Bà chủ Vietjet muốn Việt Nam là trung tâm hàng không thế giới: Lợi ích thế nào mà nhiều nước khao khát?

22/09/2024 14:55:12

“Hãy biến Việt Nam thành trung tâm hàng không của khu vực và thế giới”, bà Nguyễn Thị Phương Thảo, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Sovico nói.

Hôm 21/9, nhiều doanh nhân đã đóng góp ý kiến, đề xuất sáng kiến để chung tay phát triển kinh tế, xã hội của đất nước tại Hội nghị của Thường trực Chính phủ làm việc với các doanh nghiệp về giải pháp góp phần phát triển kinh tế - xã hội đất nước.

Tại đây, bà Nguyễn Thị Phương Thảo, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Sovico, cho biết trong điều kiện những thách thức về kinh tế hiện nay, cần tạo điều kiện để hàng không thu hút nhanh nhất du lịch, giao thương, đầu tư quốc tế đến Việt Nam.

"Hãy biến Việt Nam thành trung tâm hàng không của khu vực và thế giới. Với vị trí thuận lợi, chúng ta hãy khẩn trương đầu tư, nâng cấp hệ thống sân bay quốc tế để trở thành trung tâm trung chuyển hành khách và hàng hoá quốc tế như Bangkok, Singapore, Hàn Quốc…”, vị doanh nhân này nói.

Bà chủ Vietjet muốn Việt Nam là trung tâm hàng không thế giới: Lợi ích thế nào mà nhiều nước khao khát?
Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Sovico Nguyễn Thị Phương Thảo. Ảnh: VGP.

Đại diện Vietjet thông tin thêm: Việt Nam là trung tâm đào tạo nhân lực và công nghệ hàng không. Việt Nam hoàn toàn có điều kiện và năng lực để xây dựng hệ thống hangar là hạ tầng cho trung tâm dịch vụ kỹ thuật tàu bay quy mô khu vực tại các sân bay Việt Nam.

Vietjet vận hành hơn 100 tàu bay nhưng không có được hangar ở Việt Nam. Hàng trăm cán bộ kỹ thuật của Vietjet đang thực hiện bảo dưỡng kỹ thuật tàu bay ở sân bay Wattay (Viêng chăn, Lào) trong liên doanh với Lao Airlines, chi phí khá tốn kém.

Trong khi đó, doanh nghiệp Việt Nam đã bắt đầu sản xuất linh kiện tàu bay. Với số lượng đặt hàng tàu bay lớn, Việt Nam có điều kiện để trở thành trung tâm sản xuất linh kiện và lắp ráp tàu bay như Trung Quốc đang sản xuất linh kiện tàu bay Boeing và lắp ráp tàu bay Airbus.

Dubai là trung tâm hàng không toàn cầu mà nơi muốn hướng đến

“Trung tâm hàng không toàn cầu” (hay hub hàng không toàn cầu) là điều khao khát của nhiều lãnh thổ, quốc gia trên thế giới bởi các lợi ích về kinh tế mang lại rất lớn; ở đó các chuyến bay từ khắp nơi đổ khách về và chuyển tiếp đi hành trình sau đó.

Dubai là mô hình kiểu mẫu về hub hàng không toàn cầu mà nhiều nơi đang muốn trở thành. TGĐ điều hành Dubai Airports Paul Griffiths cho biết sự phát triển của Dubai song hành với sự phát triển của cơ sở hạ tầng hàng không.

Bà chủ Vietjet muốn Việt Nam là trung tâm hàng không thế giới: Lợi ích thế nào mà nhiều nước khao khát? - 1
Dubai khẳng định vị thế một là trung tâm hàng không toàn cầu.

Dubai đầu tư thêm 128 tỷ AED (34,8 tỷ USD) cho nhà ga hành khách tại Sân bay quốc tế Al Maktoum (DWC). “Điều này càng củng cố vị thế của Dubai như một trung tâm hàng không hàng đầu trên thế giới", trang ARN News dẫn lời ông Paul Griffiths.

Ông cho biết: “Sân bay quốc tế Al Maktoum sẽ có sức chứa lớn nhất thế giới, có thể tiếp nhận tới 260 triệu hành khách. Sân bay này sẽ lớn gấp năm lần Sân bay quốc tế Dubai hiện tại và mọi hoạt động tại Sân bay quốc tế Dubai sẽ được chuyển giao cho sân bay này trong những năm tới”.

Theo đó, ông cũng nêu thêm sân bay này sẽ tiếp nhận 400 cổng tàu bay và có năm đường băng song song. Các công nghệ hàng không mới sẽ được sử dụng lần đầu tiên trong lĩnh vực hàng không.

Bà chủ Vietjet muốn Việt Nam là trung tâm hàng không thế giới: Lợi ích thế nào mà nhiều nước khao khát? - 2
Thái Lan có tiềm năng rất lớn trở thành hub hàng không toàn cầu của ASEAN.

Tại khu vực Đông Nam Á, bình luận sau cuộc gặp hồi tháng 1 năm nay với cựu Thủ tướng Thái Lan Srettha Thavisin, ông Tony Fernandes, giám đốc điều hành của Capital A, công ty mẹ của AirAsia, cho biết đã đến lúc Bangkok trở thành trung tâm hàng không toàn cầu của ASEAN, giống như Dubai là trung tâm toàn cầu ở Trung Đông, tờ The Nation cho biết.

"Chúng tôi muốn biến Bangkok trở thành Dubai tiếp theo về mặt trở thành trung tâm hàng không toàn cầu, vì khu vực ASEAN có tiềm năng lớn với dân số hơn 700 triệu người", ông Fernandes nói.

Cũng đầu năm nay, bang Sarawak (Malaysia) đặt mục tiêu trở thành trung tâm hàng không toàn cầu tương tự như Dubai, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE), sau khi các hãng hàng không của bang này bắt đầu hoạt động.

Thủ hiến Sarawak Tan Sri Abang Johari Tun Openg cho biết vị thế trung tâm hàng không toàn cầu sẽ tạo ra những cơ hội kinh tế đáng kể cho bang này.

"Nếu sử dụng mô hình đó (Dubai), chúng tôi có thể mang lại thêm lợi ích kinh tế cho người dân. Đó là lý do tại sao chúng tôi muốn tiếp quản và thành lập hãng hàng không của mình để cân bằng giá vé máy bay và các giá trị gia tăng khác", hãng tin Bernama của Malaysia dẫn lời phát biểu của ông.

Cuối năm ngoái, chính quyền Sarawak đã mua lại MASwings Sdn Bhd.

Theo Dy Khoa (Nhịp Sống Thị Trường)

Nổi bật