Vai trò đặc biệt quan trọng của A0
Trước hết, cần khẳng định lợi ích của việc tách A0 khỏi EVN: hệ thống điện sẽ vận hành khách quan hơn so với hiện nay. EVN sẽ không còn mang tiếng “vừa đá bóng vừa thổi còi”, giúp chấm dứt điều tiếng A0 có thể ưu ái huy động nguồn điện của các công ty “sân nhà”.
Những dị nghị, quan điểm cho rằng EVN “bạc đãi” điện gió, điện mặt trời sẽ phải thay đổi vì EVN phải “đá” trên sân như các người chơi khác vì A0 không có cách nào “nâng đỡ” được.
Như vậy, việc A0 độc lập khỏi EVN phát đi tín hiệu về một thị trường điện minh bạch, công bằng và khách quan hơn.
A0 được thành lập theo Quyết định số 180 NL/TCCB-LĐ ngày 11/04/1994 của Bộ Năng Lượng (nay là Bộ Công Thương); là doanh nghiệp Nhà nước trực thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN).
A0 có các đơn vị thành viên là các Trung tâm Điều độ Hệ thống điện miền Bắc, miền Trung và miền Nam (A1, A2, A3). Do vai trò đặc biệt quan trọng, đây là nơi tập trung nguồn nhân lực có lượng cao của ngành điện Việt Nam.
Hai công việc chính của A0 là vận hành hệ thống điện và giao dịch thị trường điện trong toàn quốc.
Về vận hành hệ thống điện, có thể ví A0 như “trái tim” của hệ thống điện Việt Nam. Tại phòng điều khiển, các điều độ viên của A0 giám sát, nắm bắt được tất cả các thông số, sự thay đổi của các tổ máy, máy biến áp, đường dây … trong toàn quốc, từ đó đưa ra các mệnh lệnh điều độ điện, huy động sản lượng các nguồn điện để điều hành hệ thống điện quốc gia một cách an toàn.
Với vai trò tối quan trọng như vậy, các cơ quan đầu não của A0, A1, A2, A3 đều được thiết kế có dự phòng, được đặt ở hai địa điểm khác nhau nhằm đảm bảo an toàn ở mức cao nhất. Đồng thời, A0 có khả năng lưu trữ dữ liệu tập trung chính và dự phòng cho tất cả các thông tin vận hành hệ thống điện trong khoảng thời gian dài.
Về giao dịch thị trường điện, A0 đánh giá, giám sát, dự báo nhu cầu tiêu thụ điện, giúp cho công tác lập lịch huy động các nguồn điện đáp ứng nhu cầu tiêu thụ của khách hàng được chính xác và kịp thời, phù hợp hơn thông qua các bản chào và tuân thủ quy luật thị trường “rẻ được mua, đắt tạm ngừng”.
Thị trường bán buôn điện cạnh tranh vận hành chính thức từ ngày 1/1/2019. Đến năm 2021 đã có 27/45 nhà máy nhiệt điện than, tuabin khí và 67/81 nhà máy thủy điện tham gia thị trường bán buôn điện cạnh tranh.
Giá mua điện của các nhà máy trên thị trường này sẽ do A0 đảm nhiệm thông qua các bản chào của các nhà máy trên cơ sở mua từ “giá thấp nhất đến giá cao nhất”, tức nhà máy nào chào giá thấp nhất sẽ được mua trước.
Trên cơ sở huy động các nguồn điện hàng ngày, hàng giờ, A0 sẽ phát hành một bản kê thanh toán. Hàng tháng, A0 sẽ chuyển các thông số này sang Công ty mua bán điện của EVN để trả tiền cho các nhà máy.
Đây cũng là lý do khiến việc đưa A0 rời EVN về Bộ sẽ kéo theo nhiều vấn đề phức tạp liên quan thanh toán tiền mua điện.
Rủi ro chảy máu chất xám
Tại tờ trình gửi Thủ tướng ngày 14/6, Bộ Công Thương cũng bày tỏ nhiều lo ngại về khả năng giữ chân người lao động tại A0 do đây đều là nhân sự chất lượng cao và hưởng mức lương trung bình 40 triệu đồng/tháng.
Mức lương này chắc chắn là cao hơn lương Bộ trưởng, thứ trưởng và cục trưởng.
Bộ sẽ có cơ chế nào để “nuôi” A0? Nếu không có cơ chế đặc thù, liệu sau khi về Bộ, các nhân sự của A0 có nghỉ việc khi chế độ đãi ngộ bị cắt để hưởng lương như một viên chức?
Khi tiếp nhận A0, Bộ Công Thương kiến nghị: Trong trường hợp A0 chuyển thành đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Bộ Công Thương, cần phải có cơ chế tài chính đặc thù đủ đảm bảo duy trì mức lương và phụ cấp tương đương với mức hiện hưởng. Điều này nhằm đảm bảo tránh xáo trộn về nhân lực của A0 dẫn đến những rủi ro về vận hành ổn định, an toàn và hiệu quả hệ thống điện, đặc biệt trong thời gian chuyển giao và hoàn thiện mô hình tổ chức.
Một câu hỏi nữa: việc đầu tư trang thiết bị, máy móc… của A0 khi về Bộ sẽ được thực hiện như thế nào?
Khi trực thuộc EVN, các quyết định đầu tư của A0 được đưa ra nhanh chóng, đáp ứng yêu cầu điều độ, đặc biệt trong các tình huống khẩn cấp. Còn khi về Bộ, nếu phải áp dụng theo quy trình mua sắm của cơ quan hành chính nhà nước thì sẽ bị chậm trễ và phụ thuộc nhiều vào lượng tiền ngân sách phân bổ.
Do đó, nếu không giải đáp được câu hỏi này, A0 sẽ gặp một số vấn đề, thậm chí rơi vào tình trạng máy móc, trang thiết bị… không được đầu tư kịp thời để đáp ứng yêu cầu điều độ.
Khả năng bù lỗ giá điện bằng NSNN
Theo đề xuất mới nhất của Bộ Công Thương tại tờ trình gửi Thủ tướng Chính phủ ngày 14/6, khi A0 về Bộ thì vẫn đảm nhiệm cả hai chức năng: Vận hành hệ thống và giao dịch thị trường điện.
Như vậy, vấn đề thanh toán sẽ thực hiện như thế nào khi Công ty mua bán điện vẫn trực thuộc EVN là vấn đề cần đặt ra.
Khi A0 không thuộc EVN nữa, A0 sẽ hoạt động toàn toàn độc lập với hoạt động của EVN. A0 sẽ có trách nhiệm huy động tất cả các nguồn điện trên thị trường để đảm bảo mục tiêu cao nhất là đảm bảo an ninh hệ thống. Có nghĩa, A0 cũng sẽ là đơn vị đứng ra mua điện trên thị trường điện như chức năng hiện tại vẫn đang làm.
Song nhiệm vụ thanh toán vẫn là của Công ty mua bán điện thuộc EVN. Điều đó sẽ nảy sinh tình huống mà nói một cách nôm na là anh A mời anh B đi ăn, nhưng sau đó lại gọi anh C đến trả tiền.
Điều này làm phát sinh nhiều mâu thuẫn không dễ giải quyết.
Hiện nay thông qua Công ty mua bán điện, EVN vẫn là người mua duy nhất trên thị trường và phải chịu toàn bộ chi phí của hệ thống điện. Đây là nguyên nhân gây lỗ lớn cho EVN từ năm từ năm 2022 đến nay do phải mua giá cao, bán giá thấp.
Khi A0 về Bộ, tức là Bộ Công Thương đứng ra đảm đương trách nhiệm phải đảm bảo đủ điện cho sản xuất và sinh hoạt, khi đó A0 sẽ phải huy động hết các nguồn và bằng mọi giá.
Trong bối cảnh thiếu nguồn phát điện, các nhà máy thường chào giá rất cao trên thị trường và cao hơn nhiều giá bán lẻ điện bình quân hiện được Nhà nước ấn định ở mức hơn 1.900 đồng/số điện.
Nếu A0, lúc này về bản chất là Bộ Công Thương, huy động các nguồn điện giá cao hơn mức giá bán lẻ điện bình quân này và yêu cầu Công ty mua bán điện thuộc EVN thanh toán, thì phần lỗ này ai chịu? Bộ, hay EVN hay các công ty phát điện hay người tiêu dùng điện?
Khi A0 về Bộ Công Thương thì EVN chỉ là một “người chơi” trong hệ thống, giống như các nhà máy của TKV, PVN và của các nhà đầu tư tư nhân vì EVN chỉ nắm 38% nguồn phát điện.
Như vậy, EVN không có chức năng phải gánh lỗ cho toàn hệ thống điện khi A0 của Bộ Công Thương mua điện giá cao.
Trước mắt, Bộ Công Thương cần lên ít nhất phương án có thời điểm phải bù lỗ bằng tiền ngân sách Nhà nước và phải trình Quốc hội thông qua hoặc phải điều chỉnh giá điện bán lẻ và đối diện với người dân.
Về lâu dài, giải pháp cho bất cập này chỉ có thể là thúc đẩy thị trường bán lẻ điện cạnh tranh và cải tiến cơ chế giá điện theo thị trường.
Không phải ngẫu nhiên Quyết định 63/QĐ-TTg năm 2013 của Thủ tướng quy định về lộ trình, các điều kiện và cơ cấu ngành điện để hình thành và phát triển các cấp độ thị trường điện lực tại Việt Nam; Quyết định 168 năm 2017 phê duyệt Đề án Tái cơ cấu ngành điện giai đoạn 2016 - 2020, định hướng đến năm 2025 đều đặt ra lộ trình cho việc A0 độc lập với EVN gắn với thị trường bán lẻ điện.
Các quyết định này định hướng rõ việc tách A0 khỏi EVN phải đi cùng với việc hình thành thị trường bán lẻ điện cạnh tranh.
Còn nếu chỉ chuyển A0 về Bộ Công Thương một cách cơ học như phương án hiện nay, trong khi các doanh nghiệp trên thị trường vẫn y nguyên, giá điện vẫn như hiện nay và cấu trúc thị trường điện không thay đổi thì sẽ tạo ra nhiều vấn đề rắc rối phát sinh.
Tờ trình của Bộ Công Thương đã liệt kê ra nhiều văn bản pháp luật phải sửa đổi, nhưng còn một điều quan trọng nhất chưa được đề cập. Đó là việc chuyển A0 phải đồng bộ với sự vận hành của thị trường bán lẻ điện, và đặc biệt câu chuyện giá điện là quan trọng nhất.
Việt Nam đã có lộ trình bán lẻ điện cạnh tranh, thì giờ đây khi chuyển A0 về Bộ Công Thương, lộ trình này nhất định phải được thúc đẩy càng sớm càng tốt bởi khi một mắt xích trục trặc thì hệ thống không thể vận hành ổn định. Nếu giải quyết được các vấn đề kể trên, rõ ràng việc A0 độc lập khỏi EVN sẽ là tín hiệu tốt cho thị trường điện Việt Nam.
Theo Lương Bằng (VietNamNet)