Tại cuộc họp Ban chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp ngày 31/1, ông Nguyễn Hồng Long – Phó trưởng ban chuyên trách Ban chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp cho biết, năm 2017 cả nước đã thoái được 8.915 tỷ đồng theo giá trị sổ sách, thu về 139.385 tỷ đồng, trong đó thoái vốn tại Sabeco thu về gần 110.000 tỷ, Vinamilk thu về 8.990 tỷ. “Nghĩa là một đồng vốn Nhà nước bán ra thu về 15,52 đồng”, ông Long ví von.
Tổng thu từ cổ phần hoá, thoái vốn nộp về ngân sách năm 2017 gần 144.600 tỷ đồng, gấp 2,4 lần so với chỉ tiêu 60.000 tỷ đồng Quốc hội giao. Trong đó, khoản thu từ cổ phần hoá gần 5.200 tỷ đồng và thoái vốn 139.385 tỷ.
Hai năm (2016 – 2017) đã có 124 doanh nghiệp được phê duyệt phương án cổ phần hoá với tổng giá trị thực tế phần vốn Nhà nước khoảng 185.000 tỷ đồng. Riêng năm 2017, giá trị vốn Nhà nước tại doanh nghiệp cổ phần hoá được xác định lại là 160.083 tỷ đồng, gấp 6,34 lần con số năm 2016.
Chỉ ra những khó khăn trong quá trình cổ phần hoá, ông Long nhìn nhận, nhiều doanh nghiệp chưa chủ động rà soát toàn bộ diện tích đất đang quản lý, sử dụng để lập phương án sử dụng đất theo quy định pháp luật đất đai để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt; quá trình xác định lại giá trị doanh nghiệp của Kiểm toán Nhà nước gặp nhiều khó khăn, kéo dài...
Nhắc lại quan điểm của Chính phủ, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ đề nghị việc xác định giá trị đất của doanh nghiệp phải hoàn thành trước khi cổ phần hoá để tránh thất thoát vốn Nhà nước, doanh nghiệp lợi dụng để kinh doanh vào mục đích riêng.
Nêu lại kết quả thoái vốn tại Sabeco khi bán 53,59% thu về gần 110.000 tỷ đồng (tương đương 5 tỷ USD), Phó thủ tướng cho rằng, kết quả này có được nhờ việc đưa cổ phiếu lên sàn trước khi thoái vốn. Cuối năm 2016 định giá Sabeco chỉ khoảng 3 tỷ USD, nhưng sau khi đưa cổ phiếu lên sàn giá trị đã tăng lên nhiều. Mới thoái 53,59% đã thu về 5 tỷ USD, còn nếu bán hết thì có thể lên tới 10 tỷ USD. "Trong vòng một năm giá trị đã tăng lên 6-7 tỷ USD, làm gì ra được ngoài việc công khai đưa cổ phiếu lên sàn", Phó thủ tướng đánh giá.
Câu chuyện thoái vốn tại Sabeco cũng là chủ đề được bàn thảo nhiều tại cuộc gặp giữa Phó thủ tướng với các nhà đầu tư bên lề Diễn đàn Kinh tế thế giới Davos (Thuỵ Sỹ) vừa kết thúc.
"Câu chuyện nhắc nhiều nhất khi gặp các nhà đầu tư là họ chúc mừng chiến thắng của đội tuyển U23 Việt Nam và thoái vốn tại Sabeco được coi là hình mẫu điển hình trong cổ phần hoá, bán vốn Nhà nước", ông kể.
Nói thêm về khoản tiền Nhà nước thu về từ bán vốn Sabeco, Phó thủ tướng khẳng định, tiền bán vốn này sẽ đưa về ngân sách Nhà nước, bổ sung vào 2 triệu tỷ đồng đầu tư công trung hạn, dùng chi cho đầu tư phát triển, Chính phủ không được tiêu đồng nào.
Hơn 47,3% doanh nghiệp kinh doanh có lãi
Theo báo cáo, số lượng doanh nghiệp Nhà nước giảm 24 lần so với cách đây hơn 20 năm, từ 12.000 doanh nghiệp năm 1986 xuống còn 500 đơn vị năm 2017, nắm giữ 11 lĩnh vực then chốt, cung cấp sản phẩm, dịch vụ công ích thiết yếu cho xã hội và quốc phòng, an ninh. 3 năm nữa, dự kiến số doanh nghiệp Nhà nước sẽ giảm về còn 150, chủ yếu là các công ty xổ số, công ích và 3 tập đoàn Điện lực, Dầu khí, Viettel.
Số doanh nghiệp làm ăn có lãi năm 2017 là 47,3%, tăng hơn 17% so với trước đây. Bóc tách số liệu, các doanh nghiệp Nhà nước có tỷ lệ kinh doanh có lãi cao nhất là 83,5%, ngoài trừ 2 doanh nghiệp lỗ là Tổng công ty Công nghiệp tàu thuỷ (SBIC) khi phải gánh tồn đọng tài chính, vốn vay từ thời kỳ trước và Tổng công ty Lương thực miền Nam (Vinafood 2). Số doanh nghiệp FDI có lãi là 54,4% và doanh nghiệp tư nhân 47%.
Về tỷ lệ đóng thuế thu nhập doanh nghiệp, doanh nghiệp Nhà nước vẫn chiếm tỷ lệ cao nhất 83,9%; doanh nghiệp FDI là 75,2% và khối tư nhân thấp nhất 73,3%.
Cho rằng năm 2018 là cao điểm của cổ phần hoá, sắp xếp và thoái vốn tại các doanh nghiệp Nhà nước, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ yêu cầu, song song với việc lập Uỷ ban quản lý vốn Nhà nước vào quý I/2018, các bộ, ngành "dứt khoát không được buông tay với những doanh nghiệp thuộc quản lý sở hữu để kết quả quá trình này cao nhất".
Theo Anh Minh (VnExpress.net)