Kể từ khi thẻ tín dụng quốc tế đầu tiên được phát hành tại Việt Nam vào năm 1996, thị trường thẻ đã tăng trưởng nhanh chóng cả về số lượng và hình thức sản phẩm, loại hình, ưu đãi, cũng như đối tượng khách hàng mục tiêu.
Hơn 20 năm sau, 40 ngân hàng phát hành thẻ quốc tế, trong đó, có 37 ngân hàng phát hành thẻ tín dụng. Số liệu được công bố tại Hội nghị thường niên Hội thẻ Ngân hàng Việt Nam năm 2018 cho thấy doanh số sử dụng thẻ quốc tế tăng trưởng 30% trong năm 2017. Cơ cấu về tỷ trọng doanh số sử dụng của thẻ quốc tế so với tổng doanh số sử dụng thẻ tăng từ 11% (năm 2016) lên 13% (năm 2017).
Còn theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, tính đến quý III/2018, các ngân hàng phát hành tổng cộng 147,3 triệu thẻ. Trong đó phần lớn là thẻ ghi nợ, đồng nghĩa với việc dư địa của thị trường thẻ tín dụng vẫn còn lớn.
Riêng tại Ngân hàng Quốc tế (VIB), báo cáo 9 tháng đầu năm ghi nhận dư nợ tín dụng bán lẻ trên 67.400 tỷ đồng, tăng 58% so với cùng kỳ năm 2017. Con số này đã đưa VIB trở thành một trong những ngân hàng cho vay bán lẻ lớn nhất thị trường.
Đại diện ngân hàng cho biết kết quả khả quan này có được nhờ chiến lược đẩy mạnh mảng thẻ tín dụng, ra mắt loạt sản phẩm mới, mở rộng kênh phân phối và tiếp cận khách hàng. Bên cạnh đó, các chương trình ưu đãi, chăm sóc khách hàng... cũng nhận mức đầu tư lớn theo hướng tăng cường ứng dụng công nghệ, cải tiến dịch vụ, mở rộng mạng lưới đối tác. Chỉ riêng tháng 12, ngân hàng này đã có đến 5 sản phẩm thẻ với những đặc quyền khác nhau được phát hành.
Theo các chuyên gia tài chính, việc đầu tư vào thẻ tín dụng mang lại lợi nhuận lớn cho ngân hàng. Với đặc thù vay tín chấp, không có tài sản đảm bảo, thẻ tín dụng có lãi suất cao hơn so với vay thông thường. Tuy nhiên đổi lại, nếu chủ thẻ tất toán dư nợ thẻ tín dụng trong thời hạn quy định 45-55 ngày, lãi suất là 0%.
Ngoài ra, dịch vụ thẻ tín dụng còn giúp ngân hàng sống khoẻ nhờ phí và các dịch vụ cộng thêm bán chéo sản phẩm cho chủ thẻ. Bà Trần Thu Hương, Giám đốc Khối ngân hàng bán lẻ và chiến lược của VIB, cho biết ngân hàng thường xuyên mở rộng hợp tác với các đối tác để có nhiều chương trình ưu đãi mới cho chủ thẻ tín dụng.
Theo bà Hương, mỗi dòng thẻ đều có tính năng và ưu đãi cạnh tranh. Đơn cử, với thẻ VIB Travel Élite, chủ thẻ hoàn tiền 3 triệu đồng khi chi tiêu từ 7 triệu đồng trong 37 ngày đầu mở thẻ. Với sản phẩm VIB Cashback, chủ thẻ nhận hoàn tiền 12 triệu đồng/năm cho mọi giao dịch. Chi tiêu càng nhiều, chủ thẻ càng được hoàn tiền nhiều, giúp thúc đẩy hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt.
Sự phát triển đa dạng sản phẩm thẻ tín dụng mới chỉ nở rộ trong khoảng 10 năm trở lại đây. Ngọc Hân, kế toán trưởng làm việc tại quận Tân Bình, TP.HCM, cho biết dù đã có một thẻ tín dụng, chị vẫn muốn đăng ký mở thêm thẻ thứ hai, thứ ba.
Một trong những yếu tố khiến chị Hân có nhu cầu mở thêm thẻ là ưu đãi riêng biệt dành cho từng loại thẻ, chẳng hạn thẻ tín dụng VIB Happy Drive đem đến nhiều lợi ích cho người sở hữu ôtô như tặng 500 lít xăng, Standard Chartered hoàn tiền cho khách hàng mở thẻ và chi tiêu theo hạn mức quy định...
Bên cạnh đó, thủ tục phát hành thẻ cũng trở nên đơn giản hơn so với nhiều năm trước. Khách hàng chỉ cần bản sao chứng minh nhân thân, không cần công chứng và hợp đồng lao động. Với khách hàng đã có gói vay hoặc tiền gửi tại ngân hàng, thủ tục giấy tờ được tiết giảm tối thiểu.
Các ngân hàng hiện này cũng dần đơn giản hoá thủ tục mở thẻ để thu hút khách hàng như cho phép đăng ký mở thẻ trực tuyến, nộp hồ sơ trực tuyến, thời gian từ lúc đăng ký tới khi có thể sử dụng cũng được rút ngắn. Đối tượng và hạn mức của thẻ tín dụng được mở rộng hơn, một cá nhân có thu nhập khoảng 6 triệu đồng/tháng đã có thể sở hữu thẻ tín dụng với hạn mức chi tiêu lên tới vài chục triệu đồng.
Theo Hà Mỹ Giang (Tri Thức Trực Tuyến)