Cùng với Diêm Thống Nhất, mỳ 2 tôm Miliket hay Cao Sao Vàng... quạt điện Thống Nhất là một trong số ít thương hiệu từ xưa vẫn còn hiện diện tới ngày nay.
Tiền thân là Xí nghiệp Điện khí Thống Nhất được thành lập cách đây 53 năm từ 1965, thương hiệu quạt điện Cơ điện Thống Nhất - Vinawind đã gắn bó với nhiều gia đình Việt Nam từ thời kỳ kháng chiến cho tới tận ngày nay.
Hiện tại, chủ sở hữu lớn nhất tại thương hiệu quạt điện một thời này chính là UBND TP Hà Nội với việc nắm giữ 46,9% vốn điều lệ của công ty. Tuy nhiên, mới đây, TP đã rao bán đấu giá toàn bộ số vốn nắm giữ tại thương hiệu này.
Cụ thể, Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) đã cho biết UBND Thành phố Hà Nội sẽ đưa toàn bộ 6,7 triệu cổ phần, tương đương 46,9% vốn nắm giữ tại CTCP Cơ điện Thống Nhất - Vinawind ra bán đấu giá. Đây cũng là toàn bộ số vốn mà UBND TP Hà Nội nắm giữ.
Mức giá khởi điểm cho mỗi cổ phần của Cơ điện Thống Nhất được đưa ra là 42.400 đồng/cổ phần, như vậy, Hà Nội dự kiến thu về số tiền trên 284 tỷ đồng từ đợt đấu giá lần này. Phiên đấu giá sẽ diễn ra vào ngày 30/3 tại Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội.
Cơ điện Thống Nhất thành lập trên cơ sở sáp nhập 2 bộ phận sản xuất quạt điện của 2 xí nghiệp công tư hợp doanh Điện Thông và Điện cơ Tam Quang, hiện công ty có vốn điều lệ 143 tỷ đồng.
Tính đến cuối năm 2017, ngoài UBND TP Hà Nội, Cơ điện Thống Nhất còn có sự hiện hữu của 3 cổ đông lớn khác là Tổng công ty Cổ phần Bảo hiểm Sài Gòn - Hà Nội nắm giữ 20,98% vốn; Tổng công ty Cổ phần Bảo hiểm hàng không sở hữu 19,24% vốn và bà Nguyễn Hoàng Yến nắm giữ 6,7% vốn còn lại các cổ đông khác sở hữu 6,18%.
Trong năm vừa qua, Cơ điện Thống Nhất thu về 938 tỷ đồng doanh thu, tăng nhẹ 3% so với năm 2016. Sau khi trừ các chi phí, công ty thu về khoản lợi nhuận ròng sau thuế 67 tỷ đồng. Tính đến cuối năm 2017, công ty cũng có khoản lãi lũy kế lên tới 74 tỷ đồng.
Công ty có tổng tài sản khoảng 523 tỷ đồng, tăng hơn 100 tỷ so với đầu năm do trong kỳ công ty đã đi vay tài chính ngắn hạn tăng hơn 105 tỷ đồng. Hiện tại, công ty có khoản nợ phải trả là 305 tỷ đồng, trong đó hơn 250 tỷ đồng là nợ vay tài chính ngắn hạn và khoảng 1 tỷ đồng nợ vay dài hạn.
Trong năm 2018, Cơ điện Thống Nhất đặt mục tiêu thu về 998 tỷ đồng doanh thu và khoản lợi nhuận sau thuế trên 67 tỷ đồng.
Ngoài việc là thương hiệu quạt điện nổi tiếng từ xưa đến nay, Cơ điện Thống Nhất còn đang sở hữu một vài khu đất giá trị tại Hà Nội và Hà Nam như lô đất hơn 29.000 m2 tại số 164 Nguyễn Đức Cảnh, Hoàng Mai, Hà Nội do Nhà nước cho thuế trả tiền hàng năm trong thời hạn 40 năm kể từ năm 2005 và lô đất rộng gần 50.000 m2 tại KCN Đồng Văn II, Duy Tiên, Hà Nam là đất để sản xuất và kho bãi với hạn sử dụng đến năm 2056.
Theo Quang Thắng (Tri Thức Trực Tuyến)