Có thể nói động thái đột ngột gỡ trần tỷ giá hối đoái của Ngân hàng Trung ương Thụy Sỹ ngày 15/1 thuộc loại "vô tiền khoáng hậu".
Hầu như chưa bao giờ đồng tiền của một quốc gia phát triển lại gồng mình tăng 2 con số so với rổ tiền tệ chỉ trong vài giờ.
Điều này lại xảy ra với franc Thụy Sỹ vào thứ Năm ngày 15/1. Chỉ trong phiên giao dịch buổi sáng, franc tăng giá 18% so với euro, trước đó có thời điểm tỷ lệ này đạt tới 39%.
Sự kiện này chưa từng có tiền lệ trên thị trường tài chính thời hiện đại, các nhà chiến lược tiền tệ cho biết.
"Quân bài tẩy"
Trường hợp của SNB cho thấy tính bất ổn trong các chính sách tiền tệ toàn cầu. Tuy nhiên, cùng lật lại lịch sử để tìm nguyên nhân cho bước đi này.
Quay ngược về thời khủng hoảng nợ eurozone năm 2011. Nếu thuộc tầng lớp thượng lưu hoặc chủ doanh nghiệp tại các quốc gia như Hy Lạp hay Ý, thậm chí Pháp và Đức, bạn sẽ run rẩy với nỗi lo euro thả dốc, ngân hàng nội địa đứng thế chân tường.
Lúc này, lựa chọn khôn ngoan nhất là đáp máy bay đi Zurich hoặc Geneva, gửi tiền tiết kiệm vào một ngân hàng Thụy Sỹ.
Giữa bối cảnh âm u chung của cơn hoảng loạn toàn cầu, nhiều quốc gia ngoài châu Âu cũng viện tới biện pháp này như Nga, Trung Đông, Trung Quốc…
Ai cũng muốn gửi tiền vào Thụy Sỹ, quốc gia vỏn vẹn 8 triệu dân. Điều này tạo gánh nặng lên đồng franc. Từ đầu năm 2010 đến giữa 2011, giá trị franc tăng 44% so với euro.
|
Lượng euro gửi ngân hàng cao tạo gánh nặng lên đồng franc. |
Giờ, đến lượt các công ty nội địa Thụy Sỹ bị dồn góc. Nặng nề nhất có thể kể đến các công ty sản xuất đồng hồ, y dược và du lịch. Khách hàng quốc tế quay lưng với những sản phẩm đắt hơn tới 44% tại nước này.
Ngân hàng Trung ương Thụy Sỹ bèn ra tay. Sau nhiều nỗ lực cắt lãi suất nhưng không phát huy tác dụng, định chế dùng "quân bài tẩy".
SNB neo tỷ giá franc với euro, thông báo sẽ không để franc vượt mức 1,2 euro đổi 1 franc.
Để bảo vệ tỷ giá, SNB tham gia vào thị trường hối đoái, mua vào euro "số lượng không hạn chế" khi cần thiết.
Chính sách này phát huy tác dụng trong 3 năm rưỡi.
Chữa cháy
Nhưng giờ, khi Ngân hàng Trung ương châu Âu đang xem xét các biện pháp nới lỏng quyết liệt, tiến tới bơm tiền vào eurozone để vực dậy nền kinh tế ảm đạm, thì euro đối diện triển vọng sụt giá.
Chủ yếu là do trong bối cảnh kinh tế châu Âu ảm đạm thì Mỹ lại vượt lên phục hồi, vực đồng USD đi lên, song song kế hoạch tăng lãi suất của Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed).
Từ đó, càng khó có thể duy trì mức tỷ giá 1,2 euro/franc. Đến ngày 15/1, không hề báo trước, SNB đưa ra thông cáo "giương cờ trắng": Thả nổi đồng franc.
|
Người dân đứng xem tỷ giá trước ngân hàng UBS tại Thụy Sỹ. |
Cùng lúc, SNB cố gắng hạn chế đà tăng của đồng nội tệ bằng cách giảm lãi suất tiền gửi về mức -0,7% trong ngắn hạn. Điều này sẽ hạn chế các tay đầu cơ dự trữ franc, biện pháp đã được áp dụng vào thập kỷ 70.
Nhưng nhìn biểu đồ leo dốc chóng mặt của đồng tiền này, khó có thể nói biện pháp chữa cháy trên phát huy tác dụng.
Lý giải cho động thái này, nhà chiến lược tiền tệ tại ngân hàng Société Générale nói việc liên tục mua vào euro để ghìm cương đồng nội tệ là một phương án vô lý. Không ngoại trừ khả năng lượng euro chất chồng trong SNB đang trở thành một gánh nặng nợ nần.
Nhiều chuyên gia khác lại dự đoán áp lực chính trị đã buộc Thụy Sỹ xóa bỏ chính sách này.
Tháng 11/2014, có một dự thảo đề xuất SNB cần giữ 20% giá trị tài sản dưới dạng vàng, có thể khiến định chế này khó duy trì trần tỷ giá. Tuy nhiên chiến dịch này đã bị bác bỏ.
Bội ước
"Đưa ra quyết định này, uy tín của Ngân hàng Trung ương Thụy Sỹ đang bị đe dọa nghiêm trọng, khi trước đây định chế này luôn khẳng định tự tin đủ khả năng duy trì trần tỷ giá", ông Alessandro Bee, nhà kinh tế tại ngân hàng Sarasin, Thụy Sỹ nhận xét.
Mới thứ Hai, ông Jean-Pierre Danthine, Phó chủ tịch SNB còn quả quyết: "sàn tỷ giá là xương sống của chính sách tiền tệ của ngân hàng. SNB sẽ bảo vệ tỷ giá này bằng mọi cách".
Vậy mà đến thứ Năm, Chủ tịch SNB, ông Thomas Jordan đã phủ nhận franc được thả nổi châm ngòi "phản ứng hoảng loạn trên thị trường", khẳng định trần tỷ giá là không bền vững, cần được dỡ bỏ.
"Nếu quyết định xóa sổ những chính sách như trên, bạn không còn cách nào khác ngoài âm thầm hành động", ông Jordan thẳng thắn nói.
Công ty tư vấn Capital Economics ước tính 60% nhà xuất khẩu Thụy Sỹ vào thị trường châu Âu và Mỹ sẽ bị ảnh hưởng do giá sản phẩm giảm tính cạnh tranh. UBS ước tính kim ngạch xuất khẩu bị tác động đạt mức 0,7% GDP cả nước.
Hàng nhập khẩu rẻ đổ vào Thụy Sỹ có thể đè nặng lên tỷ lệ lạm phát yếu ớt, vốn chỉ ở mức -0,3%.
Trong những tác động tức thời, thị trường chứng khoán Thụy Sĩ với đa số các công ty niêm yết của các doanh nghiệp xuất khẩu của nước này đã rơi tự do. Đến 12 giờ 30 giờ địa phương, thị trường chứng khoán Thụy Sỹ bị rớt 12,04%.
Giảm mạnh nhất là cổ phiếu của các hãng đồng hồ cao cấp như Breguet, Longines, Tissot, hay cổ phiếu của Richemon...
|
Ông Thomas Jordan, Chủ tịch Ngân hàng Trung ương Thụy Sỹ.
|
Các cổ phiếu của những công ty trên đều mất từ 15,65% đến 16,29% giá trị. Hay nói một cách khác do đồng franc tăng giá mà các sản phẩm xa xỉ của các hãng nói trên đều tăng từ 20 đến 30% ở nước ngoài.
Tài sản đột ngột "bốc hơi" sau một phiên giao dịch, nhiều nhà đầu tư đã bày tỏ thái độ oán thán với SNB. Nhưng một số khác thể hiện sự thông cảm với SNB, khi họ không còn lựa chọn nào khả dĩ hơn.
Từ câu chuyện của ngân hàng Thụy Sỹ, có thể rút ra bài học lớn: 6 năm giới chức Ngân hàng Trung ương khắp châu Âu và Mỹ đua nhau nới lỏng tiền tệ đã vực dậy thành công nền kinh tế thế giới nhiều lần.
Nhưng nó cũng tạo ra những tác động tràn vượt biên giới Mỹ và EU, vươn tới những chính phủ, định chế, công ty, người dân tại khắp nơi trên thế giới.
Theo Lê Phương (Bizlive.vn)