1.Tráo hàng
Tráo hàng là một hình thức khá phổ biến bằng cách đưa ra mức giá hấp dẫn cho một sản phẩm nào đó rồi thông báo hết hàng. Sau đó, cửa hàng sẽ liên hệ với bạn để xin lỗi và đưa ra một sản phẩm mà họ cho rằng ngon bổ rẻ hơn sản phẩm bạn đặt mua.
Thực tế tất nhiên không phải vậy. Hãy cẩn thận khảo giá và kiểm tra sản phẩm kĩ càng trước khi đặt mua, đặc biệt là khi được mời mua một sản phẩm “tốt” bất ngờ.
2.Thu thập thông tin cá nhân bất chính
Mùa giảm giá Black Friday và Cyber Monday thường sẽ làm số dư tài khoản của bạn hao hụt một khoản lớn. Và sẽ thật hấp dẫn nếu một cửa hàng quyết định “tặng quà” tri ân khách hàng và bạn chỉ cần điền một vài thông tin cá nhân để tham gia. Mà miếng ngon quá thì thường không có thật.
Tội phạm công nghệ sẽ lợi dụng lòng tham và sự cả tin này. Phần thưởng sẽ có giá trị cao như là iPhone, MacBook để làm mờ mắt khách hàng.
Tất nhiên bạn sẽ phải điền thông tin cá nhân và đây chính là miếng mồi ngon cho tội phạm công nghệ. Luôn luôn ghi nhớ không được cung cấp thông tin cá nhân cho những website không uy tín.
3.Câu “Like”
Một lần nữa các website hay fanpage sẽ lợi dụng sự cả tin của khách hàng. Chỉ cần “Like page và share rồi comment số” để có cơ hội trúng iPhone, iPad hay thậm chí SH, xe hơi là một mánh khá phổ biến.
Chiêu trò này không mấy lạ lẫm với nhiều người chúng ta khi lâu lâu lại thấy một đợt share like rầm rộ trên News Feed. Và như thế những người like, share đã vô tình tiếp tay cho các fanpage này trục lợi bằng cách bán page với số like lớn.
4.Dịch vụ giao hàng bị quá tải
Vào mùa mua sắm cao điểm, những người khổng lồ như Amazon đôi khi cũng sẽ bị quá tải dẫn đến sai sót hay chậm trễ trong việc giao hàng. Các hacker sẽ nhân cơ hội đó gửi các email giả mạo cho bạn để thông báo rằng kiện hàng của bạn bị chậm trễ vào hãy click vào đường link được cung cấp để cố định ngày giao hàng.
Và thế là máy tính của bạn vô tình bị nhiễm mã độc. Hãy luôn kiểm tra địa chỉ email của người gửi cũng như đường link trước khi bấm vào bất cứ email từ cửa hàng hay công ty vận chuyển.
Các webiste bán hàng không uy tín còn lợi dụng sự chậm trễ của dịch vụ vận chuyển để biện minh cho việc chậm trễ giao hàng hay thậm chí không giao hàng sau khi nhận tiền. Đôi khi, chúng còn bắt người mua phải trả thêm tiền để nhận được hàng. Hãy luôn lựa chọn những cửa hàng có vẻ uy tín để mua sắm.
5.Cảnh giác với các email quảng cáo
Với việc Black Friday được khởi động trước cả tuần liền, nhiều người dùng trong tuần này đã và đang nhận hàng tá email quảng cáo mỗi ngày từ các site như Amazon, Newegg, Best Buy,…
Đây cũng chính là một cơ hội để cho tội phạm công nghệ lợi dụng. Nhiều người sẽ vô tình bấm vào các email quảng cáo giả mạo và được dẫn vào website bán hàng giả mạo hoặc vô tình bị nhiễm mã độc thông qua đường dẫn trong quảng cáo.
Ai có thể cầm lòng khi nhìn thấy những món đồ mình mong muốn giảm giá tới 70-80%. Vì vậy, hãy nhớ kiểm tra địa chỉ email của người gửi cũng như đường link khi thấy email quảng cáo.
6. Nâng giá cao rồi “giảm giá”
Đây cũng là một chiêu trò khá phổ biến của các cửa hàng và website bán lẻ. Họ sẽ nâng giá niêm yết của sản phẩm lên rất cao rồi đưa ra mức giảm giá vô cùng hấp dẫn đôi khi đến 5-60%. Thực tế, mức giá sau khi giảm “sâu” mới bằng giá bán ra của nhiều nhà bán lẻ khác. Đây là một cách đánh vào tâm lý thích giảm giá của người dùng.
Tuy đây không hẳn là lừa đảo và không gây thiệt hại về kinh tế cho người mua, nó cũng không phải là một cách bán hàng thật thà. Dù là mùa giảm giá, hãy luôn khảo giá một vòng quanh các site uy tín trước khi đặt mua một sản phẩm nào.
Người phương Tây vẫn có câu ngạn ngữ “If it’s too good to be true, it probably is” có nghĩa là nếu một thứ gì tốt đến mức không có thật, thì khả năng cao là nó không có thật. Hãy luôn là người tiêu dùng thông thái và cảnh giác để bảo vệ mình khi mua sắm trên mạng.
Theo Master Dùi (Genk.vn/Trí thức trẻ)