Theo đó, Bermuda đứng cuối danh sách về chính sách thuế, theo sau là Quần đảo Cayman và Hà Lan. Oxfam cho biết khi các Chính phủ giảm thuế cho doanh nghiệp, họ phải cân bằng ngân sách bằng cách giảm chi hoặc nâng các loại thuế khác, như VAT. "Người bình thường, đặc biệt là người nghèo, sẽ phải trả giá cho việc này qua tăng thuế cá nhân và giảm các dịch vụ cần thiết, như y tế và giáo dục", Esme Berkhout - cố vấn chính sách thuế tại Oxfam cho biết.
Oxfam cho biết phân tích của họ chỉ ra 90% công ty lớn nhất thế giới hiện diện tại ít nhất một thiên đường thuế. Một số quốc gia được Oxfam nêu tên trong báo cáo đã liên quan đến nhiều scandal thuế của một số công ty lớn nhất thế giới.
Bên ngoài một cửa hàng của Apple tại California (Mỹ). Ảnh: Reuters |
Hồi tháng 8, Ireland từng bị Liên minh châu Âu (EU) yêu cầu truy thu 13 tỷ euro (13,7 tỷ USD) thuế từ Apple. Trước đó, nhờ thỏa thuận với Ireland, Apple chỉ phải trả mức thuế 1% tại nước này, rất thấp so với 35% tại Mỹ và 12,5% tại chính Ireland. Quốc gia này xếp thứ 6 trong các thiên đường thuế cho doanh nghiệp.
Năm ngoái, Starbucks cũng bị EU yêu cầu trả tới 30 tỷ euro mà họ đã tiết kiệm được nhờ thỏa thuận với Hà Lan. Fiat Chrysler cũng nhận yêu cầu trả khoản tiền tương tự sau thỏa thuận với Luxembourg.
Bahamas và British Virgin Islands đều nằm trong danh sách các thiên đường thuế nước ngoài được Mossack Fonseca sử dụng. Đây là hãng luật tâm điểm trong vụ tiết lộ Hồ sơ Panama đầu năm nay.
EU, G20 và OCED đều đang nỗ lực giảm lỗ hổng thuế, nhưng Oxfam cho biết họ cần làm nhiều nữa. "Các chính phủ cần làm việc với nhau để chặn cuộc đua giảm thuế thu nhập doanh nghiệp điên rồ này lại, và đảm bảo các công ty trả thuế công bằng", Berkhout cho biết.
Theo Hà Thu (VnExpress.net)