và uống nhiều nước hơn.
Tác hại của chất benzophenone
Benzophenone được sử dụng trong các sản phẩm chăm sóc cá nhân như kem chống nắng, son dưỡng môi chứa SPF và sơn móng tay để bảo vệ sản phẩm khỏi tia UV. Các dẫn xuất của benzophenone, như benzophenone-2 (BP2) và oxybenzone (benzophenone-3 hoặc BP3) là những thành phần phổ biến trong kem chống nắng.
Benzophenone bền, tích lũy sinh học và độc hại. Những hóa chất này có thể bắt chước hormone gây rối loạn nội tiết tố và hệ sinh sản, gây dậy thì sớm ở bé gái, ít tinh trùng ở nam giới. Ngoài ra, chất hóa học này còn làm tăng nguy cơ ung thư ở nam và nữ, gây nhiễm độc hệ cơ quan. Chất này tích tụ trong mô mỡ gây dị ứng.
12 cách để giảm tiếp xúc với kích thích tố môi trường
Bác sĩ Liu Boren cho biết chìa khóa để tránh các loại hóa chất trong môi trường là giảm tiếp xúc với nguồn ô nhiễm. Bác sĩ đề xuất mọi người cần thực hiện những gợi ý sau đây:
1. Tránh dùng túi ni lông để đựng thức ăn nóng.
2. Dùng ít sữa tắm để tắm.
3. Không lạm dụng các sản phẩm trang điểm và dưỡng da.
4. Ít sử dụng các loại tinh chất lạ và tinh dầu.
5. Ăn ít thực phẩm chế biến sẵn.
6. Vui lòng tham khảo ý kiến chuyên gia khi ăn thực phẩm tốt cho sức khỏe.
7. Cố gắng không sử dụng thuốc trừ sâu.
8. Sử dụng sản phẩm kem chống nắng vật lý. Theo bác sĩ Li Boren, thành phần chính của các sản phẩm kem chống nắng vật lý là oxit kẽm hoặc titan, có thể ngăn chặn hiệu quả tia cực tím của ánh nắng mặt trời khi thoa đều trên da.
9. Ăn ít đồ hộp.
10. Đảm bảo rửa tay sau khi chạm vào giấy cảm biến nhiệt hoặc đồ chơi bằng đất sét.
11. Nội thất nên được trang trí bằng vật liệu thân thiện với môi trường và không gây ô nhiễm.
12. Đặt máy lọc không khí ở nhà.
13. Hãy chú ý đến thông tin của ứng dụng chất lượng không khí khi bạn ra ngoài.
Ngoài những lưu ý trên, có một điều mọi người cần đặc biệt chú ý là việc sử dụng đồ nhựa. Huang Shigang, bác sĩ trưởng Khoa Nội tiết Nhi tại Phòng khám Tăng trưởng Trẻ em Ai Kwan, Đài Loan cũng cảnh báo rằng các sản phẩm nhựa có mặt ở khắp mọi nơi, ngay cả trong những hộp giấy mà mọi người dùng đựng thức ăn.
Bác sĩ Huang Shigang giải thích rằng các sản phẩm giấy đơn giản không thể giữ nước hoặc dầu, lý do tại sao hộp cơm giấy có thể đựng thức ăn có dầu và nước là do trên bề mặt hộp giấy có một màng nhựa gọi là "màng phủ" không thấm nước, có thể chống dầu.
Mặc dù lớp màng này có khả năng chịu nhiệt nhất định, nhưng khi hộp giấy đựng thức ăn được cho vào lò vi sóng để làm nóng, những phần thức ăn nhiều chất béo và các giọt dầu thấm ra ngoài sẽ gây nóng không đều, và nhiệt độ dầu có thể làm nhiệt độ tăng quá mức hộp giấy có thể chịu được.
Nếu quy trình sản xuất hộp giấy không được kiểm soát chặt chẽ và lớp phủ có chứa các kích thích tố môi trường hòa tan trong chất béo như chất làm dẻo, thì khi nhiệt độ quá cao khiến lớp phủ bị hỏng, các kích thích tố môi trường sẽ hòa tan vào chất béo của thực phẩm, từ đó xâm nhập vào cơ thể. Như vậy, lò vi sóng sẽ trở thành "chiếc máy in" các chất hóa dẻo, in chất độc vào thực phẩm.
Do đó, thức ăn dù đựng trong hộp giấy cũng không nên dùng trong lò vi sóng.
Theo Minh Minh (Phụ Nữ & Pháp Luật)