Trong tử vi phương Đông, Rồng là biểu tượng tham vọng và thống trị. Loài vật tưởng tượng này cũng linh thiêng và được kính trọng nhất trong số mười hai con giáp. Do đó, những người sinh vào năm Thìn (1952, 1964, 1976, 1988) cũng được cho rằng luôn tràn đầy năng lượng và sức mạnh, dễ đạt được giàu có và quyền lực.
Nhân dịp đầu năm mới Giáp Thìn 2024, hãy cùng điểm qua một số gương mặt "banker" tiêu biểu sinh năm Thìn:
Chủ tịch BIDV – Phan Đức Tú
Ông Phan Đức Tú sinh ngày 22/12/1964 (Giáp Thìn) tại xã Quỳnh Thiện, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An. Ông Tú tốt nghiệp với bằng thạc sĩ kinh doanh, còn có cử nhân Luật và cử nhân Học viện Ngân hàng. Ông Phan Đức Tú gia nhập BIDV từ năm 1987 với vai trò Phó Giám đốc, sau đó thăng lên làm Giám đốc BIDV Chi nhánh Quảng Ngãi kiêm Giám đốc Ban Tổ chức cán bộ BIDV.
Bên cạnh đó, ông Tú còn đảm nhiệm chức vụ Phó Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Liên doanh Lào - Việt; ông cũng là Thành viên HĐQT Công ty TNHH đầu tư và phát triển Campuchia (IDDC); tại Công ty TNHH hai thành viên đầu tư phát triển Quốc tế ông Tú cũng là Thành viên HĐQT kiêm Giám đốc điều hành. Từ tháng 12/1998 đến tháng 02/2005, ông Phan Đức Tú được bầu làm chức vụ Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng đầu tư và phát triển Quảng Ngãi.
Từ tháng 3/2005, ông giữ chức vụ Giám đốc Ban tổ chức cán bộ - BIDV trong 2 năm; kiêm nhiệm Phó Tổng giám đốc Ngân hàng đầu tư và phát triển Việt Nam từ tháng 6/2007 đến ngày 30/4/2012. Kể từ ngày 01/05/2012, ông Phan Đức Tú đảm nhiệm chức vụ Thành viên Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP đầu tư và phát triển Việt Nam.
Ngày 15/11/2018, ông Tú chính thức được bổ nhiệm làm Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng TMCP đầu tư và phát triển Việt Nam. Ngay khi trở thành lãnh đạo cao nhất của BIDV, ông Phan Đức Tú cũng đã được NHNN cử làm người đại diện 40% vốn nhà nước tại BIDV và trong nhiệm kỳ 2015 - 2020 ông được phê chuẩn giữ chức Bí thư Đảng ủy BIDV.
Ngay sau khi nhậm chức, chữ ký quyền lực đầu tiên mà ông Phan Đức Tú ký chính là nghị quyết của đại hội đồng cổ đông lần thứ nhất thông qua phương án chào bán cổ phần cho KEB Hana Bank (Hàn Quốc). Nhờ chữ ký này, BIDV đã được tăng vốn cổ phần từ hơn 34.187 tỷ đồng lên hơn 40.220 tỷ đồng. Kể từ khi "cầm lái" Chủ tịch Phan Đức Tú đã giúp BIDV có nhiều chuyển biến tích cực, thể hiện qua hàng loạt con số "biết nói".
Đến cuối năm 2023, tổng tài sản BIDV vượt 2,3 triệu tỷ đồng, đứng đầu ngành ngân hàng và bỏ xa các ông lớn trong ngành như VietinBank (2,033 triệu tỷ đồng), Agribank (2 triệu tỷ đồng), Vietcombank (1,839 triệu tỷ đồng).
Trong năm 2023, dư nợ cho vay khách hàng của BIDV tăng tới 16,8% - cao hơn nhiều với tốc độ tăng trưởng chung của toàn ngành ngân hàng (13,71%) và đạt mức kỷ lục trong lịch sử nhà băng này là 1,778 triệu tỷ. Tiền gửi khách hàng cũng tăng tới 15,7%, lên trên 1,704 triệu tỷ đồng.
Ông Nguyễn Đức Thụy – Chủ tịch LPBank
Ông Nguyễn Đức Thụy sinh năm 1976 (Bính Thìn) tại Ninh Bình và tốt nghiệp Trường Đại học Bang Colorado (Colorado State University – Hoa Kỳ).
Được biết đến là người con xuất sắc nhất của người sáng lập Tập đoàn Xuân Thành - Nguyễn Xuân Thành, ông Nguyễn Đức Thụy là doanh nhân có tiếng trên thị trường.
Trước khi gia nhập ngành ngân hàng với cương vị Phó Chủ tịch LienVietPostBank hồi tháng 5/2021, ông Nguyễn Đức Thụy từng lãnh đạo nhiều doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực khác nhau, từ tài chính, chứng khoán đến thể thao, xi măng, năng lượng…
Năm 2007, ông Thụy nhậm chức Chủ tịch HĐQT công ty từ người cha doanh nhân và đến năm 2015, doanh nghiệp đổi tên thành Thaigroup như hiện tại. Năm 2011, ông Thụy là Chủ tịch CLB Bóng đá Sài Gòn Xuân Thành và Chủ tịch Công ty Chứng khoán Xuân Thành. Năm 2012, 2013, ông Thụy tiếp tục làm Chủ tịch Công ty Xi măng Xuân Thành Hà Nam, Chủ tịch Công ty Xi măng Xuân Thành Quảng Nam.
Năm 2016, ông Nguyễn Đức Thụy ghi dấu ấn với việc tiếp quản Công ty CP Kim Liên, đơn vị sở hữu Khách sạn Kim Liên với cương vị Chủ tịch. Năm 2017, 2018, ông đảm nhiệm chức vụ Phó chủ tịch Công ty Điện Mặt trời Xuân Thiện Ninh Thuận, Điện Mặt trời Xuân Thiện Đắk Lắk. Năm 2019, ông là Chủ tịch Tập đoàn Thaiholdings.
LPBank bầu ông Thụy vào Hội đồng quản trị của LienVietPostBank năm 2021 với mong muốn có thêm hệ thống mạng lưới khách hàng tiềm năng từ hệ sinh thái của Tập đoàn Xuân Thành.
Đến cuối năm 2022, ông Nguyễn Đức Thụy được bầu làm Chủ tịch HĐQT LPBank.
Năm 2023, vượt lên những thách thức của nền kinh tế, LPBank hoàn thành mục tiêu kinh doanh được Đại hội đồng cổ đông giao phó với mức tăng trưởng tín dụng đạt 16,83%, huy động tăng 13,7%, lợi nhuận đạt hơn 7.000 tỷ đồng, nợ xấu giảm về mức 1,34% - lọt top các ngân hàng có nợ xấu thấp nhất toàn ngành.
Bà Trần Tuấn Anh – Tổng Giám đốc VietBank
Bà Trần Tuấn Anh sinh năm 1976 (Bính Thìn), có 25 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng và từng giữ nhiều chức vụ từ quản lý đến điều hành, quản trị tại các tổ chức tín dụng.
Bà Trần Tuấn Anh có trình độ Cử nhân Tài chính Ngân hàng, Thạc sĩ Luật trường Đại học Luật TP. HCM. Bà từng là Phó phòng dịch vụ địa ốc, Trưởng ban Pháp chế tại HDBank; Trợ lý Tổng giám đốc kiêm Trưởng phòng Pháp chế, Thành viên HĐQT chuyên trách kiêm Phó tổng giám đốc tại Ngân hàng Bản Việt (BVBank); Phó Tổng giám đốc, Quyền Tổng giám đốc, Thành viên HĐQT kiêm Tổng giám đốc tại Ngân hàng Kiên Long (KienlongBank).
Bà Trần Tuấn Anh rời ghế Tổng Giám đốc Kienlongbank từ tháng 10/2021 và tham gia công tác tại Ngân hàng TMCP Việt Nam Thương Tín (VietBank) với vai trò Trợ lý Chủ tịch HĐQT từ tháng 7/2023.
Ngày 14/8/2023, bà Trần Tuấn Anh chính thức được bổ nhiệm chức vụ Tổng giám đốc VietBank.
Theo Quốc Thụy (An Ninh Tiền Tệ)