Số liệu của Fiin Group cho biết lãi suất huy động tiếp tục duy trì ở mặt bằng thấp trong tháng 2/2021 đối với cả hai kỳ hạn 6 tháng và 12 tháng ở tất cả các nhóm ngân hàng.
Cụ thể, duy nhất lãi suất của nhóm ngân hàng gốc quốc doanh có diễn biến tăng ở cả 2 loại kỳ hạn, lần lượt ở mức 0,08 điểm phần trăm và 0,18 điểm phần trăm, lên 3,8% và 5,18%, do động thái tăng lãi suất của VietinBank trong khi ba ngân hàng còn lại tiếp duy trì mức lãi suất cũ.
Ngược lại, nhóm ngân hàng có quy mô nhỏ vốn dưới 5.000 tỷ đồng và ngân hàng có quy mô lớn vốn trên 5.000 tỷ đồng) cùng chứng kiến mức giảm lãi suất cho vay với cả 2 kỳ hạn.
Đối với kỳ hạn 6 tháng, nhóm ngân hàng có quy mô nhỏ giảm 0,03 điểm phần trăm xuống 5,39%, trong khi nhóm ngân hàng có quy mô lớn áp dụng mức lãi suất trung bình 4,74%, giảm 0,15 điểm phần trăm. Trong khi đó, đối với kỳ hạn 12 tháng, lãi suất của nhóm ngân hàng có quy mô nhỏ và ngân hàng có quy mô lớn giảm lần lượt 0,02 điểm phần trăm và 0,03 điểm phần trăm.
Vietcombank tiếp tục là ngân hàng có lãi suất huy động thấp nhất thị trường, ở mức 3,5%/năm cho kỳ hạn 6 tháng và 4,5% đối với kỳ hạn 12 tháng. Lãi suất huy động cao nhất hiện nay thuộc về NCB (6,05%) ở kỳ hạn 6 tháng và HDBank và IVB (6,9%) ở kỳ hạn 12 tháng.
Như vậy, lãi suất trung bình 6 tháng và 12 tháng của toàn ngành ngân hàng trong tháng 2/2021 đang ở mức 4,85% và 5,69%, cùng giảm xấp xỉ 1,5 điểm phần trăm so với cùng kỳ và gần như đi ngang so với tháng trước đó.
Với diễn biến lãi suất như trên, Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) đánh giá, trong 2 tháng đầu năm 2021, các dự án vẫn chưa được triển khai trên diện rộng, do đó, thanh khoản hệ thống ngân hàng vẫn đang được duy trì ở trạng thái dồi dào.
Song, BVSC cũng cho rằng, trong bối cảnh dịch bệnh có dấu hiệu được kiểm soát và việc tiêm chủng vắc-xin ngừa Covid-19 chuẩn bị được triển khai, trong khi lạm phát tăng trở lại (chỉ số tiêu dùng CPI tháng 2 tăng 1,52% so với tháng trước – mức tăng tháng 2 cao nhất trong vòng 8 năm gần đây), lãi suất huy động nhiều khả năng sẽ có diễn biến tăng trở lại trong thời gian tới.
Thậm chí dự báo chi tiết hơn về thời điểm áp lực lạm phát, kéo theo đó là khả năng lãi suất tăng, Công ty Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) cho rằng, áp lực lạm phát sẽ tăng mạnh trong quý 2 và quý 3/2021 với mức nền thấp trong năm 2020 do giá xăng bán lẻ tạo đáy dưới tác động của dịch Covid-19.
"Giả định giá các loại hàng hóa khác không có biến động bất thường, với việc giá xăng dầu chiếm tỷ trọng khoảng 4% trong rổ CPI, chúng tôi ước tính CPI bình quân 2021 có thể tăng vượt mốc 4% nếu giá xăng RON95 bình quân 2021 tăng 30% so với cùng kỳ (tương đương mức 20.500 đồng/lít, cao hơn 13,4% so với mức hiện tại). Nếu rủi ro này xuất hiện, Ngân hàng Nhà nước có thể phải áp dụng các chính sách tiền tệ thận trọng hơn để kiềm chế lạm phát (tăng lãi suất, giảm chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng)", chuyên gia của KBSV nhấn mạnh.
Cùng quan điểm, TS.Cấn Văn Lực, Chuyên gia kinh tế trưởng BIDV cũng đưa ra cảnh báo, trong năm 2021, lãi suất sẽ chịu nhiều áp lực tăng khi nhu cầu tín dụng phục hồi, áp lực lạm phát cao hơn, đòi hỏi cơ quan quản lý cần lưu ý.
"Cùng với đà hồi phục kinh tế, nhu cầu tín dụng và áp lực lạm phát tăng lên có thể khiến mặt bằng lãi suất tăng nhẹ so với năm 2020", TS.Cấn Văn Lực nói.
Theo Đào Vũ (VnEconomy.vn)