Cuối năm 2019, dự án Cocobay "vỡ trận" đã gây chấn động thị trường bất động sản nghỉ dưỡng, khiến cho không ít nhà đầu tại các dự án condotel khác phải hoang mang do khung pháp lý không đầy đủ, chủ đầu tư thiếu năng lực không thực hiện trả lãi theo cam kết lợi nhuận gây thiệt hại cho nhà đầu tư thứ cấp... Đồng thời, tính pháp lý của các dự án condotel một lần nữa được đem ra "mổ xẻ".
Ngay sau đó, các hội nghị về thị trường bất động sản (BĐS) đều đưa ra những quan điểm xoay quanh những băn khoăn "liệu có nên giải cứu Condotel?" hay "pháp lý nào cho Condotel?".
Sau thời gian họp bàn tìm giải pháp, mới đây, ngày 14/2, bộ Tài nguyên và Môi trường đã chính thức có văn bản (số 703/BTNMT-TCQLĐĐ) gửi các sở Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn việc sử dụng đất và chứng nhận quyền sở hữu công trình xây dựng không phải nhà ở.
Chế độ sử dụng đất và việc chứng nhận quyền sở hữu đối với bất động sản, trong đó có căn hộ du lịch (condotel), biệt thự du lịch là một trong những vấn đề được quan tâm nhất trên thị trường hiện nay. Thậm chí nhiều ý kiến cho rằng sự thoái trào của condotel cũng xuất phát từ sự "mù mờ", tranh cãi trong chế độ sử dụng đất, cấp “sổ đỏ” cho condotel.
Trong văn bản vừa được gửi tới các sở Tài nguyên và Môi trường, bộ Tài nguyên và Môi trường đã nêu rõ quy định về chế độ sử dụng đất, thời hạn sử dụng đất của loại hình này.
Nhận định về văn bản trên, ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký hội Môi giới Bất động sản Việt Nam cho rằng: “Đây cũng là động thái mang tính tích cực cho thị trường bất động sản nghỉ dưỡng. Đáng lẽ ra, các ban ngành phải có văn bản trả lời ngay về vấn đề này khi có nhiều đòi hỏi từ các nhà đầu tư.
Khi bộ Tài nguyên và Môi trường có văn bản thì ít nhiều cũng tạo được niềm tin, hy vọng cho các nhà đầu từ khi họ tham gia đầu tư vào loại hình bất động sản nghỉ dưỡng (condotel). Vấn đề ở đây là các địa phương có dự án cần phải áp dụng ngay vào thực tế, nhanh chóng và quyết liệt thì lúc đó mới tạo được lòng tin bền vững cho nhà đầu tư mua dòng sản phầm này”.
Vị lãnh đạo Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam cho biết thêm: “Thực ra, văn bản hướng dẫn về việc sử dụng đất và việc chứng nhận quyền sở hữu công trình xây dựng không phải nhà ở của Tài nguyên và Môi trường đưa ra đã có trong quy định pháp luật. Tuy nhiên, tôi muốn văn bản có thể nói rõ hơn để làm cơ sở cho các cơ quan chính quyền địa phương có thể xử lý khi mua bán những dòng sản phẩm thuộc loại hình bất đông sản nghỉ dưỡng này”.
Ông Trần Bá Chung, chuyên gia tư vấn bất động sản nhận định: “Việc bộ Tài nguyên và Môi trường có văn bản chấp nhận hướng dẫn về việc sử dụng đất và việc chứng nhận quyền sở hữu công trình xây dựng không phải nhà ở là thay đổi lớn để có thể chủ đầu tư có thể bán được căn hộ du lịch (condotel), khách hàng có thể yên tâm hơn về quyền sở hữu của họ khi tham gia mua căn hộ du lịch”.
Tuy vậy, ông Chung cũng cho rằng: “Việc cấp quyền sử dụng đất cũng chỉ là phương án "giải cứu" tạm thời, tăng thêm niềm tin cho nhà đầu tư vào loại hình căn hộ du lịch. Vì trước đây, về mặt pháp lý chưa được đầy đủ nên các nhà đầu tư còn nhiều lo ngại”.
Sau khi có văn bản của bộ Tài nguyên và Môi trường, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch hiệp hội Bất động sản TP.Hồ Chí Minh (HoREA) hoan nghênh bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, bộ Xây dựng, bộ Tài nguyên và Môi trường đã chấp thuận các đề xuất của hiệp hội và ban hành các văn bản hướng dẫn giải quyết cấp Giấy chứng nhận (sổ đỏ) quyền sử dụng đất, quyền sở hữu căn hộ du lịch, biệt thự du lịch cho các khách hàng (các nhà đầu tư thứ cấp) tại các dự án du lịch nghỉ dưỡng. Đồng thời, xác định quy chuẩn kỹ thuật xây dựng căn hộ lưu trú (condotel), quy chế quản lý, kinh doanh loại hình căn hộ du lịch, biệt thự du lịch.
Bên cạnh đó, hiệp hội Bất động sản TP.Hồ Chí Minh cũng vừa có văn bản số 14/2020/CV- HoREA gửi Thủ tướng Chính phủ, bộ Xây dựng, bộ Tài nguyên và Môi trường, bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, UBND TP.Hồ Chí Minh về việc hoàn thiện khung pháp lý đối với căn hộ du lịch còn thiếu nội dung về điều kiện huy động vốn, bán căn hộ du lịch hình thành trong tương lai.
Cụ thể, HoREA kiến nghị hoàn thiện “Quy chuẩn xây dựng nhà chung cư”, xác định khái niệm và giải thích khái niệm căn hộ du lịch, thay thế khái niệm căn hộ lưu trú, quy định cách tính phần diện tích căn hộ du lịch thuộc sở hữu riêng, phần diện tích thuộc sở hữu chung, tương tự như cách tính đối với căn hộ chung cư theo quy định của pháp luật về nhà ở, để làm cơ sở cấp “sổ đỏ” cho người mua.
Ngoài ra, Luật Kinh doanh bất động sản đã quy định các điều kiện bán bất động sản hình thành trong tương lai. Trong đó, đã quy định chặt chẽ điều kiện huy động vốn, bán nhà ở hình thành trong tương lai. Tuy nhiên, chưa có quy định về các điều kiện huy động vốn, bán căn hộ du lịch hình thành trong tương lai.
Hiệp hội cũng đề nghị bộ Xây dựng xem xét đề xuất Chính phủ quy định các điều kiện về huy động vốn, bán căn hộ du lịch hình thành trong tương lai, để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của khách hàng những nhà đầu tư thứ cấp, và đảm bảo sự phát triển minh bạch, ổn định, bền vững của thị trường bất động sản, trong đó có thị trường bất động sản du lịch.
Theo Đỗ Tuấn (Nguoiduatin.vn)