Vàng vừa trải qua một năm 2020 đầy thành công khi chạm đỉnh cao nhất mọi thời đại 2.075 USD/ounce vào tháng 8/2020. Là loại tài sản đầu tư lâu đời, được coi là hầm trú ẩn, vàng đã thể hiện rõ vai trò của mình trong cuộc khủng hoảng kép mà đại dịch COVID-19 đã tạo ra trên toàn cầu.
Giá vàng thế giới đã tăng khoảng 22% trong năm 2020. Theo các nhà phân tích thị trường vàng "dậy sóng" chủ yếu bởi sự quan tâm của các nhà đầu tư đến những tài sản an toàn trong bối cảnh dịch COVID-19 bùng phát mạnh mẽ và lãi suất tiền gửi ngân hàng cũng như lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ giảm thấp khi các ngân hàng trung ương trên toàn cầu nỗ lực tung ra các khoản tiền khổng lồ để cứu kinh tế.
Tuy nhiên, giá vàng bắt đầu sụt giảm ngay những tháng đầu năm 2021.
Kết thúc phiên giao dịch cuối cùng của tháng 2, giá vàng kỳ hạn tháng 4 trên sàn Comex chỉ còn 1.725,3 USD, giảm 2,82%, là mức thấp nhất trong vòng 8 tháng. Giá vàng giao ngay có lúc rơi xuống 1.716,85 USD/ounce, chạm vùng thấp nhất kể từ tháng 6/2020.
Tính chung cả tuần, giá vàng mất 3,3% còn tính trong tháng 2 thì vàng có tháng tồi tệ nhất kể từ tháng 11/2016.
Theo giới phân tích, thị trường vàng đang chịu sức ép lớn từ trái phiếu Mỹ. Chỉ trong có vài ngày, lợi suất kỳ hạn 10 năm đã tăng tới 30 điểm cơ bản, từ 1,3% đầu tuần lên 1,6% đã tác động không nhỏ tới tâm lý nhà đầu tư với vàng.
Sang tới ngày đầu tháng 3/2021, giá vàng nhích tăng nhẹ, tuy nhiên vẫn ở mức rất thấp 1.739,7 USD/ounce. Xu thế giảm của giá vàng được dự báo có sẽ tiếp tục trong tháng 3/2021 do hiệu ứng từ cuộc chiến với virus COVID-19 tích cực lên, cũng như sự tốt lên của các nền kinh tế lớn.
Tuy nhiên trong dài hạn, vàng vẫn được cho là có triển vọng tốt. Theo các nhà phân tích, điều đáng chú ý là lợi suất trái phiếu tiếp tục tăng mạnh dù Chủ tịch Fed Powell đã tuyên bố rõ ràng trước đó rằng Fed sẽ gắn bó với chính sách tiền tệ siêu lỏng lẻo trong một thời gian dài. Dường như thị trường không tin Fed, hoặc lo sợ rằng Fed đang mắc lỗi chính sách, đánh giá thấp sự gia tăng của lạm phát. Nếu điều này trở thành sự thật, trong dài hạn vàng sẽ đi lên vì nhu cầu phòng ngừa lạm phát.
Riêng với giá vàng trong nước, có thể thấy diễn biến cùng chiều với giá vàng thế giới, nhưng biến động giá lại không quá lớn.
Từ mức đỉnh được thiết lập vào tháng 8/2020, lên mức 62,2 triệu đồng/lượng, giá vàng trong nước lùi về duy trì ở vùng giá 55-56 triệu đồng/lượng, chưa bao giờ rơi trở lại mốc 50 thiết lập trước tháng 8/2020. Đây cũng là lý do vì sao giá vàng trong nước đang có khoảng cách rất lớn với giá vàng thế giới, lên tới mức kỷ lục 7 triệu đồng/lượng.
Nhận định về kênh đầu tư vàng trong năm 2021, trao đổi với Nhadautu.vn , TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính cho rằng, có thể không còn đột biến như năm 2020 nhưng vàng vẫn sẽ tiếp tục có một năm nhiều biến động.
Giải thích cụ thể hơn, TS. Nguyễn Trí Hiếu nhận định giá vàng thế giới năm ngoái đã có lúc lên tới gần 2.200 USD/ounce rồi xuống đến hiện tại là mốc gần 1.750 USD/ounce. Vàng lao dốc có một số nguyên nhân như tình hình dịch bệnh có tiến triển khả quan hơn khi vaccine COVID-19 bắt đầu được tiêm chủng rộng rãi. Biện pháp chống dịch của các quốc gia khiến tình hình trở nên ổn định hơn, không tạo ra khủng hoảng về dịch bệnh như năm 2020.
Tiếp đó, hầu hết các chính phủ, đặc biệt chính phủ của các quốc gia lớn đã có biện pháp hỗ trợ mạnh mẽ nền kinh tế. Như Mỹ vừa qua tiếp tục tung gói hỗ trợ lên tới 1.900 USD và một số quốc gia khác sử dụng khoảng 5-10% GDP để hỗ trợ nền kinh tế, duy trì sự ổn định trên thị trường tài chính.
Nguyên nhân tiếp theo khiến vàng giảm sức hấp dẫn là do nhiều thị trường đầu tư tài chính khác tăng trưởng mạnh trong tháng cuối năm 2020, đầu năm 2021. "Người ta đổ tiền vào chứng khoán một cách mạnh mẽ. Đặc biệt một số kênh đầu tư phi truyền thống như Bitcoin lên giá khủng khiếp. Chính vì thế nhà đầu tư thấy không còn quá mặn mà với thị trường vàng. Họ rút bới tiền ra khỏi thị trường vàng để đầu tư sang các kênh khác khiến giá vàng sụt giảm mạnh trên thị trường thế giới", ông Hiếu nói.
Với thị trường vàng trong nước, ông Hiếu cho biết, dù cùng chiều nhưng biến động không mạnh như thế giới. Khoảng cách hiện nay khoảng 7 triệu đồng/lượng là mức rất lớn, tạo rủi ro cho nhà đầu tư. Thị trường vàng Việt Nam giữ được giá cao như vậy vì thị gần như không liên thông với thị trường thế giới khi đơn vị duy nhất được nhập khẩu vàng là Ngân hàng Nhà nước. Tuy nhiên, vàng trong nước vẫn chịu tác động từ giá vàng thế giới do yếu tố tâm lý của nhà đầu tư, sự khởi sắc của thị trường chứng khoán cũng có tác động làm giảm giá vàng trong nước thời gian qua.
Đánh giá về triển vọng kênh đầu tư vàng trong năm 2021, TS. Nguyễn Trí Hiếu đánh giá về tổng thể, vàng vẫn trong xu hướng tăng.
"Thị trường vàng thế giới vẫn đầy bất định. Nếu dịch bệnh không được kiểm soát tốt, giá vàng có thể lên tới 2.000 USD/ounce. Còn nếu dịch bệnh được kiểm soát tốt, giá vàng có thể chỉ ở quanh mốc 1.800 USD/ounce. Tôi nghiêng về trường hợp sẽ ổn định ở mức 1.900 USD/ounce nếu tình trạng thế giới vẫn diễn biến như hiện tại", ông Hiếu nói.
Các yếu tố được cho là hỗ trợ cho giá vàng là các gói hỗ trợ kinh tế lớn chưa từng có của các chính phủ được thực thi gây rủi ro cho lạm phát, hỗ trợ giá vàng tăng trở lại.
Riêng với thị trường vàng Việt Nam, TS. Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, giá vàng trong nước sẽ ổn định ở khoảng 57-58 triệu đồng/lượng. Trong kịch bản xấu của nền kinh tế, khi vaccine không thực sự kiểm soát được dịch bệnh trên thế giới, giá vàng trong nước có thể trở lại mốc 60 triệu đồng/lượng.
Trong một báo cáo mới đây của ngân hàng ANZ về diễn biến thị trường vàng, đơn vị này khá lạc quan với kênh đầu tư vàng trong năm 2021.
Chiến lược gia cao cấp tại ngân hàng ANZ, ông Daniel Hynes cho rằng: Yếu tố trực tiếp đẩy giá vàng tăng chính là kỳ vọng lạm phát. Giá dầu tăng sẽ nhanh chóng tác động tới chuỗi cung ứng toàn cầu khi mà kinh tế thế giới cải thiện, kéo theo giá năng lượng tăng, giá vận tải hàng hóa và chi phí container chắc chắn sẽ tăng nhanh chóng. "Kỳ vọng lạm phát đang tăng lên mang đến hỗ trợ quan trọng cho nhu cầu của nhà đầu tư trong dài hạn, vàng sẽ tiếp tục hưởng lợi từ các yếu tố này", ANZ nhấn mạnh.
Theo đó, báo cáo cho rằng, lạm phát, lãi suất thấp kết hợp với gói hỗ trợ tiền tệ và tài khóa sẽ khiến cho giá vàng đi ngang trong năm nhưng đến cuối năm sẽ bùng nổ ở mức 2.100 USD/ounce.
Nhiều dự báo của các tổ chức kinh tế cũng cho thấy sự lạc quan trong tăng trưởng kinh tế năm 2021, kéo theo đó là nguy cơ lạm phát tăng cao.
IMF dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới sẽ đạt 4% ở mức trung bình và có thể đạt 5% nếu dịch bệnh được kiểm soát tốt. Cũng theo tổ chức này, lạm phát tại nhóm các nền kinh tế phát triển ở mức 0,8% năm 2020 và tăng lên 1,6% vào năm 2021, sau đó ổn định ở mức 1,9%. Trong nhóm các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển, lạm phát năm 2020 khoảng 5% và giảm còn 4,7% trong trung hạn.
WB cũng cho rằng, tăng trưởng kinh tế thế giới sẽ đạt mức 4% trong năm 2021. Trong đó, các thị trường mới nổi và các nền kinh tế đang phát triển sẽ tăng ở mức 5%; Mỹ tăng 3,5%.
Năm 2020, Việt Nam tăng trưởng GDP 2,91%, CPI bình quân 3,23%. Đa số các tổ chức kinh tế đều đánh giá tích cực với tăng trưởng GDP Việt Nam năm 2021 với các dự báo từ 6,3-6,7%, lạm phát duy trì ở mức dưới 4%. Cụ thể, ADB dự báo tăng trưởng của Việt Nam năm 2021 khoảng 6,3%, trong khi đó lạm phát ở mức 3,5%, còn WB dự báo mức tăng trưởng sẽ đạt 6,7%.