Trao đổi với VnEpress, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP HCM (HoREA) cho biết ủng hộ quan điểm không chuyển condotel thành căn hộ chung cư của Bộ Công an vì 5 lý do.
Thứ nhất, quy hoạch bị phá vỡ nếu chuyển từ condotel sang căn hộ chung cư. Ông Châu phân tích, condotel là một sản phẩm nằm trong khu du lịch nghỉ dưỡng, được xây dựng trên đất có chức năng sản xuất kinh doanh dịch vụ và không có chức năng đất ở. Đất trong khu vực quy hoạch phát triển du lịch nghỉ dưỡng chỉ có quyền sử dụng phổ biến 50 năm, tối đa 70 năm. Việc tuân thủ mục đích sử dụng đất đã được hoạch định giúp duy trì trạng thái bền vững và cân bằng cho quy hoạch địa phương.
Câu chuyện Cocobay dươc chính quyền Đà Nẵng xem xét chuyển đổi từ loại hình condotel thành căn hộ chung cư (có chức năng nhà ở) theo ông Châu, đang phá rào mở ra tiền lệ phá vỡ quy hoạch sử dụng đất. Đây sẽ là tiền lệ xấu phá vỡ tính bền vững cần có của quy hoạch.
Thứ hai, chuyển condotel thành căn hộ chung cư làm giảm giá trị của quần thể bất động sản du lịch. Theo ông Châu, các dự án bất động sản nghỉ dưỡng có thể tạo được sức hấp dẫn và hút khách nhờ được quản lý, vận hành theo quy chuẩn rất cao của ngành dịch vụ khách sạn. Trên cơ sở này, condotel cần được khai thác đúng với các tiêu chuẩn và chức năng trong quần thể du lịch nghỉ dưỡng.
Nhưng một khi chuyển condotel thành căn hộ chung cư, tức các bất động sản nghỉ dưỡng này mất các tiêu chuẩn đồng nhất trước đây và trở thành bất động sản nhà ở được sử dụng theo lối sống sở thích riêng của từng gia chủ. Bằng hình thức hạ chuẩn dịch vụ này, các căn hộ chung cư từ condotel chuyển đổi công năng sẽ làm giảm giá trị của quần thể bất động sản nghỉ dưỡng.
"Condotel chuyển thành căn hộ chung cư như một chiếc áo rách vá lại cho lành nhưng những mảnh chắp vá đó không làm đẹp cho bộ xiêm y là quần thể bất động sản nghỉ dưỡng. Trái lại các mảnh vá khiên cưỡng này khiến cho thị trường bất động sản nghỉ dưỡng càng mất điểm trong mắt du khách", ông Châu nói.
Thứ ba, condotel chuyển thành nhà chung cư sẽ tăng áp lực lên hạ tầng. Khi là condotel, không phát sinh đơn vị ở, đây chỉ là bất động sản lưu trú được vận hành theo tiêu chuẩn phòng 1-2 giường, phòng đơn, phòng đôi. Tuy nhiên, khi chuyển từ condotel sang căn hộ chung cư, sẽ không thể quản lý số người ở và số giường khai thác. Từ việc gia tăng mật độ sử dụng kéo theo khả năng điều tiết giao thông, cấp thoát nước, cung ứng điện và hạ tầng xã hội đi kèm cũng bị quá tải, dẫn đến nhiều hệ lụy kẹt xe, ngập nước, xáo trộn việc cấp điện - nước...
Thứ tư, chuyển condotel thành nhà chung cư sẽ khiến nguồn thu ngân sách từ khai thác ngành công nghiệp không khói bị sụt giảm, thậm chí mất hẳn. Một kịch bản dễ nhận ra là khi condotel được quản lý vận hành theo mô hình kinh doanh có nộp thuế, đóng phí sẽ hoàn toàn khác với condotel chuyển sang chung cư có thể biến thành bất động sản được khai thác tự phát. Chính quyền địa phương sẽ mất đi nguồn thu từ nguồn lực của ngành du lịch nghỉ dưỡng mang lại. Từ đó địa phương không đủ nguồn lực phát triển ngành du lịch theo đúng chiến lược quốc gia.
Thứ năm, condotel kinh doanh khó khăn xin chuyển thành căn hộ sẽ tạo tiền lệ xấu trục lợi chính sách. Chủ tịch HoREA cho rằng nếu mô hình condotel được phát triển bài bản sẽ không xảy ra tình trạng cứu thua cho doanh nghiệp như cách chính quyền Đà Nẵng muốn xem xét chuyển đổi condotel tại dự án Cocobay thành căn hộ chung cư (chủ đầu tư phá vỡ cam kết lợi nhuận theo hợp đồng với khách mua condotel).
"Tuyệt đối không nên dùng ngân sách, chính sách để giải cứu một bộ phận cá biệt doanh nghiệp gặp khó khăn do làm sai lệch mô hình condotel. Doanh nghiệp phải tự chịu trách nhiệm với kết quả làm ăn lãi, lỗ mới là một thị trường bình thường và lành mạnh", ông Châu nhấn mạnh.
Theo Trung Tín (VnExpress.net)