Thu “khủng” mùa dịch…
Những ngày qua, chuỗi siêu thị Bách Hóa Xanh đang trở thành tâm điểm chu ý của dư luận khi xuất hiện hàng loạt bài đăng "tố" tăng giá sản phẩm giữa dịch COVID-19. Thậm chí, nhiều người còn phản ánh việc một số chi nhánh Bách Hóa Xanh có giá một đằng, tính tiền một nẻo, cân sai, bán đắt hơn so với bên ngoài…
Bách Hóa Xanh sau đó đã có văn bản gửi tới khách hàng và cổ đông, giải thích lý do tăng giá. Phía Công ty khẳng định không có chủ trương tăng giá bán lẻ để kiếm lời trong giai đoạn dịch bệnh. Tuy nhiên, không thể giữ giá bán như trước đợt dịch đối với một số mặt hàng do nhiều nguyên nhân…
Dù vậy, nhiều luồng ý kiến từ phía dư luận vẫn bày tỏ sự không đồng tình trước cách giải thích của Bách Hóa Xanh. Các ý kiến đều nhất quyết cho rằng, Bách Hóa Xanh đã thu lợi “khủng” những ngày giãn cách do tăng giá bán đồ thiết yếu gây ảnh hưởng lớn cho người tiêu dùng?
Khi lùm xùm nói trên chưa kịp lắng xuống, thì ngày 17/7, sự việc cửa hàng Bách Hóa Xanh ở số 481 Trần Hưng Đạo, khóm 8, phường 3, TP Sóc Trăng bán một số mặt hàng cao hơn so với giá niêm yết và bị Cục Quản lý thị trường lập biên bản càng tăng thêm sự phẫn nộ cho dư luận. Bởi các ý kiến cho rằng, điều này đã minh chứng phần nào thông tin phản ánh của khách hàng về việc Bách Hóa Xanh tăng giá sản phẩm giữa dịch COVID-19 là có sơ sở.
Đối với một số mặt hàng có giá cao hơn niêm yết cụ thể: Sản phẩm cháo tươi thịt thăn, niêm yết 13.500 đồng/gói, bán ra 14.600 đồng/gói; sản phẩm cháo yến vị thịt bằm, niêm yết 9.800 đồng/gói, bán ra 10.300 đồng/gói; sản phẩm cháo tươi gà cà rốt, niêm yết 19.000 đồng/gói, bán ra 19.600 đồng/gói; sản phẩm cháo tươi lươn đậu xanh, niêm yết 22.500 đồng/gói, bán ra 24.000 đồng/gói; sản phẩm cháo tươi rau củ thập cẩm, niêm yết 14.500 đồng/gói, bán ra 20.000 đồng/gói.
Bên cạnh lùm xùm tăng giá, dư luận còn khá chú ý đến hoạt động kinh doanh của Bách Hóa Xanh.
Theo tìm hiểu của PV, năm 2020 Bách Hóa Xanh có tốc độ mở chuỗi và tăng trưởng doanh thu nổi bật trên thị trường. Cụ thể, năm 2020 chuỗi mở thêm 700 cửa hàng, trung bình mỗi tháng mở thêm 58 cửa hàng mới. Có những thời gian cao điểm như tháng 5/2020, chuỗi này mở tới 131 cửa hàng, tháng 6/2020 mở 121 cửa hàng.
2 năm trước, Bách Hoá Xanh chỉ đóng vai trò khá khiêm tốn với mức đóng góp vào doanh thu của Tập đoàn vào tháng 5/2019 chỉ ở mức 7,3%. Thời điểm này, Bách Hoá Xanh được giao nhiệm vụ mở rộng mạng lưới, tăng doanh thu trên từng cửa hàng và đạt điểm hòa vốn.
Đến tháng 5/2021, chuỗi này tăng gấp 3,3 lần số cửa hàng so với 5/2019, lần đầu tiên doanh thu vượt mốc 2.500 tỷ đồng, tăng 19% so tháng 4 và tăng 56% so với cùng kỳ 2020.
Theo giải tích của Thế giới di động, doanh thu trung bình trên mỗi cửa hàng trong tháng này đạt hơn 1,35 tỷ đồng, một phần do nhu cầu tích trữ hàng hóa thiết yếu của người dân tăng mạnh trước các đợt giãn cách xã hội.
Kênh Bách Hóa Xanh online tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ về cả số lượng đơn hàng và doanh thu đóng góp. Số lượng và giá trị giao dịch của Bách Hóa Xanh online trong 5 tháng đầu năm 2021 gấp lần lượt là 4,8 lần và 3,9 lần số lượng và giá trị giao dịch trên kênh này cùng kỳ năm 2020.
Như vậy, trong 5 tháng đầu năm 2021 Bách Hoá Xanh đã đóng góp lên tới 20,5% (khoảng 10.600 tỷ đồng) cơ cấu doanh thu toàn Tập đoàn Thế giới di động.
Tính đến thời điểm 31/5/2021, Bách Hoá Xanh có tổng cộng 1.851 điểm bán (tăng 48 cửa hàng trong tháng 5) tại 25 tỉnh thành. Theo phạm vi phân bố, 70% số cửa hàng hoạt động ở tỉnh, so với tỷ lệ 65% cùng kỳ năm trước.
… vẫn xin giảm giá 50% thuê mặt bằng
Thực tế, Bách Hóa Xanh đang đi lên mạnh mẽ khi đạt doanh thu “khủng” mùa dịch và đóng góp tới 20,5% tổng doanh thu toàn Công ty. Tuy nhiên, điều khiến dư luận không khỏi ngỡ ngàng là Công ty này lại có công văn gửi tới đối tác với nội dung hỗ trợ chi phí mặt bằng trong giai đoạn dịch bệnh bùng phát.
Theo công văn được lan truyền trên mạng, Bách Hóa Xanh nêu dịch COVID-19 diễn ra và tăng mạnh trong vài tuần vừa qua đến nay, khiến chính phủ các cơ quan phải thực hiện lệnh cách ly, giãn cách xã hội trên diện rộng. Nhiều cửa hàng phải tạm dừng/đóng cửa, thu nhập giảm sút, tỷ lệ thất nghiệp tăng cao.
Điều này dẫn tới mức chi tiêu của người dân trong giai đoạn này bị hạn chế, đồng thời người dân phải cách cách ly ở nhiều nơi dẫn đến sức mua giảm, hàng hóa gặp nhiều khó khăn trong việc vận chuyển để tiêu thụ.
Trong công văn, Bách Hóa Xanh nhấn mạnh: "Chúng tôi cũng không nằm ngoài tầm ảnh hưởng khó khăn chung của dịch bệnh, mặc dù Ban giám đốc và nhân viên của Bách Hóa Xanh đã tìm kiếm nhiều giải pháp để tiếp tục phát triển, cắt giảm chi phí, đẩy mạnh hàng hóa".
Do đó, Bách Hoá Xanh mong muốn đối tác chia sẻ giảm 50% giá thuê trên mỗi tháng với thời gian trong vòng một năm để xử lý các ảnh hưởng từ dịch bệnh.
Ngay sau khi công văn xuất hiện tiếp tục nhận được sự quan tâm của đông đảo dư luận. Tuy nhiên, các ý kiến đều cho rằng, tại thời điểm cả nước đang bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 nhưng siêu thị Bách Hóa Xanh vẫn bán “cháy hàng” mà lại đi xin giảm tiền thuê mặt bằng như vậy là không hợp lý?
“Bách Hóa Xanh xin giảm thuê mặt bằng để bán hàng “cắt cổ” và lợi nhuận nhiều thêm nữa chăng?”, một khách hàng đặt câu hỏi. Cùng với đó, một khách hàng khác cho rằng: “Xin giảm giá mặt bằng mà Bách Hóa Xanh không giảm giá bán sản phẩm cho khách hàng thì không ai chấp nhận”.
“Thật là hài hước. Xin giảm 50% tiền thuê mặt bằng, trong khi tiền bán hàng của Bách Hóa Xanh tăng chóng mặt”, khách hàng N.K.O chia sẻ.
Theo Khánh Hoài (Kienthuc.net.vn)