Tổ chức từ thiện Oxfam International vừa công bố báo cáo thường niên về chênh lệch giàu nghèo trước thềm Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) tổ chức tại Davos (Thụy Sĩ). Theo đó, 42 người giàu nhất thế giới hiện sở hữu nửa sổ tài sản toàn cầu và tương đương 3,7 tỷ người nghèo nhất.
Oxfam cũng cho biết năm qua, các tỷ phú đã được tạo ra với tốc độ kỷ lục. Trung bình 2 ngày, thế giới có thêm một người có tài sản tỷ USD. Trong khi đó, tài sản của 50% người nghèo nhất không tăng lên. Năm 2017, 82% số tài sản toàn cầu tăng lên là về tay 1% người giàu nhất.
"Sự bùng nổ tỷ phú không phải dấu hiệu của một nền kinh tế thịnh vượng, mà là triệu chứng của một hệ thống kinh tế thất bại", Winnie Byanyima - Giám đốc Oxfam International nhận xét. Ông cho rằng những người "làm quần áo, lắp ráp điện thoại và nuôi trồng thực phẩm cho chúng ta" đang bị bóc lột để làm giàu cho các tập đoàn và người siêu giàu.
Báo cáo của Oxfam sử dụng dữ liệu trong Global Wealth Databook của Credit Suisse. Nó cũng chỉ ra sự bất bình đẳng giới, khi nam giới sở hữu nhiều đất đai, cổ phiếu và các tài sản vốn khác hơn phụ nữ.
Bất bình đẳng vẫn luôn là chủ đề lớn tại Davos mỗi năm. Oxfam cho rằng đã đến lúc giới thượng lưu ngừng nói về vấn đề này và thay đổi cách làm của mình. "Rất khó tìm ra một chính trị gia hoặc lãnh đạo doanh nghiệp nào không nói rằng mình lo ngại về bất bình đẳng. Nhưng tìm ra người làm điều gì đó còn khó khăn hơn", Byanyima nói.
Oxfam cho rằng các Chính phủ nên tập trung vào nhóm chính sách giúp phân phối của cải đều hơn và bảo vệ quyền lợi của công nhân. Họ có thể lập ra mức lương đủ sống, ủng hộ công đoàn, giải quyết bất bình đẳng giới, chống né thuế và đặt trần lương lãnh đạo doanh nghiêp.
Theo Hà Thu (VnExpress.net)